Hồi bé, mẹ vẫn thường kể Tiến nghe về "phép màu" trong những câu chuyện thần tiên. Giờ đây, khi nhìn Tiến thiêm thiếp trên giường bệnh, đau đớn, oằn mình vì những vết thương bỏng rát trên cơ thể, chị Trúc chỉ mong cầu một "phép màu" cho mình.
Đó là được thấy con trai hồi phục, lành lặn đi qua "cơn bão" Covid-19.
Con trai của mẹ
Lâm Gia Tiến sinh ra trong hình hài như bao đứa trẻ khác. Nhưng càng lớn, em càng có những biểu hiện bất ổn về tinh thần.
Tiến thường xuyên la hét, đập phá khi có điều gì đó không đúng ý mình. Đôi lúc, em bịt tai chặt đến mức đỏ lừ đôi tai vì "có ai đó đang thì thầm với em suốt", làm thần kinh không ổn định. Thương con, vợ chồng chị mang Tiến đi chạy chữa từ trung tâm này đến bệnh viện khác, mong cậu bé lớn lên với một tâm hồn lành lặn.
Tiến thường xuyên la hét, bịt tai
"Mỗi tối, vợ chồng tôi nằm xuống ngủ nhưng không dám thở mạnh, bởi Tiến rất nhạy cảm với âm thanh. Một chiếc lá rơi, một hạt mưa rớt xuống mái nhà... nó cũng nghe và không ngủ được. Những lần con la hét, vợ chồng tôi chỉ biết ôm lấy nó. Hàng xóm họ cũng cảm thấy phiền nhiều lúc đòi báo công an bắt con. Tôi khổ sở biết bao nhiêu.
Đợt gần lễ 30/4 là nó bị nặng nhất. Tiến phải nhập viện gần 25 ngày, ba mẹ thay nhau chăm sóc. Nó căng thẳng, bứt rứt lắm, thường xuyên cởi quần áo, la hét. Nó thức đến gần sáng không tài nào chợp mắt được", chị Trúc nghẹn ngào.
Những lúc tỉnh táo, cậu bé hay lắp ráp mô hình. Đây là sở thích đặc biệt của Tiến
Tuổi thơ của Tiến luôn có hơi ấm đôi tay mẹ. Mẹ ôm lấy em vào lòng, khi em chập chững những bước đi đầu tiên. Mẹ lau nước mắt cho Tiến, khi em bị bạn bè cô lập, kì thị trong trường học.
"Tôi không nhớ hết được những lần mình được nhà trường mời lên nói chuyện. Thần kinh rất yếu, thường xuyên bị kích động bởi những lời trêu chọc của bạn bè. Tôi thấy con ngồi thu lu một góc, nước mắt không kiềm được.
Có lúc nó bứt rứt, đứng lên "bật" lại bạn cùng lớp. Cô giáo cũng chỉ biết thở dài, nói rằng có lẽ Tiến thích hợp ở môi trường khác", chị Trúc nói trong nước mắt.
Cơn bão Covid-19
Vào đầu tháng 9/2021, cả gia đình chị Kim Trúc được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Chị được cách ly tại nhà, chồng khăn gói theo con vào bệnh viện. Sau khi âm tính trở lại, cả gia đình cùng nhau đoàn tụ. Tuy nhiên, chuỗi ngày "giông bão" của gia đình chị Trúc cũng bắt đầu.
Chị Trúc kể: "Người ta nói rằng con tôi bị dị ứng thuốc thần kinh, và mắc hội chứng hậu Covid-19. Thằng bé bắt đầu bứt rứt, quấy khóc dữ dội hơn. Từng mảng da trên cơ thể nó bắt đầu sưng tấy, lở loét dữ dội, tôi tức tốc mang cháu vào bệnh viện.
Người tôi như ngã quỵ vì kết quả "tái dương tính" mà bác sĩ đưa ra. Đồng thời, cháu bị dị ứng thuốc nên đau đớn lắm, cổ họng lở loét, chẳng thế ăn uống, nôn ra máu.
Từ nhỏ tới lớn, Tiến sống với tôi, cháu chưa bao giờ rời xa gia đình lấy một ngày. Ngày bị tái dương tính, nó phải nhập viện một mình, tôi khóc biết bao nhiêu nhưng không thể xin vào với con được vì đã âm tính".
Sau bao ngày xin phép, ký cam kết, chị Trúc cũng được vào với con. Chị bước vào phòng bệnh, gặp Tiến từ nhà vệ sinh bước ra, chị suýt ngất xỉu vì thấy da thịt con đỏ lừ. Đó là màu đỏ của thuốc bôi và máu.
Cậu bé nắm chặt lấy đôi tay mẹ, nước mắt lã chã rơi: "Mẹ ơi, virus khắp người, con sẽ chết phải không?". Những lúc như thế, chị Trúc chỉ biết lặng người.
“Người ta nói với tôi rằng, Tiến là một đứa trẻ ngỗ nghịch, hung hăng. Nhưng đối với tôi, nó rất hiền lành và khờ dại", chị Trúc tâm sự.
“Mẹ sẽ mãi bên con”
Gần 10 ngày kể từ khi Gia Tiến được chuyển vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5) điều trị, chị Trúc chưa có một ngày được ngủ yên.
Khi màn đêm buông xuống, chị lại bật đèn trông con truyền nước biển, cho Tiến đi vệ sinh.
“Người ta nói với tôi rằng, Tiến là một đứa trẻ ngỗ nghịch, hung hăng. Nhưng đối với tôi, nó rất hiền lành và khờ dại. Những lúc tỉnh táo, nó thường ôm lấy tôi và nói rằng: Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con. Tôi nghe xong như đứt từng đoạn ruột.
Vợ chồng tôi còn một đứa con gái. Ở nhà, Tiến hay ganh tị rằng ba mẹ yêu thương em hơn, chẳng yêu nó. Nhưng những ngày ở viện, tôi thấy Tiến đã dần dần cảm nhận được sự yêu thương mà mọi người dành cho nó. Tôi tin đó là cách để chữa lành cho con mình.
Nó nói với tôi rằng nó rất sợ chết. Nó muốn gặp ba, gặp ông bà lần cuối. Ngày nào tôi cũng gọi điện thoại về cho gia đình để Tiến nói chuyện. Bác sĩ đã nói với tôi rằng tình trạng của Tiến khá nặng, gia đình nên chuẩn bị tâm lý.
Tuy nhiên, tôi là một người mẹ. Chỉ còn con mình có hy vọng sống ngày nào, tôi sẽ lo cho con ngày đó. Suốt mấy tháng trời, vợ chồng tôi thất nghiệp. Toàn bộ kinh phí lo liệu cho Tiến đều là tiền dành dụm, tiền hàng xóm, họ hàng cho, mỗi người vài trăm.
Tôi ước gì trên đời này có phép màu, cho con tôi một lần được sống. Tôi muốn được yêu thương nó đến hết cuộc đời này", chị nói.
Mười lần như một, khi Tiến nhấc tấm lưng ra khỏi đệm, từng mảng da của cậu bé luôn bong theo. Tiếng khóc đau đớn của Tiến vang khắp gian phòng cấp cứu. Những lúc như thế, chị Trúc lại giang tay đón lấy con vào lòng, vỗ về: “Mẹ sẽ mãi bên con”.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/noi-dau-don-cua-cau-be-hau-covid-19-me-oi-virus-khap-nguoi-con-se-chet-phai-khong-161211811183009670.htm
Theo ttvn.vn