Hôm nay 8/1, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng cùng 21 đồng phạm tại Tập đoàn dầu khí VN và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN, trong vụ án "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" gây thiệt hại nhà nước gần 120 tỷ đồng.
Đây sẽ là một phiên tòa lịch sử được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm bởi lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, một người từng giữ chức vụ lãnh đạo cao như ông Đinh La Thăng phải ra trước tòa.
Ông Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn - Ảnh: TTXVN
Trước toà, ông Đinh La Thăng bình tĩnh trả lời tên, tuổi, quê quán, chức vụ và thành phần trong gia đình mình. Ông Thăng đồng ý để 3 luật sư đã được đăng ký để bào chữa cho mình tại phiên toà.
Trước đó, sau khi điểm danh lần cuối, toà hỏi: "Các bị cáo có thay đổi luật sư hay không? Có đồng ý để các luật sư có tên trong danh sách bào chữa cho mình không?".
Chủ tọa phiên toà cho biết, vì đây là phiên toà xét xử tội Tham ở tài sản, mức án cao nhất là tử hình nên để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo toà đề nghị các bị cáo có thể thay đổi luật sư bào chữa cho mình trước khi phiên toà chính thức xét xử.
Theo đó, các bị cáo đều nhất trí các luật sư có tên trước đó bào chữa cho mình.
Ngày 26/12/2017, ông Trịnh Xuân Thanh có làm đơn đề nghị thay đổi số luật sư bào chữa cho mình. Tuy nhiên, đến phiên toà sáng nay, ông Thanh xin rút lại đơn và vẫn giữ nguyên các luật sư bào chữa cho mình.
Luật sư Nguyễn Chiến, người bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh đề nghị cho rằng đây án lớn, phức tạp, có nhiều lời khai đối lập liên quan đến quyền lợi các bị cáo cũng như lời khai của người làm chứng, có ảnh hưởng đến bị cáo.
Do vậy, ông Chiến đề nghị tòa khi xét hỏi cũng cách ly các nhân chứng vì quyền lợi của họ xung đột với nhau.
"Vụ án có quá trình điều tra truy xét rất nhanh, còn một số tài liệu, chứng cứ liên quan đến bị cáo và thân chủ luật sư chưa sao chụp, nghiên cứu, đề nghị cho phép luật sư và bị cáo được quyền tiếp xúc trong thời gian HĐXX làm việc", luật sư Nguyễn Chiến nói.
Trong khi đó, Luật sư Đinh Anh Tuấn - luật sư bào chữa cho bị cáo Phùng Định Thực đề nghị tòa hướng dẫn cách giao nộp chứng cứ ngay tại phiên tòa và đề nghị triệu tập thêm nhân chứng.
"Theo khoản 1, điều 279, Bộ Luật Hình sự 2015 thì tôi phải cung cấp những tài liệu chứng cứ mới thu thập được cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án. Tuy nhiên, đây là vụ án có tiến độ xét xử quá nhanh, nên tôi đã thu thập được nhưng chưa kịp giao nộp cho chủ tọa phiên tòa.
Vì vậy tại phiên tòa hôm nay, chúng tôi đề nghị HĐXX hướng dẫn cho chúng tôi cách giao nộp chứng cứ ngay tại phiên tòa vì Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 chưa có quy định về việc giao nộp chứng cứ ngay tại phiên tòa.
Thứ hai, tôi đề nghị HĐXX cho gặp thêm 1 người làm chứng đến tham dự phiên tòa để giúp chúng tôi làm rõ những chứng cứ vừa thu thập được có giá trị gỡ tội cho bị cáo Phùng Đình Thực. Đó là ông Hồ Công Kỳ - nguyên Chánh văn phòng PVN".
Bị cáo Đinh La Thăng.
Bị cáo Phùng Đình Thực.
Chủ tọa phiên toà và thẩm phán đi vào.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã ngồi trước toà.
Bố ông Trịnh Xuân Thanh (người mặc áo khoác sáng màu) cũng có mặt tại phiên toà.
Ông Đinh La Thăng tại phòng Tố tụng Tòa án Hà Nội trước giờ xét xử sáng nay. (Ảnh:VNE)
Ông Trịnh Xuân Thanh tại tòa án Hà Nội. (Ảnh:VNE)
Khoảng 6h30 đoàn xe chở bị can đã đến Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.
Công an kiểm tra kỹ lưỡng những người vào phiên toà.
An ninh nghiêm ngặt khu vực diễn ra phiên toà.
Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia, trong đó có dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, vì những động cơ khác nhau mà các bị cáo đã “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho nhà nước, thậm chí một số bị cáo còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống, rút tiền của dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 21/1, Hội đồng xét xử (HĐXX) có 5 người, gồm thẩm phán - Chủ tọa Nguyễn Ngọc Huân; thẩm phán Trương Việt Toàn cùng 3 hội thẩm nhân dân.
42 luật sư đăng ký tham gia phiên tòa, trong đó bị cáo Đinh La Thăng mời 3 luật sư, gồm các ông Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng, Phan Trung Hoài. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh có 5 luật sư; bị cáo Phùng Đình Thực có 3 luật sư; bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mời 1 luật sư...
Các nguyên đơn dân sự của vụ án này là PVN và PVC; dự kiến sẽ có 7 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 31 người làm chứng và 6 người tham gia giám định được mời tham dự phiên tòa.
Một số hình ảnh đầu tiên trong phiên xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm:
Rất đông người dân Hà Nội đã có mặt tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội từ rất sớm để theo dõi phiên tòa.
Lực lượng công an được tăng cường để thắt chặt và đảm bảo an ninh trong khu vực.Thời điểm này, nhân chứng, người nhà bị cáo và phóng viên báo đài tất cả vẫn đang ở phía bên ngoài, chưa ai được vào bên trong.
Bên trong hội trường phiên tòa xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Lực lượng An ninh kiểm tra rất kỹ những người được vào bên trong toà.