Một bệnh nhi ở Hà Giang vừa khiến các bác sỹ bệnh viện Đa khoa Hùng Vương ( Phú Thọ) và bố mẹ một phen đứng tim vì những hiện tượng sốc phản vệ sau tiêm cefotaxim 2g (Biotax 2g) qua đường tĩnh mạch. Trước đó, cháu bé được đưa đến đây để điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm.
Thời điểm bị sốc phản vệ cháu bé nổi vân tím toàn thân, da tím tái, mạch nhanh, nồng độ oxy trong máu 96%, các bác sĩ tiếp tục chỉ định tiêm adrenalin đợt 2. Tuy nhiên, trẻ vẫn diễn biến xấu, mạch nhanh hơn nữa, tím tái toàn thân. Các bác sĩ tiếp tục tiêm adrenalin đợt 3, bóp bóng oxy và chuyển khoa hồi sức cấp cứu đặt nội khí quản thở máy, dùng adrenalin truyền liên tục. Sau 3 giờ cấp cứu tích cực bệnh nhi được bỏ thở máy, chuyển thở oxy kính. Sau 12 giờ, bé không phải thở oxy, tình trạng sức khỏe ổn định.
Bệnh nhi ở Hà Giang đã qua cơn nguy kịch sau khi được cấp cứu kịp thời do sốc phản vệ |
Theo bác sĩ Lương Minh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực thì hiện tượng sốc phản vệ của trẻ đòi hỏi sự bình tĩnh của cả các bác sỹ và người nhà. Bởi nếu mất bình tĩnh, có sai sót nào là không thể cứu vãn nổi. Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng đặc biệt nghiêm trọng có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng trẻ. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bé nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà bé tiếp xúc, được tiêm vào người.
Như vậy sốc phản vệ có thể xảy ra khi bé đang điều trị bệnh nhưng cũng có khi là bé đang ăn tại nhà với những món ăn vốn quen thuộc với các thành viên trong gia đình nhưng lại gây dị ứng cho bé. Nếu con bị sốc phản vệ, cha mẹ càng hành động nhanh bao nhiêu, con càng khỏi nhanh, giảm thiểu những ảnh hưởng tới sức khỏe của con. Hãy đưa con tới ngay bệnh viện nếu thấy con khó thở, dễ bị kích thích hoặc hôn mê sâu. Cố gắng giữ bình tĩnh cho bé bằng cách nói chuyện với bé liên tục.
Bé có thể bị sốc phản vệ ngay cả khi ăn uống |
Các bác sĩ khuyến cáo, nguy cơ phản vệ có thể xảy ra ở mọi nơi, không báo trước và cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy người dân không nên tự ý sử dụng các kỹ thuật tiêm truyền tại nhà. Đến bệnh viện thăm khám và điều trị là lựa chọn an toàn và duy nhất. Nếu sốc phản vệ được điều trị kịp thời, hầu hết trẻ em phục hồi hoàn toàn và không có biến chứng lâu dài...
Theo sohuutritue.net.vn