Nỗi ám ảnh của vị bác sĩ 20 năm tiếp xúc với bệnh nhân HIV và câu hỏi "đắng lòng" của con

Hơn 20 năm khoác áo blouse trắng, tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm HIV nhưng điều anh luôn ám ảnh lo lắng không phải bị phơi nhiễm, hay bị bệnh nhân đánh.

Nỗi sợ ám ảnh người bác sĩ

Hơn 20 năm, gắn bó với công việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV, điều làm bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện 09) sợ nhất không phải bị bệnh nhân đánh, hay có thể bị phơi nhiễm nhiều bệnh tật… Điều anh sợ nhất khi khoát chiếc áo blouse trắng đó chính là đánh mất chính bản thân.

Bài học đầu tiên khi anh bước chân vào ngành y chính là câu nói: "Lương y như từ mẫu" và anh luôn dặn lòng mình phải ghi nhớ. Nghề y là một nghề đặc thù khi bác sĩ đánh mất chính mình đồng nghĩa với việc sẽ mang theo số phận, tính mạng của con người ra nghĩa địa.

"Ai cũng cần một nghề để kiếm sống để lo đủ cho bản thân và gia đình. Cụ Hải Thượng Lãn Ông ngoài 9 điều y huấn cách ngôn, thì còn một câu nói khá nổi tiếng: "Làm thầy phải lấy vốn để làm thầy, xin người chớ để thầy lỗ vốn"", bác sĩ Hưng chia sẻ.

Bác sĩ Hưng đang khám bệnh cho bệnh nhân HIV.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, ngành y bị thương mại hoá, người thầy thuốc có thể dễ bị đánh mất mình. Những câu chuyện của ngành y xảy ra trong thời gian vừa qua khiến nhiều bác sĩ trăn trở, thậm chí có bác sĩ chán chường bỏ nghề.

"Họ mong muốn cuộc sống gia đình họ tốt đẹp hơn và được bảo vệ bởi những hành lang pháp lý, chế tài rõ ràng của luật của nhà nước.

Nhưng rất nhiều vụ việc diễn ra tôi cảm thấy tiếng nói của ngành dường như không có trọng lượng. Một ngày mai nếu bệnh nhân đánh tôi, nhưng không ai đứng ra bệnh vực, tôi sẵn sàng nghỉ việc.

Chưa kể hiện nay, một số người dân có những suy nghĩ rất sai về ngành y, thiếu tôn trọng bác sĩ", bác sĩ Hưng nói.

Ngành y là một ngành nghề đặc biệt luôn tồn tại rủi ro nhiều hơn so với ngành khác cho nên vấn đề đạo đức, con người luôn được để cao.

Nỗi buồn ngành y thương mại hóa

Làm kinh tế ngành y là một xu hướng tất yếu, tuy nhiên trong điều kiện xã hội còn nhiều khó khăn, người nghèo còn rất nhiều, chế độ đãi cho cán bộ công nhân viên chức còn thấp, hành lang bảo vệ pháp lý cho người làm ngành y chưa đủ an toàn.

Nếu thương mại hóa ngành y một cách gấp rút thì hệ lụy để lại cho tương lai là không thể lường trước được.

"Bất cứ ai trong cuộc sống cũng cần phải có một nghề để kiếm sống, bác sĩ cũng là nghề. Tuy nhiên, nếu bác sĩ chọn cách kiếm tiền khẩn cấp, gấp rút để lo cho bằng bạn, bằng bè, lo cho con cái đi học nước ngoài… sẽ là mối nguy cho tính mạng bệnh nhân.

Câu chuyện phòng khám Đa khoa Trung Quốc tìm mọi cách để moi tiền của bệnh nhân là một lời cảnh báo về vấn đề thương mại hóa ngành y. Các phòng khám và một số bệnh viện hiện đã cổ phần hóa cũng tiềm ẩn nguy xảy ra vấn đề tương tự", bác sĩ Hưng lo ngại.

Con không muốn theo nghề của bố mẹ

Hơn 20 năm gắn bó với ngành y bác sĩ Hưng suy ngẫm thấy, nghề y là một nghề rất bạc. Bác sĩ giỏi chỉ bạc với bản thân mình, còn bác sĩ dốt bạc với cả xã hội, cộng đồng cả thế hệ mai sau.

Bác sĩ dốt sẽ chỉ nghĩ tới cách kiếm tiền và bất chấp để lại hậu quả cho cộng đồng và thế hệ mai sau.

Bác sĩ Hưng cho biết cả hai vợ chồng anh đều theo ngành y nhưng hai con anh đều không muốn theo ngành bố mẹ.

"Tôi cảm thấy đau lòng khi con đặt câu hỏi: "Bố ơi sao bố không làm ở bệnh viện Trung ương, bệnh viện lớn, bố làm ở bệnh viện đó?

Con tôi đã đóng đinh trong đầu môi trường làm việc của bố mẹ chỉ tiếp xúc với những bệnh nhân mắc bệnh xã hội, bệnh nhân nguy hiểm. Hai đứa trẻ rất sợ bố mẹ phải đi trực đêm để chúng ở nhà một mình", bác sĩ Hưng nói.

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU