Nụ cười hiền hậu của bà Bảy bên gánh cháo đậu 5.000 đồng: 'Bao nhiêu cũng bán, miễn khách no bụng là Bảy vui rồi'

Nằm một góc giữa Sài Gòn hoa lệ, gánh cháo đậu đơn sơ, chỉ 5.000 đồng của bà Bảy hiện lên như một 'thương hiệu' độc đáo. Không đơn thuần vì giá rẻ mà nó còn thắm đượm ở cái tình mà cụ bà 83 tuổi này san sẻ với mọi người.

Mua bao nhiêu cũng bán, miễn khách no bụng là Bảy vui rồi...

Hơn 40 năm qua, cứ đều đặn mỗi sáng trên con đường Bình Tiên (Q.6, TP.HCM), gánh cháo đậu đỏ của bà Bảy (tên thật là Phùng Thị Để, 83 tuổi) đều tấp nập khách đến ăn hoặc mua đem về.

Hình ảnh cụ bà móm mém mặc chiếc áo bà ba, đầu quấn khăn rằn bên nồi cháo đậu đỏ khiến du khách đến ăn không khỏi thích thú, nhất là những người khách xa quê, hình dáng bà Bảy gợi lên trong lòng họ bao nỗi nhớ thương về người bà ở quê của mình.

Quán cháo nhỏ không tên tuổi, không thực đơn, không bảng giá, cũng chẳng bàn ghế sang trọng nhưng thu hút rất nhiều khách đến ăn.

Gánh hàng của bà Bảy nhỏ thôi, hai cái nồi lớn một bên đựng cháo, một bên là nước cốt dừa lá dứa, phía trước là cái bàn để đựng củ cải muối, dưa mắm mặn và chay, tô muối mè để múc vào cháo cho đậm đà hơn. Khách đến ăn thì ngồi ở khoảng trống trên cái bàn đựng "topping" ấy.

Vừa ghé vào gánh cháo đậu, bà Bảy cười hiền hậu rồi nói: "Vào đây ăn cháo của Bảy, ăn bao nhiêu cũng được, miễn con no bụng là được rồi". Múc cho tôi hẳn một tô cháo lớn với giá chỉ 5.000 đồng, bà Bảy rôm rả đùa: "Ăn đi cho mau lớn, ăn cho no nghe con".

Dọn hàng lúc 4h sáng, chỉ sau 4 tiếng là nồi cháo của bà Bảy hết sạch.

Mỗi ngày, bà Bảy đều thức dậy từ lúc tờ mờ sáng, nấu cháo xong lại lọm khọm đi ra địa điểm bán từ lúc 4h, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 3-4kg đậu.

Dù hiện tại có 6 người con, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, các con ai cũng yên bề gia thất nên bà Bảy phải tự lực mưu sinh, đó cũng là vì niềm vui, an ủi lúc tuổi già hiu quạnh.

"Nhiều lúc cũng mệt lắm do bà già rồi, nhưng ở nhà cũng chán, ra đường bán này bán nọ gặp tụi con mà vui. Bảy còn sức khỏe mà...", nói đoạn, Bảy cười móm mém, ẩn sau đó là đôi mắt đượm buồn.

Bữa sáng nhẹ nhàng từ gánh cháo của bà Bảy để bắt đầu một ngày mới.

Nói về nồi cháo của mình, bà Bảy hào hứng chia sẻ. "Bà phải nấu đậu mềm trước rồi cho gạo đã rửa sạch vô. Nấu sao thì mình có tính toán hết rồi, tùy lượng đậu thế nào mà mình cho lượng gạo tương ứng. Cháo này phải đi kèm với các món đồ chua như dưa củ cải, dưa mắm và dưa cải chay mới ngon được".

Tô cháo chưa đến 10.000 đồng nhưng cũng đủ để no bụng cả buổi sáng đấy.

Khi được hỏi vì sao bán lâu như thế mà vẫn không tăng giá, bà Bảy liền tâm sự: "Mình canh chỉnh lượng cháo và đồ ăn kèm tùy theo mức giá. Bà bán giá cũ như vậy quen rồi, bình dân thôi miễn sao khách no bụng là được".

"Mệt cũng phải bán, không bán lấy gì mà ăn"

Ở cái tuổi về chiều này đúng ra bà phải được nghỉ ngơi như bao người, nhưng cuộc sống khó khăn không cho phép bà được an nhàn, ngày ngày phải quần quật bên gánh cháo nhỏ.

Bà chia sẻ, dù mệt cũng phải bán, nhờ vào gánh cháo này nên bà mới có thể trang trải cuộc sống, đủ tiền chợ búa đắp đổi qua ngày, vả lại thấy khách quen thích ăn cháo của mình đến thế nên bà không nỡ nghỉ.

Khách tới ăn chẳng câu nệ chỗ ngồi, bàn ghế sang trọng. Cứ ngồi quanh nồi cháo đậu mà thưởng thức món ăn bình dân, giản dị.

Trông bà Bảy hiền từ vừa múc cháo vừa cười với khách, tôi lại thấy sự bình yên đâu đó hiện lên giữa phố thị đầy cam go này. Buổi sáng nhẹ nhàng đôi khi chẳng phải là thứ gì đó to tát, chỉ đơn giản là tìm thấy niềm vui nhỏ bé bên gánh cháo đậu đơn sơ.

Khách của bà chủ yếu là đến mua về vì bàn nhỏ không đủ chỗ ngồi, chỉ lác đác vài người gần đó đến vừa ăn vừa trò chuyện với bà.

Lưng đã còng, tai mắt đã yếu nhưng cuộc sống vất vả không cho phép bà nghỉ ngơi.

Một chị hàng xóm và cũng là khách quen của bà, ngồi cạnh tôi cho biết: "Cháo bà Bảy ngon lắm, vừa ngon vừa rẻ, chị ăn nhiều chỗ rồi nhưng vẫn thấy không đâu bằng cháo của bà nên tuần nào chị cũng ra đây ăn".

Tuổi cao nhưng bà buôn bán vẫn rất nhanh nhẹn, không để khách phải đợi lâu.

Quán cháo nhỏ, bình dân nhưng ai đến ăn cũng đều thấy ấm lòng.

Hình ảnh tần tảo sớm hôm không ngại mưa nắng của bà Bảy, đầu quấn khăn rằn cặm cụi múc cháo đã trở nên quen thuộc, in sâu trong ký ức những người dân quận 6. 

Không biết rằng "bà Bảy cháo đậu" – cái biệt danh thân thương mà người ta đặt cho bà – sẽ còn bao nhiêu sức lực để đem đến món ăn sáng bình dị và ấm áp này cho thực khách.

Hi vọng bà sẽ có thật nhiều sức khỏe, mãi vui vẻ và lạc quan như chính cái chân chất, bình dị của người dân quê, nơi Sài Gòn đượm thắm tình người!

 

Theo Helino

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU