Ảnh minh hoạ.
Khi sự việc xảy ra, nhà thơ cho biết cô chỉ mới là một cô gái trẻ mới ngoài 20 tuổi, nhưng lo sợ gia đình bị ảnh hưởng nên không dám đứng ra tố cáo.
"Tôi đã sợ nếu mình bị đàm tiếu liên quan đến người khác giới, bố mẹ tôi sẽ chết vì nhục nhã. Trước những hành động đốn mạt của L.N.A, cô gái trẻ non nớt là tôi khi đó chỉ biết chống cự kịch liệt đến sức cùng lực kiệt nhưng không dám kêu cứu, không dám tố cáo thủ phạm, thậm chí còn lo sợ lộ ra mình đã bị cưỡng hiếp.
...
Sau sự kiện ngày 14/4/2000 đã nhắc ở trên, vì có nhiều người làm chứng nên tôi mới dám viết đơn tố cáo L.N.A. Tuy nhiên, anh ta không những không sợ hãi, ăn năn mà còn quay ngược lại trắng trợn vu khống tôi. L.N.A đã bịa ra một câu chuyện, trong đó nói anh ta và tôi có quan hệ tình cảm, anh ta muốn bỏ tôi nên tôi gây căng thẳng. Vụ việc ngày 14/4/2000 đã bị anh ta thay đổi bản chất từ sự thật là cưỡng dâm thành "xô xát".
Nữ nhà văn còn khẳng định thêm, những tố cáo của mình là đúng và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã nêu.
Ngay sau khi bài viết của nữ nhà thơ được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Vì sao đến bây giờ mới lên tiếng?
Về vấn đề này, nữ nhà thơ cho biết thời gian gần đây nhiều nạn nhân của các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục đã đứng ra tố cáo nhưng họ lại phải chịu nhiều ý kiến tiêu cực, khiến nữ nhà thơ thấy được sự đồng cảm:
"Gần đây có theo dõi một số vụ nạn nhân bị xâm hại tình dục đứng ra tố cáo. Đọc những bình luận tiêu cực như làn mưa dao trút xuống họ và người thân, tôi bàng hoàng. Con quỷ là tệ nạn xâm hại tình dục đã cán vụn vỡ cuộc đời của cô gái trẻ là tôi 23 năm trước đến giờ vẫn không ngừng săn đuổi các nạn nhân tiếp theo của nó. Xu hướng tấn công, đổ lỗi cho nạn nhân của một bộ phận thiếu hiểu biết trong xã hội vẫn vô tình dung dưỡng cho con quỷ này, làm nó ngày càng trở nên hung hiểm.
Thực trạng này cần phải thay đổi.
Tôi không muốn có thêm bất cứ nạn nhân nào phải trải qua những nỗi thống khổ tôi từng trải.
Tôi cần phải lên tiếng. Đó là một đòi hỏi bức thiết của cá nhân tôi, với tư cách là một nạn nhân khổ đau oan ức, cũng là một đòi hỏi của thực tế xã hội đối với trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi của lương tri đối với một người cầm bút".
Nữ nhà thơ cũng cho biết bản thân cũng đã sợ hãi, không dám trình bày hết nỗi đau của mình. Thế nhưng vì không muốn có thêm bất cứ nạn nhân nào phải trải qua những nỗi thống khổ mà bản thân từng trải qua nên quyết định lên tiếng.
Được biết, D.T.P được biết là gương mặt nữ tiêu biểu của thơ đương đại Việt Nam những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX.
Hiện bài đăng của nữ nhà văn vẫn đang được chia sẻ trên nhiều diễn đàn MXH.