Nếu chỉ lướt qua, sẽ khó có thể nhận ra anh là ai, bởi anh giống như bao bác sĩ khác nơi tâm dịch này, đều khoác lên mình tấm áo bảo hộ kín mít, định danh bằng một mã số viết vội lên trước ngực và lưng - "BS Linh CR". Dòng chữ ấy chính là cách duy nhất để các bác sĩ nhận ra nhau là ai, trong "cơn bão" dữ dội bên sông Hàn. Anh là bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy. Đáp lại lời kêu gọi của Đà Nẵng, ngày 24/7, anh cùng 2 đồng nghiệp khác tức tốc lên đường với vỏn vẹn vài bộ đồ trong chiếc balo.
Bác sĩ Trần Thanh Linh được mệnh danh là "người hùng của BN91". Anh là người trực tiếp điều trị và chăm sóc viên phi công người Anh, bệnh nhân số 91. Từ đó cái tên "BS 91" cũng được các bệnh nhân và đồng nghiệp trìu mến đặt cho anh. Suốt 20 ngày qua, mỗi ngày của "BS 91" đều vội vã, quay cuồng trong khu điều trị. Anh cùng các đồng nghiệp phải đảm trách một trong những mặt trận cam go nhất của thành phố, nơi tập trung nhiều ca bệnh COVID-19 nặng sẵn có bệnh nền, đó là bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Anh kể: "Ngày nhận lệnh lên đường ra miền Trung, các ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đều xác định chuyến công tác này sẽ chưa hẹn ngày về. Chúng tôi tới đây từ những ngày đầu tiên, khi tình hình dịch bệnh nóng lên từng ngày từng giờ. Trước những bạn đồng nghiệp ở Đà Nẵng đã mệt phờ kiệt sức vì liên tục truy vết, lấy mẫu và thức xuyên đêm trong khu điều trị… chúng tôi chỉ muốn lao ngay vào trận. Làm sao đẩy nhanh tiến độ vận hành hệ thống, thiết bị máy móc cùng đội ngũ y bác sĩ để đón tiếp, chữa trị cho người bệnh nhằm san sẻ bớt gánh nặng cho anh em.
Mỗi buổi sáng, nhận thông tin bệnh nhân nặng đang nguy kịch, mọi người ai cũng sốt ruột. Phải sớm đi vào hoạt động, mới giải quyết bớt nguồn bệnh nhân nặng hiện nay tại Đà Nẵng".
Bác sĩ Linh nhớ lại: "Vấn đề cấp bách nhất lúc đó là số lượng bệnh nhân rất đông, còn đội ngũ y bác sĩ lại quá mỏng, nhân lực tại các Bệnh viện Đà Nẵng đang bị cách ly. Trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi cùng đồng lòng tận dụng những gì sẵn có, cùng hỗ trợ lẫn nhau trong các ca trực và đào tạo cho nhau. Trong tâm dịch, chỉ có giải quyết tình thế, chứ mình không thể ngồi đợi và đòi hỏi lực lượng bác sĩ phải đáp ứng đúng chuyên môn ở đây..."
Nghe "chỉ huy" của mình kể chuyện, một đồng nghiệp của anh Linh trêu: "Nào ai nhớ những ngày đầu ngổn ngang anh Linh nhỉ?". Dường như một nụ cười thoáng lên sau tấm khẩu trang, bác sĩ Linh nhớ lại: "Ngày 24/7 chúng tôi đến thì đến tận ngày 31/7 cả Khoa Hồi sức tích cực này vẫn còn ầm ĩ tiếng đục, đẽo, khoan, lắp. Tiếng máy khoan lấn át tiếng còi xe cứu thương. Nhiệm vụ của nhóm thợ là phải hoàn thiện ngay các phòng chức năng để các chuyên gia y tế thiết lập máy móc, giường bệnh, khu vực phòng "đệm", phòng làm việc… làm sao để nhanh nhất đón tiếp được lượng lớn bệnh nhân, giảm tải cho các bệnh viện khác".
Chỉ trong vòng 3 ngày, toàn bộ hệ thống bơm xy-lanh điện, oxy khí nén đã được lắp đặt, phòng ốc được sửa sang, trang thiết bị mới được chuyển tới.
Đội lắp đặt vừa rời đi, tất cả bác sĩ chia nhau lau chùi, dọn dẹp… để mau chóng đón bệnh nhân COVID-19 vào điều trị.
Cả đội điều dưỡng, bác sĩ cho đến chuyên gia cấp cứu hàng đầu của Bệnh viện Chợ Rẫy đều chủ động lao vào việc. Người lau nhà từ trên trần xuống đến sàn, người dọn dẹp, người lau chùi mọi vật dụng như quạt, tủ, bàn ghế…
Ngay cả bác sĩ Linh cũng vừa cầm giẻ lau, vừa kiểm tra kỹ các phòng, chỗ nào chưa đạt yêu cầu là anh bắt lau lại cho kỳ sạch thì thôi.
Những ngày đó là giai đoạn chạy đua của ê-kíp Bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sĩ Đà Nẵng để đạt mục tiêu...
"Trong 5 ngày phải hoàn tất 12 phòng bệnh đạt tiêu chuẩn của một phòng ICU (chăm sóc tích cực) khi chưa có hệ thống oxy trung tâm, chưa có hệ thống khí nén, các phòng bệnh chưa được phân luồng một chiều để tránh lây nhiễm chéo".
7h30 sáng, một chiếc xe cứu thương hú còi inh ỏi, lao vào Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, hướng về tòa nhà dành riêng để điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Chiếc xe vừa đỗ lại, nhóm bác sĩ nhân viên y tế với bộ đồ bảo hộ kín mít đã đợi sẵn với chiếc cáng trắng. Mọi thao tác đều dứt khoát và thuần thục, đặt bệnh nhân lên cáng và kiểm tra nhanh tình trạng người bệnh, chỉ trong chớp mắt, họ đã mất hút sau cánh cửa khu điều trị. Những hình ảnh đó như một "thước phim" quay nhanh, một lời mô tả ngắn gọn về những gì đang diễn ra ở khu điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng tại Đà Nẵng.
Rảo bước nhanh vào phòng điều hành, nơi đặt hệ thống camera giám sát từng giường bệnh, bác sĩ Linh bắt đầu ngày mới bằng loạt phim X-quang của các bệnh nhân. Lần lượt từng tấm phim được xem kĩ càng, bất cứ thay đổi hay dấu hiệu nghi ngờ nhỏ nào đều được anh đánh giá và cẩn thận ghi lại. Sau gần 3 tiếng miệt mài chẩn đoán hình ảnh, "BS Linh CR" chính thức bước vào trận chiến thực sự cam go với COVID-19.
Mất khoảng 10 phút để mặc xong bộ đồ bảo hộ cùng các đồng nghiệp, ít ai biết những bộ đồ trắng toát, kín mít từ đầu đến chân là tấm chắn bảo vệ bác sĩ, nhưng cũng là thử thách của họ khi phải đối diện với sự ngột ngạt và những giọt mồ hôi vã ra không ngừng dưới sức nóng oi ả của miền Trung những ngày hè tháng 8. Thao tác mặc áo bảo hộ dù đã được thực hiện đi thực hiện lại mỗi ngày tới quen, nhưng ai cũng đều hết sức cẩn thận, bởi bệnh dịch là thứ không thể chủ quan.
"Bác sĩ mà nhiễm bệnh thì ai là người cứu bệnh nhân, nên mỗi lần mặc tôi đều thấy bồi hồi, cảm xúc lẫn lộn", bác sĩ Linh chia sẻ. Thứ giúp các bác sĩ, y tá điều dưỡng nhận ra nhau là đôi mắt và những dòng mã số được viết vội bằng chiếc bút dạ trước ngực và sau lưng mỗi người. Những đôi mắt trũng sâu sau nhiều ngày đêm trực chiến ánh lên vẻ cương nghị. Tất cả đã sẵn sàng vào cuộc.
Sau lớp cửa kính thứ nhất là "phòng đệm", đây là khu vực giúp ngăn cách giữa khu điều trị và vùng an toàn. Phóng viên cũng đóng bộ đầy đủ, thận trọng di chuyển theo từng bước chân của "BS Linh CR" qua lớp cửa kính thứ 2, cũng là lúc những tiếng máy móc, thiết bị đang điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng vang lên từng hồi.
Bộp... bộp... bộp... những tiếng vỗ đều đặn, dứt khoát vào vùng ngực để trần của nam bệnh nhân - "Bệnh nhân bất tỉnh nên phải vỗ vỗ như vậy cho đờm long ra. Nếu không làm vậy phổi bệnh nhân sẽ bị tắc", bác sĩ Linh giải thích sau khi những chỉ số của người bệnh đã trở về mức an toàn.
Bước sang phòng điều trị khác, thăm khám cho một ca bệnh lớn tuổi đang phải thở máy, tình trạng khá nguy kịch, vị bác sĩ trung tuổi cố gắng tìm cách giao tiếp với bệnh nhân bằng giọng nói trầm ấm, nhưng đầy uy lực: "Chị cố mở mắt ra, mở ra nhìn tôi này… đúng rồi! Chị nâng tay lên để tôi xem nào, nâng cả hai tay nhé! Chúng tôi đang cố gắng chữa trị cho chị. Chị sẽ sớm được về nhà thôi! Hãy gắng lên!".
Di chuyển tiếp đến giường của một bệnh nhân khác đang phải lọc máu liên tục, thở máy, sau khi thăm khám, bác sĩ Linh cùng đội ngũ thầy thuốc điều chỉnh các thông số, tiêm thuốc giúp sức để bệnh nhân sớm hồi phục. Rồi một ca bệnh nặng nữa, một người phụ nữ lớn tuổi đã điều trị dài ngày tại bệnh viện, khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi và bất lực. Vừa đưa tay đỡ chị ngồi dậy, bác sĩ vừa vỗ nhẹ vào lưng, vào vai an ủi: "Chị cố gắng nhé! Khỏe lên thì chúng tôi sẽ rút ống thở cho chị sớm đoàn tụ với gia đình".
Cứ thế, họ tiếp cận từ bệnh nhân nặng phải thở máy đến khu điều trị cho những bệnh nhân sắp khỏi bệnh. Rảo bước dẫn chúng tôi lên tầng 2, bác sĩ nói: "Tầng này được sắp xếp là nơi điều trị cho những bệnh nhân nhẹ hoặc sắp khỏi bệnh. Tất cả các bệnh nhân nằm tại đây đều tỉnh táo, sức khỏe đang dần ổn định. Những trường hợp này cũng có bệnh lý nền, nhưng rất may nhờ sự can thiệp sớm, nội lực và sức phục hồi của bệnh nhân tốt nên không bị đe dọa đến sinh mạng".
Tiến lại gần một nữ bệnh nhân, bác sĩ Linh hỏi "Chị thế nào, hôm nay ổn hơn rồi chứ?". Người phụ nữ gật đầu ra dấu hiệu đã khỏe hơn. Bác sĩ Linh căn dặn: "Chị cố gắng tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bệnh viện. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi là được ra viện về nhà thôi".
Thăm bệnh một vòng, thời gian trôi vụt qua cả bữa trưa, tôi vẫn chưa thấy bác sĩ Linh và đồng nghiệp nghỉ ngơi. Họ vẫn di chuyển như con thoi dù phải "đóng hộp" trong bộ đồ bảo hộ ít nhất đã 3 tiếng rồi. Lúc này đồng hồ đã điểm 2h chiều. Có lẽ bữa trưa của họ sẽ được chuyển qua bữa chiều, đến giờ nghỉ giữa hiệp hoặc lúc nào đó thuận lợi nhất.
Như đọc được suy nghĩ của tôi, tranh thủ vài phút thảnh thơi trong quá trình thăm bệnh, "BS Linh CR" chia sẻ: "Đứng trước dịch bệnh như thế mà nói cứng thì không phải con người. Mình cũng mệt chứ, cũng sợ chứ! Mình không cầm súng ra chiến trường, nhưng trận chiến này phải thắng. Vất vả thế này chưa là gì so với anh em ngoài kia đâu, nhà báo ạ".
Mỗi sáng, nhóm chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt tại bệnh viện lúc 7h30, sau buổi giao ban nhanh về chuyên môn với bác sĩ trực thì ekip bắt tay ngay vào việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Bữa cơm trưa thường được ăn vội, rồi nhanh chóng tất cả bác sĩ lại vào guồng chạy đua cùng con virus. Nếu may mắn đến hết ngày không có ca nào biến chứng thì một ngày chiến đấu của họ thường tạm dừng sau 8h tối.
Để hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, mỗi đêm đều có bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy ở lại trực. Chuyện lên đường trong đêm cấp cứu cho bệnh COVID-19 nặng từ các Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Hòa Vang... đã trở thành hoạt động thường xuyên của 11 thành viên đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Vị Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định bệnh nhân mắc COVID-19 lần này hoàn toàn khác biệt so với đợt nhiễm lần trước: "Trong các đợt trước, người nhiễm COVID-19 ở nước ta chủ yếu là bệnh nhân trẻ, bệnh nhân từ cộng đồng. Họ không có, hoặc ít bệnh lý nền. Nhưng lần này COVID-19 đã tấn công vào những khoa nặng nhất của các bệnh viện ở Đà Nẵng. Những bệnh nhân đã suy kiệt, đuối sức sau 10 thậm chí 15 năm chạy thận nhân tạo, những bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư… với hệ miễn dịch suy giảm, các cơ quan đã bị tổn thương nhiều, nay trở thành đối tượng tấn công của virus. Đó chính là khó khăn và thử thách của chúng tôi".
Dù đã kinh qua nhiều "trận chiến" trước đó, như năm 2007 tham gia cấp cứu cho các nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ (làm chết hơn 50 người); chống COVID-19 tại TP.HCM ở giai đoạn 1, chống dịch Bạch hầu bùng phát ở Kon Tum… với bác sĩ Linh "trận chiến" với COVID-19 tại Đà Nẵng lần này thực sự cam go và thử thách hơn rất nhiều.
"Trong cuộc chiến này, chúng tôi cũng chưa biết chính xác khi nào mới có thể khống chế hoàn toàn đại dịch tại Đà Nẵng, chỉ biết làm hết sức, nỗ lực hết sức ngày hôm nay để nhất định sẽ có ngày trở về!"
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/nhung-bac-si-quen-ten-minh-deo-ma-so-vao-tam-dich-221975
Theo ttvn.vn