Nỗ lực chuyển đổi số trong trường học

(lamchame.vn) - Ngành Giáo dục các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện chuyển đổi số hiệu quả...

Ứng dụng CNTT giúp bài học trở nên sinh động.

Định hướng chuyển đổi số

Tại TP Cần Thơ, ngành Giáo dục đã triển khai, hướng dẫn các đơn vị một số hình thức tổ chức dạy học qua ứng dụng CNTT. Các trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch trang bị phòng học đa phương tiện (phòng học được trang bị tivi thông minh, kết nối mạng Internet thông suốt…) để tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá bảo đảm chất lượng giáo dục.

Theo ông Trần Thanh Bình, nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động dạy học, các trường phổ thông ở Cần Thơ đã thực hiện đúng kế hoạch năm học; sĩ số học sinh được duy trì, củng cố kiến thức thường xuyên… Mục tiêu đến năm 2025, ngành Giáo dục sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, người học.

Theo đó, 50% học sinh và nhà giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến; định hướng học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, đạt trên 50%; khai thác kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông…

“Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, có 50% học sinh, học viên và mỗi giáo viên có đủ điều kiện (phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến; 50% trường THPT, THCS triển khai các khóa đào tạo kiến thức số, kỹ năng số với 30% học sinh phổ thông tham gia. Hình thành kho học liệu dạy học trực tuyến cấp tỉnh đáp ứng nhu cầu học tập cho 60% nội dung chương trình giáo dục phổ thông”, bà Hà thông tin thêm.

Còn theo bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, ngành Giáo dục đặt mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi giáo viên, người học.

Tại An Giang, ngành Giáo dục cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, thiết thực và hiệu quả dựa trên nền tảng hệ thống các phần mềm hỗ trợ quản lý, điều hành; phần mềm quản lý nhà trường đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và các hạ tầng thông tin dùng chung khác để tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kết hợp học trên lớp và học trực tuyến, kiểm tra và đánh giá kết quả dạy và học với các nền tảng giáo dục mới.

Một trong những giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT được ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang chia sẻ là phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, số hóa tài liệu, giáo trình giảng dạy của đội ngũ giáo viên.

Sở cũng chỉ đạo phòng GD&ĐT và các trường THCS trực thuộc chủ động đề xuất nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số của ngành, đơn vị theo từng năm học; chủ động đề xuất, triển khai các chương trình cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị; bảo đảm bố trí tối thiểu 2% nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số tại mỗi đơn vị.

“Các đơn vị chủ động lựa chọn giải pháp triển khai, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn, phát huy tính chủ động, sáng tạo; phối hợp chặt chẽ với bộ phận tham mưu của sở để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện kế hoạch”, ông Trần Tuấn Khanh lưu ý.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU