Nỗi niềm những nữ phóng viên lấy đêm làm ngày

Dẫu biết rằng, làm báo là phải đối mặt với những khó khăn, vất vả nhưng hầu hết những người bước vào nghề đều chấp nhận “dấn thân” để viết và cho “ra đời” những “đứa con tinh thần” phục vụ bạn đọc. Với các nhà báo nữ, họ còn phải chịu những áp lực không thể nào nói hết...

Phóng viên Yến Chi – Báo Giao thông tác nghiệp ở “rốn lũ” Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: TL

Nhà báo “mặc cả” với “tội phạm nguy hiểm”

6 năm gắn bó với Báo An ninh Thủ đô, nhà báo Thuỳ An - Ban Điện tử Truyền hình không nhớ nổi đã bao nhiêu đêm đang ngủ thì choàng tỉnh bởi những cuộc gọi báo có án. Dù mùa đông giá lạnh hay mùa hè oi bức, chị đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Còn nhớ một đêm mùa thu tháng 9, trời se se lạnh, nhà báo Thùy An nhận điện thoại của đồng chí Trưởng Công an quận Thanh Xuân. Qua điện thoại, Đại tá Vũ Minh Phương trao đổi ngắn gọn về việc đơn vị vừa bắt một đối tượng vận chuyển 20 bánh heroin từ Hòa Bình về Hà Nội và muốn nhà báo có mặt để kịp thời ghi nhận, làm công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm. Không chút đắn đo, một mình chị phóng xe máy lên đường trong màn đêm đầy sương.

Tới trụ sở công an phường Mỹ Đình 2, nơi tổ công tác đưa đối tượng về là khoảng 23h30 phút. Các cán bộ công an cho biết, đối tượng đang khóc vật vã, chưa chịu khai nhận điều gì nên bảo chị đợi ở ngoài. Lại thêm khoảng 30 phút chờ đợi mà vẫn chưa thấy có kết quả. Lúc này, chị xin được vào ngồi cùng cán bộ đội Cảnh sát điều tra.

“Đối tượng vận chuyển ma túy là Giàng A Sếnh, mới tròn 20 tuổi vẫn tiếp tục khóc và kiên quyết lắc đầu, từ chối mọi câu hỏi của cơ quan công an. Ngồi trước mặt Sếnh là Đại tá Vũ Minh Phương, người vốn rất điềm tĩnh và nhẹ nhàng khi lấy lời khai của các đối tượng phạm pháp. Sau cùng, tôi xin phép được nói chuyện với Sếnh và được đồng chí Trưởng công an quận đồng ý. Tôi nhìn người thanh niên trẻ vừa bị bắt rồi hỏi “Sếnh, em đã có gia đình chưa?”. Nghi phạm nhìn tôi gật đầu rồi lại tiếp tục khóc. Tôi vẫn nhẹ nhàng hỏi tiếp: “Trẻ thế này mà em đã lấy vợ rồi cơ à? Thế em được mấy cháu rồi?”. Gã trai trẻ đáp lại “ba”.

Càng hỏi về gia đình, đối tượng càng khóc nhiều hơn. Bỗng dưng, tôi nắm chặt tay Giàng A Sếnh. Không hiểu là tin tưởng hay vì sợ hãi, đối tượng cũng nắm lấy tay tôi rồi đột nhiên xin một cuộc điện thoại gọi về cho gia đình. Vậy là tôi có cớ để “mặc cả” với “người vận chuyển”. Tôi nói: “Nếu như em trả lời các câu hỏi của chị và khai nhận thành thật, chị hứa sẽ xin cho em được gọi điện về nói chuyện với gia đình. Chị hứa là chị giữ lời…”. Sau hơn 3h đồng hồ đấu tranh, cuối cùng đối tượng cũng nhận tội. Đó là một đêm dài căng thẳng và tôi trở về nhà lúc 4h30 phút sáng”, nhà báo Thùy An nhớ lại.

Một lần khác là đêm cuối tháng 10/2017, nhà báo Thùy An tham gia ghi nhận chuyên án khám phá đường dây mua bán, vận chuyển 10kg ma túy đá từ Nghệ An ra Hà Nội của các cán bộ cảnh sát – Công an Hà Nội. Suốt một đêm trắng làm việc đến tận 12h trưa hôm sau, chị gần như không biết mệt. Chỉ đến khi bài viết về vụ án được đăng báo, chị mới hoàn toàn cảm thấy nhẹ nhõm. Nữ phóng viên theo nghiệp báo tâm sự: “Tôi có con trai 3 tuổi, nhiều đêm khóc đòi mẹ mà không thể về được. Nếu không được người thân thông cảm, thấu hiểu thì thiệt thòi nhiều lắm”.

Một mình vào tâm bão

Nhà báo Thùy An - Ban Điện tử Truyền hình - Báo An ninh Thủ đô - dẫn hiện trường ngay thời điểm bão lớn ở Hà Nội.

“Con gái làm báo quá vất vả!”. Bố Yến nói thế và ông kiên quyết không cho con gái thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. May nhờ có sự động viên của các thành viên khác trong gia đình, cô gái sinh năm 1994 mới có đủ nghị lực đi theo con đường mình đã chọn. Cô tốt nghiệp loại giỏi và xin được nhận vào làm ở Ban Thường trú của Báo Giao thông.

Do đặc thù Ban thường trú phụ trách các địa phương nên Yến đi khá nhiều, hầu như tuần nào cũng đi tỉnh, có vụ việc nóng trên địa bàn là chạy. Các địa phương phụ trách chủ yếu là khu vực miền núi như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang… nên giao thông khá khó khăn.

Đó là đầu tháng 8/2017, chỉ 3 ngày sau đó, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) xảy ra lũ lớn lúc rạng sáng. Nhận được thông tin, nữ phóng viên lập tức xin lãnh đạo ban được lên đường vào vùng tâm lũ đưa tin. Đường đến Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn vì tuyến đường bị sạt lở đất đá do mưa lũ, nhiều chuyến xe không thể di chuyển nên phải mất gần 1 ngày mới tới được nơi. Thời gian ở trên xe, Yến điện thoại cập nhật tình hình để gõ tin gửi về toà soạn. Có những đoạn đường đi taluy dương bị sạt chiếm nửa đường, 1 bên là vách núi, 1 bên là vực sâu khiến cô gái không khỏi thót tim.

Yến Chi đặt chân đến Mù Cang Chải lúc rạng sáng hôm sau, không khí tang thương bao trùm, trường học bị tàn phá chỉ trơ khung tường, người người than khóc vì chồng, cha, con bị nước lũ cuốn trôi. Lực lượng chức năng cùng người dân hối hả tìm kiếm các nạn nhân và khắc phục hậu quả mưa lũ. Không có phương tiện di chuyển, cô đã đi bộ vào các hiện trường vụ lũ, trời tiếp tục đổ mưa, vội mặc tạm chiếc áo mưa giấy rồi đi bộ 2km đường núi vào bản ghi nhận các hoàn cảnh éo le.

“Người dân nơi đây khó khăn lắm, chiếc nhà gỗ chênh vênh nơi sườn núi, tiếng than khóc ai oán đến giờ vẫn in rõ trong đầu em. Ghi nhận xong lại vội vàng xuống núi, vào hành lang trường mầm non ở thị trấn, nơi cũng bị lũ dữ tàn phá ít nhất để phát wifi từ điện thoại, gửi thông tin về cơ quan. Xong xuôi, em lại vội đến nhà các nạn nhân khác rồi ra lòng hồ thuỷ điện ghi nhận công tác cứu hộ các nạn nhân. Cứ chạy ngược xuôi khắp nơi như thế đến tối mới nhận ra chưa ăn gì và chiếc áo mưa giấy mua vội mặc đã bị rách quá nửa...”, cô kể lại.

Đến tháng 10/2017, Yên Bái tiếp tục phải chịu đau thương từ thiên tai khi lũ quét bất ngờ tràn về thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu, cũng trong trận lũ này một đồng nghiệp TTXVN đã mất khi tác nghiệp trên cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) cùng những người dân khác. Quá bàng hoàng trước sự tàn phá và mất mát mà cơn lũ để lại, đêm 12/10, Yến đã ra bến xe Mỹ Đình bắt xe khách lên đường. Tới thị xã Nghĩa Lộ lúc quá trưa, nước lũ vẫn cuồn cuộn chảy và lực lượng chức năng và người dân đang khẩn trương tìm kiếm những người mất tích và khắc phục hậu quả. Cầu Thia sập đổ trơ trọi giữa dòng lũ, tuyến đường tỉnh lộ 174 bị chia cắt sau lũ khiến huyện Trạm Tấu bị chia cắt. Sau khi đi 1 vòng quanh thị xã Nghĩa Lộ ghi nhận thiệt hại cơn lũ, hoàn cảnh các gia đình bị ảnh hưởng và mất người thân khi lũ về, cô nhờ xe đi vào tuyến tỉnh lộ 174. Con đường lầy lội những bùn đất một bên là vách núi dựng đứng một bên là vực sâu, hàng hộ lan đã bị tàn phá chỉ cần sơ sẩy chút là xe có thể bị trượt bánh rơi xuống vực. Đến Km19+900 nước lũ cuốn trôi toàn bộ cống nước và phần mặt đường, các phương tiện không thể lưu thông. Để vượt qua đoạn này, cô đã xuống xe men theo dòng thác với những tảng đá to ở bên ta luy dương để đi.

Sau đó đi bộ tiến sâu vào Km22 tuyến tỉnh lộ 174, tại đây một điểm chia cắt lớn hơn, trời tối, lực lượng thi công không cho tiếp tục tiến sâu vì trời tiếp tục mưa có nguy cơ xảy ra lũ, nữ phóng viên phải trở về thị xã Nghĩa Lộ nghỉ ngơi, ăn tạm ít bánh mỳ và tiếp tục viết bài gửi về toà soạn. Sáng hôm sau cô theo đoàn công tác của Sở GTVT Yên Bái vào hỗ trợ huyện Trạm Tấu đang bị cô lập. Trên xe dù đường gập ghềnh nhưng Yến cố gắng nhập thông tin bằng điện thoại để gửi về cơ quan. “Những ngày tác nghiệp ở tâm lũ vất vả, khó khăn nhưng là trải nghiệm đáng nhớ trong đời phóng viên của em, được sống và cảm nhận, chia sẻ nỗi đau thương, mất mát cùng đồng bào miền núi vốn đã rất khó khăn”, Yến Chi tâm sự.

Với nhà báo Thùy An hay nữ phóng viên Yến Chi, vinh quang đến với họ không phải là những giải thưởng, mà chính là ngọn lửa cháy với nghề. Những chuyến đi thực tế luôn là trải nghiệm tuyệt vời. Dẫu biết rằng phía trước mình là một chặng đường dài, nhưng mỗi phóng viên, nhà báo luôn cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục đi, viết và trải nghiệm.

Theo giadinh.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU