Bác sĩ Paul D’Alfonso, Giám đốc Trung tâm Trị liệu thần kinh cột sống Maple Healthcare, TP HCM, giải thích cong vẹo cột sống là cột sống bị cong hoặc lệch sang một bên. Tình trạng này có thể xảy ra với mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là giai đoạn giữa hoặc cuối thời kỳ phát triển của trẻ vị thành niên.
80% trường hợp cong vẹo cột sống không xác định được rõ nguyên nhân. Bác sĩ Paul ghi nhận đa số bệnh nhân có liên quan đến chấn thương hoặc tai nạn. Bên cạnh đó, tác nhân gây bệnh phổ biến được xác định là thói quen sinh hoạt và học tập không đúng tư thế, chẳng hạn như ngồi máy tính quá lâu, đeo cặp sách quá nặng, cong lưng khi ngồi, cúi mặt quá sát bàn...
Theo bác sĩ Paul, cột sống bị cong vẹo thường tiến triển âm thầm và nặng dần theo thời gian, ít có biểu hiện rõ ràng cụ thể. Vì vậy, rất nhiều bệnh nhân không phát hiện được tình trạng bệnh của mình cho đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và cần đến sự can thiệp của bác sĩ.
Tư thế làm việc sai là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cong vẹo cột sống.
Đặc biệt, học sinh, sinh viên là nhóm dễ mắc chứng cong vẹo cột sống nhưng thường không để ý phát hiện sớm và có phương pháp điều trị đúng đắn kịp thời. Tình trạng này kéo dài khiến cho bệnh ngày càng trầm trọng hơn, dễ dẫn đến các biến chứng lâu dài và nặng nề về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ bị vẹo cột sống có thể gây biến đổi ngoại hình theo chiều hướng tiêu cực như hai vai không cân bằng, lệch hông, chân đi không đều… khiến các em mặc cảm, tự ti, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động xã hội.
Cong vẹo cột sống có thể tác động đáng kể đến tâm lý người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Người mắc chứng vẹo cột sống thường có nhiều vấn đề về hành vi hơn nếu không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ về cách kiểm soát cảm xúc trước, trong và sau khi điều trị. Cột sống của bệnh nhân có thể bị lệch hẳn sang một bên nếu mức cong vẹo vượt quá 50 độ, làm suy giảm chức năng phổi và gây các vấn đề về tim mạch.
Bệnh cong vẹo cột sống phát hiện càng sớm khả năng điều trị khỏi càng cao.
Khi mức độ bệnh trầm trọng hơn sẽ gây các cơn đau chân, lưng dưới dai dẳng. Nặng hơn, gây rối loạn chức năng của các bộ phận khác trong cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa, do các khớp hông, xương sườn và xương chậu đều bị lệch khỏi vị trí ban đầu.
Người bị chứng vẹo cột sống không được điều trị có thể dẫn đến bệnh gai cột sống. Theo thời gian. các sụn đốt sống mỏng đi, tình trạng viêm khớp xảy ra sẽ tạo điều kiện cho các gai ở đốt sống phát triển. Bệnh nhân có thể bị đau dữ dội do viêm khớp trầm trọng hoặc gai cột sống chèn ép vào dây thần kinh.
Gai cột sống là một biến chứng nghiêm trọng của chứng vẹo cột sống.
Cong vẹo cột sống nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị và hồi phục của bệnh nhân. Bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do vậy bác sĩ Paul khuyến cáo mọi người nên kiểm tra cong vẹo cột sống định kỳ khoảng 6 đến 8 tháng một lần, tốt nhất là từ khi còn trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nếu có. Bên cạnh đó cần rèn luyện lối sống lành mạnh, thay đổi các thói quen và tư thế chưa đúng để tránh bị cong vẹo cột sống.