Chị Kim Sa ngồi coi lại những kỷ vật của anh trai
Chị Kim Sa kể, cho đến tận ngày nhận tro cốt của anh trai về, chị mới dám gọi báo cho Hoá biết tin, nghe tiếng khóc của cháu ở đầu dây bên kia mà chị đau xé lòng, hôm ấy Hoá cũng kể cho chị nghe, trước khi mất, ba Hoá đã gọi điện cho con trai lần cuối, và đó cũng là lần cuối cùng Hoá nghe giọng của ba.
“Trời ơi, sáng ngày 10 cha gọi điện cho con mà con đâu biết đó là ngày cuối cùng con nghe điện thoại của cha con đâu”.
Trụ cột duy nhất của gia đình không còn nữa, giờ đây, gánh nặng mưu sinh đè ập lên đôi vai bé nhỏ của người mẹ kế và cô ruột Hoá. Dịch bệnh kéo đến khiến công việc của chị Nguyên bấp bênh, gần tới ngày các con tựu trường, chị phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền xoay sở. Chẳng khấm khá gì hơn, chị Sa hiện cũng rơi vào tình trạng không có công ăn việc làm.
Thế nhưng, dẫu khó khăn đến thế nào, gia đình vẫn cố hết sức để các con được đến trường, đó không chỉ vì tương lai của các con mà đó còn là ước nguyện cuối cùng của ba Hoá.
Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 19.000 người, hàng nghìn trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân…Hơn lúc nào hết, các em rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc các em trong thời gian dài.
Để hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có trẻ em mồ côi, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng xã hội đã cùng vào cuộc, chung tay hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực, giải pháp khác nhau.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng, được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng với trẻ dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, khi sống tại nơi nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ tiền ăn; chi phí điều trị trong trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế; chi phí đưa về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
Đầu tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4-31/12/2021, kinh phí trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Trong trường hợp trẻ có sang chấn kéo dài hoặc khủng hoảng thông qua các biểu hiệu hành vi cảm xúc tiêu cực như thu mình, lo lắng, trầm cảm, kích động, căng thẳng, có ý nghĩ tự sát, chống đối… thì người thân cần liên hệ ngay bác sỹ tâm lý lâm sàng, hoặc tham vấn tâm lý để hỗ trợ các em.
Khi cần hỗ trợ tư vấn, ngoài Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, người chăm sóc trẻ có thể kết nối với các nhóm thiện nguyện ở đường dây nóng 1900636700, do các chuyên gia đầu ngành làm dịch vụ hỗ trợ trẻ em phụ trách. Dịch vụ được hoạt động từ 8 đến 22 giờ mỗi ngày.