Nhiều đứa trẻ nghĩ sự chia tay của bố mẹ là giải pháp phù hợp nhất để mọi người có cuộc sống tốt hơn. (Ảnh minh họa: Dcomply)
Nhiều lần bố mẹ đóng cửa cãi nhau, tưởng qua mặt được con, nhưng cô bé vẫn nghe được, cũng biết cả những lần mẹ cùng bạn bè săn lùng “tiểu tam” để đánh ghen.
Cô bé từng thử nói chuyện thẳng thắn với từng người, nhưng bố chối bay chối biến, bảo “trẻ con biết gì” và từ chối trao đổi thêm. Còn người mẹ khi con gái hỏi sao không ly dị bố đã nói rằng sẽ vì các con mà cố gắng chịu đựng, chỉ mong sau này con lớn đừng quên tấm lòng của mẹ… Chị không hề biết thông điệp ấy đã đè nặng lên tâm hồn con gái và gây đau khổ đến mức nào.
Và khi clip mẹ đánh ghen lan truyền trên mạng, cô nữ sinh cảm thấy sụp đổ. Gục đầu trong lòng dì ruột, cô bé van xin dì thuyết phục bố mẹ ly hôn để chấm dứt sự dày vò: “ Tại sao họ không bỏ nhau hả dì? Con không muốn vì con mà mẹ chịu khổ cả đời. Nếu mẹ và bố ly hôn, cả họ và chị em con đều đỡ khổ”.
Người viết bài này cũng từng nghĩ, cha mẹ tốt thì nhất định phải giữ được hôn nhân chừng nào con cái chưa trưởng thành, cho đến khi tình cờ nghe lỏm cuộc trò chuyện của con mình và nhóm bạn về chủ đề ly hôn. Hóa ra, trẻ em ngày nay có cái nhìn rất thoáng với chuyện này. Với chúng, ly hôn không phải là ngày tận thế của hạnh phúc gia đình.
“Có sao đâu, miễn họ vẫn yêu thương tao và bản thân họ hạnh phúc”, cô bé học cùng lớp 8 với con gái tôi nhún vai nói sau khi thông báo bố mẹ sắp chia tay, nét mặt buồn buồn nhưng không có vẻ suy sụp hay khổ sở. Cậu bạn thân thì gật gù: “Ừ, tao nghĩ mày sẽ ổn thôi, anh họ tao cũng thế, lúc đầu buồn nhưng sau lại nói, từ lúc bố mẹ ly hôn tự nhiên ai cũng đỡ stress”.
Một trường hợp trẻ em tha thiết mong bố mẹ ly hôn khác mà tôi biết là hàng xóm cũ của tôi, ở sát vách trong khu chung cư kiểu cũ. Tôi nhiều lần nghe cậu bé học lớp 10 vừa khóc vừa gào lên: “Mẹ bỏ bố đi, mẹ tha cho bố đi, mẹ viết đơn ly hôn đi!”.
Người đàn ông của gia đình ấy nhiều năm về trước bị bắt quả tang ngoại tình và được vợ tha thứ. Nhưng với người vợ, tha thứ chỉ có ý nghĩa là không đòi ly hôn, và bao nhiêu năm qua chị chưa từng quên tội lỗi của chồng, thường xuyên nhắc nhở, đay nghiến và dùng nó để thao túng, “cai trị” anh.
Không khí độc hại bao trùm gia đình trong phần lớn thời gian. Người vợ luôn mắng nhiếc, dằn hắt chồng, cư xử như một nữ bạo chúa trong khi không ngừng than thân trách phận.
Lũ trẻ sợ mẹ và thương xót bố, nhưng chỉ cần tỏ ý bênh vực một chút thì phản ứng của người mẹ càng đáng sợ hơn. Chị vừa mắng vừa khóc như thể con cái đồng lõa với người chồng tội lỗi để cô lập và làm khổ chị.
Mấy đứa con cam chịu, nhưng khi lớn hơn thì cậu con trai lớn bắt đầu phản ứng mạnh và nhiều lần gào lên một cách mất kiểm soát như đã kể. Có khi, cậu bé tâm sự với tôi, điều cậu khao khát, mong đợi nhất là mẹ ly dị bố, vì bố không bao giờ dám làm như vậy.
Tiếc là người làm cha mẹ hiếm khi nghiêm túc lắng nghe để thực sự hiểu ý nghĩ, mong muốn của con cái trong những vấn đề liên quan đến cuộc hôn nhân của mình. Họ cứ mặc định rằng bọn trẻ không thể chấp nhận cảnh bố mẹ chia lìa, không biết rằng với chúng, bố mẹ bất hạnh, căm ghét nhau còn đáng sợ hơn nhiều.
Có lẽ trẻ em thời nay nhìn nhận cuộc sống một cách minh triết hơn, đơn giản nhưng đi vào thực chất: Cái chúng hướng đến là cảm giác an vui, hạnh phúc chứ không phải là một “tổ ấm” chỉ tồn tại trên danh nghĩa.