Nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Sydney: Nhận định về đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại TP HCM và nguy cơ

Nhóm chuyên gia nhận định dịch tại TP HCM có nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng và kéo dài. Kể cả khi nỗ lực nhất thì phải hết tháng 8/2021, dịch mới được kiểm soát.

1. TP HCM là tỉnh có số ca mắc tích lũy cao thứ 2 cả nước

Từ 18/5/2021 đến 26/6/2021, TP HCM đã trải qua 4 tuần giãn cách xã hội nhưng số ca phát hiện hàng ngày càng tăng cao với tổng số 3.084 ca được phát hiện (Biểu đồ 1 và 2). Dịch lan rộng, nhanh và nhiều hơn các đợt dịch trước. (1)

Biểu đồ 1. Số ca mắc mới hàng ngày tại TP HCM

Biểu đồ 2. Số ca lũy tích tại TP HCM

2. Nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp và lan nhanh

Chuỗi lây nhiễm đầu tiên có liên quan tới điểm nhóm truyền giáo phục hưng. Quá trình truy vết và sàng lọc cộng đồng đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm mới, phức tạp hơn như chuỗi ca bệnh tại các chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Sơn Kỳ...), tại các công ty, khu công nghiệp (KCN Tân Phú Trung, CTCP Trung Sơn…).

Sau khi truy vết, các chuỗi lây nhiễm từ Hồ Chí Minh còn lan sang một số tỉnh/thành khác: Long An, Tiền Giang, Bình Dương (từ nguồn lây điểm nhóm truyền giáo phục hưng).

Các chuỗi lây nhiễm chính được thể hiện trong biểu đồ 3. Khoảng 7,5% số ca chưa được cập nhật thông tin dịch tễ để phân loại chuỗi lây, đây là dấu hiệu cho thấy, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp ngoài cộng đồng, và có thể tiềm ẩn những chuỗi lây nhiễm khác, chưa được phát hiện ra.

Biểu đồ 3. Top 10 chùm lây nhiễm chính tại TP Hồ Chí Minh

Nguy hiểm hơn, dịch bệnh còn âm thầm lây lan trong các bệnh viện, khiến các cơ sở khám chữa bệnh phải phong tỏa, ngừng tiếp nhận bệnh nhân như BV Nhiệt đới TP.HCM (56 ca), BV Quận Tân Phú (6 ca)... và hiện tại vẫn tiếp tục có các ca F0 được phát hiện qua sàng lọc ở các BV khác nhau trên toàn TP.

4. Dịch bệnh đã lan rộng trong cộng đồng chứ không tập trung tại một vài điểm nóng

Bản chất của dịch bệnh là đã lây lan rộng trong cộng đồng, mặc dù các biện pháp giãn cách đã được thực hiện, các ca đã nhiễm sẵn có trong cộng đồng vẫn sẽ lần lượt được phát hiện. Điều này càng được khẳng định khi số ca mắc mới là trẻ em trong cộng đồng được phát hiện từ sớm, có xu hướng tăng theo xu hướng ca mắc mới của người lớn (Biểu đồ 1).

Số ca mắc chủ yếu tập trung trong nhóm người lao động, từ 20-50 tuổi (biểu đồ 4). Đây là nhóm di chuyển, tiếp xúc nhiều, làm tốc độ và mức độ lây nhiễm diễn ra nhanh và nhiều hơn. Đặc điểm này cũng có nghĩa là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và các trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) cũng nhiều hơn và cũng có tỷ lệ thuộc nhóm tuổi lao động cao hơn.

Với chiến lược kiểm soát dịch như hiện tại, khi F1 phải được cách ly tập trung và F2 phải được cách ly tại nhà, số lượng người cần cách ly quá lớn, đưa đến gánh nặng về phục vụ và giám sát của không chỉ ngành y tế mà còn cách lực lượng xã hội khác.

Ngoài ra, một số lượng lớn người trong tuổi lao động phải bị cách ly cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của TP.

Biểu đồ 4. Phân bố tuổi của các ca mắc Covid 19 tại TP Hồ Chí Minh

Với nhận định về sự lây lan đã rộng trong cộng đồng, việc phát hiện các chuỗi lây nhiễm đầu tiên thực ra là sự phát hiện ngẫu nhiên, và không phải là các ca/chuỗi ca chỉ điểm cho đợt dịch này. Nói cách khác, việc cố gắng đi tìm các ca/chuỗi ca chỉ điểm là không khả thi, và không thực sự còn nhiều ý nghĩa thực tế trong việc kiểm soát dịch bệnh ở thời điểm hiện tại.

Về xét nghiệm, với năng lực hiện tại và thực tế hoạt động xét nghiệm thời gian qua là đã hết công suất, số lượng 25.000 mẫu đơn (tương ứng với khoảng 500.000 mẫu từ mẫu gộp) là còn hạn chế so với dân số TP, thì số lượng ca phát hiện có thể chưa phải là số ca thực tế lưu hành trong cộng đồng. Nói cách khác, số ca trong cộng đồng chưa được phát hiện còn rất nhiều, nếu không có chiến lược tầm soát thì sẽ bỏ lọt các ca này, làm dịch sẽ tiếp tục lan rộng hơn.

5. Chủng vi rút lây lan nhanh chóng hơn, độc lực cao hơn, và hiệu quả bảo vệ với chủng này sau 1 liều vắc xin (AstraZeneca?) thấp hơn

Theo các kết quả giải trình tự gen tới nay, chủng vi rút lưu hành phổ biến nhất trong đợt dịch 4 tại Việt Nam là chủng Delta (Ấn Độ/B.1.617.2), sau đó là chủng Alpha (Anh/B.1.1.7).

So với các chủng khác đã được ghi nhận trước đây, chủng Delta không chỉ dễ lây hơn mà còn dễ gây bệnh nặng hơn (2). Các triệu chứng bệnh cũng khác so với chủng trước. Triệu chứng thường gặp là nhức đầu, đau họng, sổ mũi, sốt; các triệu chứng trước đây thường gặp như ho, mất vị giác nay đã ít phổ biến. Nguy cơ nhập viện do bệnh nặng khi nhiễm chủng Delta là gấp đôi so với Alpha (3).

Theo báo cáo giám sát của Anh, tỷ suất tấn công thứ phát của chủng Delta (màu tím) cao hơn 50% (khoảng tin cậy 95%: 40%-70%) so với chủng Alpha (B.1.1.7), và khoảng 90% so với chủng ban đầu, tức là dễ lây hơn (4).

Hơn nữa, chủng Delta dễ lây trong hộ gia đình hơn rất nhiều so với chủng Alpha (tỉ số chênh 1.64) (5). Trong số các ca tái nhiễm ở Anh gần đây thì số ca nhiễm Delta khá cao (Biểu đồ 5).

Biểu đồ 5. Tổng số ca nhiễm của các chủng cần quan tâm kể từ lần lấy mẫu của ca thứ năm của chủng

Ngoài ra, hiệu quả vaccine thấp khi tiêm 1 mũi (chỉ đạt 33%), nhưng vẫn đạt 80% sau tiêm mũi 2 (Hình 4) (4). Vì thế, không thể dùng chiến lược tăng nhanh độ bao phủ 1 mũi vì hiệu quả bảo vệ quá thấp.

6. Dịch có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng và kéo dài. Hiện nay năng lực cách ly đã quá tải. Nếu số ca nhiễm tăng lên mức 10.000, hệ thống y tế sẽ không đủ năng lực điều trị.

Dựa trên các số liệu được công bố hiện nay, theo kết quả dự báo của chúng tôi thực hiện vào 24/6/2021 cho thấy nếu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 10 của TP, cả đợt dịch lần 4 sẽ có khoảng 9.000 ca. Đỉnh dịch dự kiến trong tuần 2-3 tháng 6/2021. Các số phát hiện rất cao trong vài ngày qua là cộng dồn từ những ngày trước. Dịch sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 8/2021 (6).

Tuy nhiên, nếu việc triển khai Chỉ thị 10 của TP không hiệu quả, số ca bệnh sẽ tăng lên nhanh chóng và vượt ngưỡng năng lực của hệ thống. Với kịch bản này, hệ thống y tế sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị, nếu được bổ sung thêm một số hệ thống Ecmo (bảng 1). Tuy nhiên, năng lực cách ly F1 hiện đã không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch.

Khi việc triển khai Chỉ thị 10 của TP không hiệu quả, khi số bệnh nhân tăng lên 10.000 hoặc hơn nữa, thành phố sẽ không có đủ năng lực chăm sóc y tế (so với sự chuẩn bị hiện nay). Lúc này, tử lệ tử vong sẽ tăng nhanh.

Hơn thế nữa, khi số bệnh nhân vượt quá 10.000, số F1 sẽ vượt quá 20 x 10.000 x 21 ngày = 4.200.000 người-ngày và số F2 sẽ vượt quá 4.200.000 x 21 ngày = 88tr người-ngày. Con số này hoàn toàn vượt xa khả năng truy vết và cách ly của hệ thống hiện tại. Vì vậy, cần chuẩn bị và xây dựng kế hoạch chăm sóc, điều trị tại cộng đồng cho kịch bản xấu.

Bảng 1: Dự báo số lượng bệnh nhân so với năng lực của hệ điều trị

 

Giả định

Số dự báo

Năng lực hệ thống

Tổng số F1 cần cách ly

20 F1/ 1 F0

180.000 x 21 ngày

= 3,78tr người-ngày

30.000 x 21 ngày

= 630.000 người-ngày

Số ca cần chạy ecmo

1/450

20

16

Số ca nặng cần điều trị ICU

3,5%

315

500 - 1.000

Số ca có triệu chứng (tới khi khỏi)

Kết quả dự báo

6.000

4.000

Số ca không triệu chứng

Kết quả dự báo

3.000

5.000 - 10.000

7. COVID-19 có thể để lại hậu quả lâu dài trên bệnh nhân

Có tới 200 triệu chứng/hội chứng hậu COVID và tương lai sẽ cần xây dựng 1 chương trình y tế riêng cho vấn đề này. COVID19 gây những hậu quả lâu dài do các tổn thương tim phổi và dẫn tới giảm sức lao động và chất lượng sống, gây ra hậu quả lâu dài (7).

Một số nghiên cứu tại một số nước châu Âu và Mỹ cho thấy bệnh nhân COVID-19 vẫn có thể tiếp tục có các triệu chứng sau 60 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Các tổn thương này bao gồm:

- Tổn thương phế nang, nhu mô phổi và đường thở. Chức năng thông khí của phổi kém.

- Tổn thương tim, trong đó có viêm cơ tim mạn tính tự miễn.

- Một số trường hợp gây tổn thương và dị dạng phình mạch vành kiểu KAWASAKI cũng được phát hiện ở trẻ nhỏ.

- Các triệu chứng thần kinh phổ biến: đau đầu, giảm cảm giác (thị giác, nghe, nếm, ngửi, xúc giác bàn tay), di chuyển khó khăn, rùng mình, giảm trí nhớ, giảm nhận thức.

Báo cáo được viết ngày 27/6/2021 bởi nhóm chuyên gia 5F

Nhóm 5F và team tình nguyện của Woolcock gồm các bác sĩ, nhà dịch tễ học, khoa học xã hội, dược sĩ và chuyên gia y tế công cộng tình nguyện tâp hợp các thông tin có bằng chứng khoa học về COVID-19 để giúp người dân và các đồng nghiệp tham khảo dễ dàng nhất.

Các chuyên gia tham gia nhóm chuyên gia 5F là: TS. Nguyễn Thu Anh (dịch tễ), Ngô Hoàng Anh (toán), TS. Lê Thị Kim Ánh (thống kê), ThS. Nguyễn Thị Hương Thảo (xã hội học), Dương Thị Duyên (dược sĩ), TS. Nguyễn Cường Quốc (dịch tễ và virus học), TS. Phan Hữu Phúc (bác sĩ nhi), BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền (bác sĩ truyền nhiễm).

Tài liệu tham khảo

1. Nhóm 5F. Dashboard tổng hợp số liệu COVID-19 tại Việt Nam. http://bit.ly/5f_dashboard_covid

2. GAVI. Five things we know about the Delta variant (and two things we don't). https://www.gavi.org/vaccineswork/five-things-we-know-about-delta-coronavirus-variant-and-two-things-we-still-need

3. Aziz Sheikh, Jim McMenamin, Bob Taylor, Chris Robertson. SARS-CoV-2 Delta VOC in Scotland: demographics, risk of hospital admission, and vaccine effectiveness. Lancet 397 (10293), 2461-2462, June 26, 2021. https://doi.org/10.1016/S0140-6736(21)01358-1

4. Public Health England. SARS-CoV-2 variants of concern and variants under investigation in England. Technical briefing 17. 25 June 2021. https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/996740/Variants_of_Concern_VOC_Technical_Briefing_17.pdf

5. Hester Allen, Amoolya Vusirikala, Joe Flannagan, et. al. Increased household transmission of COVID-19 cases associated with SARS-CoV-2 Variant of Concern B.1.617.2: a national case-control study. https://khub.net/documents/135939561/405676950/Increased+Household+Transmission+of+COVID-19+Cases+-+national+case+study.pdf/7f7764fb-ecb0-da31-77b3-b1a8ef7be9aa

6. Nhóm chuyên gia độc lập. Kết quả dự báo đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại thành phố Hồ Chí Minh. https://drive.google.com/file/d/1drkanzuN1mZDsuSZze-bPnLGcTLJg717/view?usp=sharing

7. Daniel S. Knight, Tushar Kotecha, Yousuf Razvi, et. al. COVID-19. Myocardial Injury in Survivors. Circulation. 2020;142:1120–1122. https://doi.org/10.1161/CIRCULATIONAHA.120.049252

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/nhom-nghien-cuu-thuoc-dh-sydney-nhan-dinh-ve-dot-dich-covid-19-thu-4-tai-tp-hcm-va-nguy-co-161210607164418594.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU