Những kĩ năng con bạn cần phải biết để sống sót khi xảy ra các tình huống cháy nổ ở nhà

Khi cháy xảy ra, không gì cấp thiết bằng việc tự giải cứu bản thân. Là những người làm cha, làm mẹ bạn đã trang bị kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn cho trẻ?

Theo thống kê, năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 4.114 vụ cháy, nổ. Những thiệt hại sau hỏa hoạn không chỉ gây lãng phí tài sản mà còn mang đến rất nhiều đau thương cho những gia đình không may bị “bà hỏa” tấn công. Trang bị kiến thức và kĩ năng xử lý hỏa hoạn cho bản thân và đặc biệt cho trẻ nhỏ là việc vô cùng quan trọng.

Video: Dạy trẻ cách thoát hiểm khi gặp phải hỏa hoạn

Dưới đây là những kỹ năng cần thiết và rất bổ ích được ThS Lê Minh Huân chia sẻ:

Khi ngửi thấy mùi khét, đám khói hoặc trông thấy lửa cháy thì phải làm gì?

Các bé phải bình tĩnh, xác định xem đám cháy ở chỗ nào. Nếu điện thoại ở gần mình thì bấm ngay số 114 để gọi lính cứu hỏa đến. Sau đó thông báo cho những người xung quanh biết bằng cách la thật to rằng: “Có cháy! Có cháy!”.

Nếu sống trong chung cư thì cũng cần la to rằng đám cháy đó xảy ra ở lầu mấy, phòng số mấy để mọi người xung quanh biết và tìm cách giải thoát.

Nếu bị kẹt trong đám cháy thì phải làm như thế nào?

Nếu có người lớn bên cạnh, các bé phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của người lớn. Đồng thời lúc đó cũng phải thật bình tĩnh, không hoảng loạn, la hét, không chen lấn vì có thể giẫm lên nhau. Phải đi theo thứ tự, theo hàng để hỗ trợ nhau thoát khỏi đám cháy chứ không tạo thêm sự hỗn loạn.

Lúc không có người lớn thì cũng phải bình tĩnh để xác định lối thoát ở hướng nào và men theo bờ tường để đi ra cửa thoát hiểm.

Thoát hiểm khỏi đám cháy bằng cách nào?

Phải nhanh chóng xác định hướng cửa chính, cửa phụ để có thể tìm cách thoát ra ngoài. Khi đám cháy quá lớn, các bé phải cố gắng xác định hướng cửa an toàn và thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt, tuyệt đối không chần chừ mang theo đồ đạc hoặc nán lại gọi điện cho cứu hỏa.

Nếu sống trong tòa nhà cao tầng hoặc khu chung cư, có thang máy thì không nên thoát hiểm bằng thang máy vì khi đó thang máy có thể ngưng hoạt động giữa chừng do ngắt điện. Hãy cố gắng chạy lên tầng thượng, dùng khăn, áo hay bất cứ thứ gì có sẵn ở đó và đưa tay lên cao, vẫy vẫy để ra hiệu mình đang gặp nguy và hét to để tìm sự giúp đỡ của mọi người bên dưới.

Không những lửa mà khói và hơi độc cũng có thể dẫn đến tử vong. Để tránh bị ngộp vì khói thì các bé hãy cố gắng di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước. Khoác thêm một chiếc áo hay chăn có nhúng tí nước để bảo vệ bản thân không bị bỏng khi cố thoát khỏi đám cháy.

Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa hãy dạy bé phải dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn.

Trường hợp bị kẹt trong phòng kín thì phải làm như thế nào?

Lúc đó hãy nhanh trí lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa, khe hở để hơi nóng và khói hạn chế lan vào phòng rồi chui xuống gầm giường vì gầm giường là nơi đầu tiên những người lính cứu hỏa để mắt đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại; hoặc các bé có thể nằm sát xuống sàn nhà để tránh bị hít phải khói.

Nếu phòng có cửa sổ hoặc có ban công (ở tầng thấp như tầng 1, tầng 2) thì có thể lục tìm trong phòng xem có sợi dây thừng nào không. Nếu có dây thừng thì dùng dây cột vào thành ban công và đu dây xuống.

Nếu không có dây thừng, hãy tận dụng mền, khăn có trong nhà và cột chúng lại làm thành sợi dây có thể giúp mình thoát hiểm được.

Nếu có cháy khi đang tắm thì phải xử lý như thế nào?

Lúc đang tắm, nếu lửa lan nhanh vào thì có thể phà khói vào các vật dụng, làm nước nóng dần lên, các ổ điện gần đó cũng có thể khiến cho tình hình trở nên cấp bách hơn. Lúc đó không kịp để mang áo quần, nhớ vơ đại cái khăn để bảo vệ thân thể mình tránh bị phỏng rồi hướng về phía cửa để thoát ra ngoài trước tiên.

Nếu lửa lớn thì tay vặn ở cánh cửa sẽ nóng, lúc đó phải làm như thế nào để mở cửa ra và chạy thoát?

Không nên sờ trực tiếp lòng bàn tay và nắm chặt vào cánh cửa. Để xác định độ nóng của đám cháy, có thể dùng mu bàn tay sờ nhẹ vào chốt cánh cửa, cảm nhận xem có nóng quá hay không. Nếu chốt vặn cửa quá nóng thì đám cháy rất lớn, đã lan nhanh vào nơi mình đang đứng, lúc đó nhớ lấy khăn hoặc dùng những vật khác để mở cửa ra. Nếu chốt vặn không nóng thì cứ thoải mái bật chốt cửa và chạy nhanh ra ngoài.

Những cách bé có thể làm hàng ngày để tránh tình trạng cháy, nổ xảy ra?

Không nghịch ngợm với những đồ dùng dễ gây cháy như hộp quẹt, que diêm...

Nhớ kiểm tra bếp gas xem đã tắt chưa khi đi ra ngoài. Kiểm tra các ổ điện, công tắc trong nhà, nhắc nhở ba mẹ khi thấy không an toàn trước khi đi ra ngoài.

Nhiều bạn nhỏ vì bản tính tò mò nên khi thấy cháy thì chạy đến xem, điều này khá nguy hiểm vì các bạn không lường trước được nguy hiểm...

Khi phát hiện đám cháy, cần la như thế nào để thông báo cho mọi người xung quanh?

Cần la rõ: “Có cháy! Có cháy! Con bị kẹt trong đám cháy” để thông tin cho mọi người xung quanh được rõ. Không nên vì sợ hãi mà la rằng: “Sợ quá! Sợ quá!” vì như vậy thì mọi người sẽ không rõ có chuyện gì đang xảy ra.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU