Nữ điều dưỡng vào tâm dịch Bắc Giang: "Mỗi lần làm xét nghiệm, tất cả chúng tôi đều nín thở. Nhỡ thành F0 thì sao?"

Bé Kem nhìn thấy mẹ trên tivi thì òa khóc nức nở đòi mẹ bế. Và người mẹ ấy, sống trong tâm dịch, mỗi lần vắt sữa là một lần quặn lên nỗi nhớ con.

Nhân vật chia sẻ: Phùng Thị Hạnh - mẹ bé Kem

Điều dưỡng Khoa Cận lâm sàng, Bệnh viện Quân y 103

Là 1 trong hơn 100 y bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 103 đến chi việc cho Bắc Giang hôm 19/5. Tại Bắc Giang, cô làm việc ở Khoa xét nghiệm thuộc Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2.

Câu chuyện bé Kem khóc nức nở đòi bế khi nhìn thấy mẹ trên tivi được dì của bé chia sẻ đã gây sốt khắp mạng xã hội.

Sáng hôm ấy vào tâm dịch, tôi không dám hôn con

Vậy là đã 10 ngày tôi phải xa em bé Kem, xa cặp má phinh phính, xa cái miệng chúm chím của con. Đã hơn 10 ngày, tôi không được ôm con vào lòng, không được cho con bú. Mấy ngày đầu, khi cùng các đồng đội lên chi viện chống dịch ở Bắc Giang, ngực tôi căng sữa đau nhức, tôi phát sốt.

Giờ thì cơ thể tôi cũng hiểu rằng, tôi đang không ở gần con, không cho con bú, nên cũng tự động giảm dần sữa đi. Buổi trưa, tôi vắt một lần, tối về vắt tiếp lượt nữa. Con ở nhà nhớ ti, mẹ vắt sữa ở khu cách ly, không làm cách nào mà gửi về được, chỉ có cách đem bỏ đi. Mỗi một lần như thế, tôi lại nhớ con quay quắt.

Tôi cùng gia đình nhỏ của mình.

Suốt từ ngày sinh Kem đến giờ, tôi chưa bao giờ xa con trọn một ngày, chứ đừng nói là một tuần hay lâu hơn thế. Thời gian được nghỉ thai sản, mỗi khi đi ra ngoài có việc, tôi lại nhanh nhanh chóng chóng chạy về để ôm con. Ông xã cứ trêu, sau này em đi làm thì tính sao. Đến khi đi làm rồi, buổi trưa, nắng hay mưa tôi cũng tranh thủ chạy về với con một tí, ôm con cho ti.

Tháng trước, tôi còn chia sẻ một bài viết khuyên các mẹ đừng cai sữa sớm, để động viên mình duy trì nuôi con bằng sữa mẹ. Cho đến 10 giờ khuya 18/5, tôi biết, mình phải gạt đi ý định đó, khi thấy tên mình trong danh sách điều động.

Thời điểm dịch bệnh cũng giống như chiến tranh, bộ đội chúng tôi luôn sẵn sàng, Tổ quốc gọi, có nhiệm vụ là phải lên đường. Sáng sớm 19/5, hơn 100 y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện quân y 103 chúng tôi tiến thẳng vào tâm dịch Bắc Giang.

Thực ra, lúc đó tâm trạng tôi rối bời, cổ họng cứ nghẹn đắng, không nói được gì nhưng vẫn phải tỏ ra mình vẫn ổn. Tôi định dặn dò chồng ở nhà chăm con mà nghẹn ngào mãi. Mãi đến khi xe chạy, tôi mới nhắn tin nói chuyện với chồng.

"Lúc lên đường đi chi viện, tôi còn không dám hôn con"

Cũng may, ông xã tôi chăm con khéo lắm: Pha sữa, thay bỉm, tắm cho con, cắt tóc cho con anh đều làm được cả. Nghĩ mà thương anh, những ngày tới vắng vợ, sẽ lủi thủi một mình.

Nghĩ đến bé Kem mà thương đứt ruột đứt gan. Sáng đó tôi đi sớm quá, không kịp cho con ti nốt cữ cuối. Tôi còn chẳng dám hôn con bé vì sợ động vào, con tỉnh dậy lại khóc, rồi mẹ lại không đành lòng. Tôi chỉ dám hít hà hơi con một tí xíu rồi vội lên đường.

Mỗi lần làm xét nghiệm, chúng tôi nín thở vì lo ai đó sẽ trở thành F0

Ở viện 103, tôi công tác ở Khoa Cận lâm sàng, làm việc siêu âm, điện tim. Tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 ở Bắc Giang, tôi làm ở Khoa xét nghiệm. Các điều dưỡng chúng tôi làm theo ca từ 7 - 12h rồi về ăn cơm trưa, nghỉ ngơi rồi làm ca chiều từ 13 - 18h. Buổi tối, tôi không phải trực vì trong đội còn 4 anh nữa, các anh xung phong trực giúp.

Công việc của chúng tôi tiếp xúc với máu, nước tiểu, dịch tiết cơ thể của bệnh nhân Covid-19 nên cũng khá nguy hiểm. Chúng tôi luôn phải mặc đồ bảo hộ. Nói thực là, mặc bộ đấy cả ngày, có lúc tôi cảm giác như muốn... phát điên vì mồ hôi túa ra như tắm, mặt ngứa ran, chân thì ướt sũng vì phải đeo thêm đôi ủng, lại còn rực sữa. Bên ngoài thì trời như đổ lửa. Đến thời điểm này, sữa của tôi cũng đỡ căng rồi, nếu không chắc tôi khóc mất.

 
 

Với các nhân viên y tế là phụ nữ, bộ đồ bảo hộ ấy thực sự là "ác mộng". Chị em nào tới kỳ kinh nguyệt, quả thực là rất kinh khủng. Nhưng vì công việc và sự an toàn cho bản thân, cho cộng đồng, chúng tôi hiểu rằng mình phải bỏ qua những khó chịu nhất thời đó. Làm việc trong môi trường xung quanh đầy ắp nguy hiểm, trực tiếp tiếp xúc với bệnh phẩm, ngay cả khi rất đề phòng rồi, chúng tôi vẫn không thể yên tâm tuyệt đối.

Nếu nói xông vào tâm dịch mà không có chút sợ hãi thì không đúng. Chúng tôi cũng có sự lo lắng, lo việc phải điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân, lo ai đó có thể bị lây nhiễm chéo thì lấy ai điều trị cho bệnh nhân, rồi nhỡ lây sang cho đồng đội… 

 
 

Mỗi tuần chúng tôi đều được xét nghiệm. Và đó là khoảnh khắc nín thở, chỉ cầu mong bản thân mình và tất cả y bác sĩ, nhân viên y tế đều an toàn, không ai trở thành F0.

Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện 103 và trung đoàn 831 cũng rất tâm lý, thường xuyên hỏi thăm, động viên chúng tôi, chia sẻ tâm tư tình cảm. Được làm việc cùng các chỉ huy của mình, chúng tôi cũng lạc quan hơn nhiều, không sợ khó, không sợ khổ. 

Bệnh viện dã chiến dựng thần tốc, quá nửa đêm chúng tôi mới ngả lưng

Dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, cường độ và áp lực công việc của chúng tôi càng lớn. Tôi và nhiều đồng nghiệp được cử đi chi viện cho Bắc Giang đa phần là bộ đội đã được qua huấn luyện từ trước nên vẫn chịu được. Nhưng quả thật ở một số bộ phận, đặc biệt là khu vực lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng và điều trị bệnh nhân nặng, các y bác sĩ, nhân viên y tế làm việc dựa trên ý chí chứ không phải là sức lực nữa. Thương lắm.

Thương cả những người lính trẻ đầy nhiệt huyết nữa. Trước đây tôi mới nghe trên đài báo, giờ mới được tận mắt chứng kiến. Khi đoàn chúng tôi đến, bộ đội đang xây dựng bệnh viện dã chiến. Các em lính chỉ nghỉ vài chục phút để ăn, còn cứ làm việc ngày đêm, gấp rút cho xong công việc. Các em ngủ ở những chiếc lều dã chiến dựng ngoài trời, nhìn mà xót. Ai nấy gầy gầy, đen nhẻm nhưng rắn rỏi và kỷ luật.

 
 

Các bạn lính có nhiệm vụ lắp ráp giường, rồi kê giường để kịp cho việc nhận bệnh nhân vào điều trị ở bệnh viện dã chiến. Hôm qua, bệnh viện lại triển khai lắp giường tiếp để có thể đón thêm bệnh nhân. Từ sáng sớm đến 10 giờ đêm mới hòm hòm lắp xong, nhân viên y tế chúng tôi cũng được huy động vào để lau dọn cùng. Quá nửa đêm, tất cả mới về nghỉ.

Chính sự lăn xả ấy đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi, để gạt đi những nỗi niềm riêng mà tập trung vào nhiệm vụ chính của mình, để dốc sức cho chiến dịch đẩy lùi Covid-19. Để sớm đến ngày tất cả trở về cuộc sống bình thường, vui vầy bên gia đình thân yêu.

*****

Bé Kem của mẹ Hạnh đã được 20 tháng tuổi. Dì em bé, chị Phùng Thị Hường (cũng là bộ đội) khoe, Kem đã ăn cơm giỏi rồi. Đây là lần đầu tiên Kem phải xa mẹ dài ngày như thế, lại thêm chuyện phải cai sữa đột ngột nữa nên cả nhà ai cũng thương Kem. Cô bé rất ngoan, bình thường không đòi mẹ đâu, nhưng mỗi tối mẹ gọi điện về, Kem sẽ chìa tay vào màn hình đòi mẹ bế ẵm.

Anh Vũ Tuấn Anh, chồng điều dưỡng Hạnh cũng chia sẻ, việc chăm bé Kem khi mẹ đi vắng cũng có chút vất vả hơn. May có ông bà nội và dì Hường cũng hỗ trợ rất nhiều, nên anh có thể yên tâm đi làm.

"Thực sự là khi vợ báo nhận được tin triệu tập đi Bắc Giang, mình khá là lo lắng. Đã đi vào dùng dịch hỗ trợ, không phải phút chốc là về được. Rồi đến khi công việc hỗ trợ xong, còn phải cách ly theo quy định mới được về với gia đình. Chuyến công tác của vợ chưa định được ngày về, chỉ thương con còn bé quá đã phải xa mẹ dài ngày. Đêm Kem cũng khóc vì nhớ mẹ, nhớ ti, nhưng bà nội dỗ dành một lúc là con nín và ngủ tiếp.

Mẹ đi chống dịch rồi, bố Kem ở nhà chăm em, đợi mẹ về nhé!

Cả gia đình nội ngoại đều lo lắng cho mẹ Kem. Nhưng ai cũng hiểu, lo lắng không giải quyết được gì. Buổi tối, gia đình sẽ gọi video để động viên, trò chuyện cho mẹ Kem đỡ cô đơn, động viên cô ấy cố gắng giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ để góp phần đẩy lùi đại dịch. Còn ở nhà, mọi người xúm vào chăm em bé, quán xuyến việc nhà cho ổn thỏa để cô ấy yên tâm công tác".

Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nu-dieu-duong-vao-tam-dich-bac-giang-moi-lan-lam-xet-nghiem-tat-ca-chung-toi-deu-nin-tho-nho-thanh-f0-thi-sao-162213005085006352.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU