Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai mới cập nhật số liệu thiệt hại về mưa lũ tính đến tối 24/6.
Theo đó, tỉnh Lai Châu đã có 3 người chết, 5 người bị thương và 8 người mất tích. Trong số này, 3 người chết do bị lũ cuốn trôi trên đường về và đi cứu vịt.
Mưa lớn trên diện rộng từ ngày 23/6 gây lũ quét, sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: Phúc Trương
Đất đá sạt lở gây thiệt hại nặng tại các huyện ở Lai Châu. 191 ha lúa, 0,4 ha mạ gieo và 98 ha hoa màu tại các tỉnh nói trên cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, mưa lũ đã khiến 50 mét kè cùng 39 căn nhà bị hư hại.
Những con cá tầm lớn cũng không thể chống đỡ trước mưa lũ. Trong số các nạn nhân tử vong có một cặp vợ chồng là chủ trang trại nuôi cá tầm.
Bị mưa lũ "đánh úp", người dân phải bán rẻ cá tầm với giá dao động từ 40.000 – 60.000đồng/kg.
Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, đến thời điểm hiện tại công tác tổ chức thi đã hoàn tất, đề thi cũng đã tập kết đầy đủ tại các địa điểm thi.
Mưa lũ lớn khiến nhiều tuyến giao thông ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị chia cắt.
"Tuy nhiên, có 15 thí sinh tại huyện Tân Uyên nhiều khả năng sẽ không được dự thi vì nằm trong vùng lũ. Để ra được điểm thi những người này phải đi qua hai con ngầm rất nguy hiểm”, ông Hải thông tin.
Lũ lớn khiến một cây cầu ở xã Phúc Than, huyện Than Uyên bị sập và hơn 40 ha lúa, hoa màu của người dân chìm trong biển nước. Ảnh: Phúc Trương
Ông Hải cho biết, nếu như nước rút sẽ huy động lực lượng dân quân của huyện để đưa các em bị mắc trong vùng lũ tới điểm thi. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh vẫn được đặt lên hàng đầu.
Mưa lớn xảy ra lũ quét tại bản Nà Phạ, suối Nặm Khim, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Hoàng Hà
Tại Hà Giang, mưa lớn đã làm sập nhà tại xã Lùng Tám (Quản Bạ) khiến 2 người chết, đó là bà Giàng Thị Mỷ (41 tuổi) và cháu Lò Thị Lầu (5 tuổi, con gái bà Mỷ). Ngoài ra, huyện Quản Bạ có 9 hộ nhà bị đổ tường, sạt lở; 15 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; 4 nhà có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở tả luy; 63 hộ bị ngập úng nền, chân tường; khoảng 20 hộ có nguy cơ bị cô lập…
Mưa lớn khiến TP Hà Giang chìm trong biển nước. Ảnh: Trung Kiên
Ngoài ra, có nhiều tuyến đường bị chia cắt, cô lập do lũ lên nhanh và thiệt hại về hoa màu khác ước tính thiệt hại hơn 56 tỷ đồng.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết các tỉnh vùng Tây Bắc mưa phổ biến 40-60 mm, một số nơi có mưa rất to như Sìn Hồ (Lai Châu) 132 mm, Hà Giang 111 mm, Ngân Sơn (Bắc Cạn) 208 mm, Bắc Quang (Hà Giang) 325 mm. Ảnh: Đăng Hiển
Chiều 24/6, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang có cuộc họp khẩn với lãnh đạo UBND tỉnh, ban phòng chống lụt bão và lực lượng công an, quân đội để bàn bạc, lên phương án khắc phục sự cố sau lũ và kế hoạch hỗ trợ đưa đón thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Thi thể một người thiệt mạng do nhà sập vừa được tìm thấy.
Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ĐT tạo tỉnh Hà Giang cho biết, mưa lớn kéo dài liên tục hơn 10 tiếng làm nhiều tuyến đường bị sạt lở, nước các sông suối dâng cao, ảnh hưởng việc di chuyển của người dân nói chung và của thí sinh, phụ huynh nói riêng.
Thành phố Hà Giang chìm trong mưa lũ trước ngày thi THPT quốc gia 2018.
“Công tác vận chuyển đề thi đã được đưa đến từng điểm thi trong ngày hôm qua. Toàn bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng phối hợp tổ chức thi và giáo viên phổ thông đã đến điểm thi an toàn”, ông Sử thông tin.
Nhà của người dân bị nước bao vây.
Theo giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, ngày 25/6, ở các khu vực ngập sâu, tập trung nhiều thí sinh, tỉnh sẽ huy động xe chuyên dụng của lực lượng công an, quân đội đưa đón thí sinh đến điểm thi. Các khu vực ít ảnh hưởng hơn sẽ giao cho địa phương phối hợp lực lượng chức năng khác chủ động phương tiện, hỗ trợ người nhà đưa đón các em.
Đường lên huyện Quản Bạ bị những tảng đá nặng hàng tấn chắn ngang.
“Tỉnh đã giao cho địa phương chủ động liên hệ với từng gia đình thí sinh trên địa bàn để kịp thời có phương án hỗ trợ, giúp đỡ các em dự thi THPT quốc gia 2018”, ông Sử nói.
Một ngôi nhà gỗ bị đổ sập trước mưa lũ.
Tại Lào Cai, theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lớn diện rộng từ 17h ngày 23/6 đến 15h ngày 24/6 đã khiến 19 nhà ở tại Lào Cai và 63 ha lúa bị ngập nước. Mưa to kéo dài gây ngập úng ở huyện Văn Bàn, thiệt hại hàng chục hecta hoa màu của người dân.
Nhiều diên tích lúa, hoa màu ở Lào Cai bị ngập.
Trên Quốc lộ 279 xuất hiện 1 điểm sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 2.000m3 tại khu vực xã Nậm Xé gây ách tắc giao thông tuyến đường nối từ huyện Văn Bàn đến huyện Than Uyên (Lai Châu).
Lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ. Ảnh: Nguyễn Hiền
Ở tỉnh Điện Biên, mưa lớn khiến các vị trí sung yếu dễ xảy ra sạt lở nghiêm trọng, nhiều nhà cửa, hoa màu bị lũ cuốn trôi. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết trong những ngày vừa qua, hiện tỉnh Điện Biên đã chủ động tập trung máy móc, nhân lực tại các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn, nhằm đảm bảo thông tuyến, khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Sạt lở đất khiến nhiều tuyến giao thông bị chia cắt.
Theo dự báo, mưa lớn vẫn xảy ra, diễn biến còn rất phức tạp, các lực lượng chức năng đang tích cực cùng bà con khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đồng thời, chỉ đạo các ngành thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai.
Các chiến sĩ bộ đội cùng người dân chống lũ.
Kiên quyết di rời các hộ có nguy cơ cao đến nơi an toàn và hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu để ổn định tạm thời. Hướng dẫn nhân dân chủ động khắc phục hậu quả để ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.
Theo giadinh.net.vn