Nguy cơ đột tử, đột quỵ ngày Tết
Đột tử là biến cố tim ngừng đập đột ngột. Hầu hết người đột tử đều tử vong nhanh chóng, trừ khi được cấp cứu và đưa vào bệnh viện kịp thời. Đột tử tim xảy ra do nguyên nhân bệnh mạch vành, hoặc do bệnh tim loạn nhịp.
Ngoài đột tử tim thì trong dịp Tết, đột quỵ cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người. Đột quỵ não có 2 hình thức phổ biến, gồm nhồi máu não và xuất huyết não. Đột quỵ não thường có biểu hiện là đột ngột liệt 1/2 người, méo miệng, nói đớ, có thể kèm hôn mê.
Trong đột quỵ não, tim vẫn có thể hoạt động bình thường. Do đó, người bệnh không tử vong ngay mà có thể kéo dài 1 vài giờ hoặc một vài ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ bệnh.
Bác sĩ Nam cho biết nguy cơ đột quỵ đến từ các bệnh lý liên quan đến tuổi tác như cao huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, rối loạn chuyển hóa lipid... Qua một thời gian mắc bệnh, nếu không được kiểm soát tốt, người bệnh có nguy cơ bị đột quỵ rất cao.
Theo bác sĩ Nam, người có mạch máu não ổn định, trái tim khỏe mạnh sẽ rất hiếm khi xảy ra sự cố như đột quỵ, đột tử. Đột quỵ hay đột tử hầu như chỉ xảy ra trên hệ thống mạch máu bị xơ vữa, do các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá... hoặc trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, dị dạng mạch máu nhưng không được phát hiện sớm.
Ngoài ra, nhóm có nguy cơ đột quỵ, đột tử tim cũng có thể bao gồm những người có bệnh tim mạch, trong gia đình có người từng đột tử, qua đời đột ngột khi còn trẻ mà không chẩn đoán được nguyên nhân; có người thân trong gia đình mắc các bệnh tim mạch di truyền như loạn nhịp tim, bệnh cơ tim phì đại.
Theo BS Nam, các nhóm đối tượng có nguy cơ đột quỵ, đột tử cần lưu ý tránh một số thói quen xấu trong dịp Tết:
- Người có bệnh nền, bệnh mãn tính quên uống thuốc hoặc uống thuốc không đúng giờ.
- Người phải ăn theo chế độ đặc biệt nhưng lại ăn quá nhiều món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam như bánh chưng, bánh tét, dưa muối, thịt ngâm muối, thịt đông...
- Người cần hạn chế rượu bia, thuốc lá nhưng lại uống nhiều, hút nhiều hơn so với thường ngày.
Ngoài ra, vào kỳ nghỉ Tết, giờ giấc ăn uống thường bị thay đổi và việc tập luyện thể dục, thể thao dễ bị bỏ qua. Điều này cũng đã góp phần tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Ảnh minh họa một mâm cơm ngày Tết.
Phòng bệnh như thế nào?
Để phòng đột tử trong ngày Tết, PGS Nam cho biết người bệnh cần tiếp tục tuân thủ việc điều trị bằng thuốc. Trước Tết, người bệnh nên kiểm tra lại lượng thuốc và bổ sung 1 lượng thuốc đủ để sử dụng trong 1 – 2 tuần. Trong Tết, nhớ mang theo thuốc bên mình mỗi ngày, uống thuốc đều đặn, đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, người bệnh cần:
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, tuân thủ chế độ ăn đã được bác sĩ tư vấn, không nên sử dụng quá nhiều thực phẩm không tốt cho bệnh lý của mình.
- Giữ thói quen tập luyện thể dục, thể thao trong dịp Tết, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Hạn chế hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá.
- Hạn chế rượu bia: Nếu phải giao lưu đầu xuân mọi người chỉ nên uống 1 lượng rượu bia vừa đủ.
- Người bị bệnh tim mạch vành, những người bị cao huyết áp thì nên hạn chế tắm đêm, nhất là tắm với nước lạnh. Tắm bằng nước lạnh có thể gây co thắt mạch đột ngột gây nên những cơn đột quỵ não hay cơn co thắt tim mạch vành.
- Không được tự ý dùng thuốc linh tinh.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/nhung-thoi-quen-xau-dip-tet-co-the-lam-tang-nguy-co-dot-tu-o-nguoi-co-benh-nen-161220602133154097.htm
Theo ttvn.vn