Nữ sinh bị ghép ảnh nhạy cảm, phụ huynh sửng sốt con bị bắt nạt khi học trực tuyến

Hầu hết mọi người nghĩ rằng việc học trực tuyến sẽ không xảy ra tình trạng bắt nạt, bạo lực học đường nhưng sự thật thì không phải như vậy.

(Ảnh minh họa)

Nói về vấn đề này, PGS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, hiện nay hầu như mỗi lớp ở các trường THCS, THPT đều lập một nhóm riêng trên mạng xã hội.

Bên cạnh những hiệu quả tích cực như thông tin cho nhau những hoạt động của lớp, chia sẻ việc học, các nhóm trên mạng cũng trở thành chỗ để học sinh đàm tiếu, bàn luận hoặc xúc phạm nhau. Nếu trước đây hình thức bạo hành học đường là các em tập hợp thành nhóm tẩy chay một đối tượng nào đó thì bây giờ các em lại “khủng bố” đối tượng các em không thích bằng cách công khai trên mạng xã hội.

Để phát hiện con mình đang bị đe dọa trực tuyến hay không, cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm tới trẻ để phát hiện một số dấu hiệu, nguy cơ, chẳng hạn như thái độ của con đối với trường học bỗng trở nên tiêu cực và sợ đến trường.

Trẻ có thể nói những lời kiểu như "cuộc sống tồi tệ quá", "chẳng thiết sống nữa", "cuộc sống không có gì thú vị cả"… Nguy hiểm hơn nữa là những việc này có thể là mầm mống, ý tưởng cho việc trẻ làm hại bản thân mình.

Vậy nên cha mẹ cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, xem xem trẻ có việc gì và phần lớn trẻ có những biểu hiện đó đều là trẻ đang bị bắt nạt.

“Bố mẹ nên hướng dẫn con những kỹ năng bảo vệ bản thân để cho trẻ dám đứng lên, tự tin bảo vệ chính bản thân mình. Ngoài ra cũng nên dạy cho con một số kỹ năng ứng phó và giải thích để trẻ hiểu những kỹ năng nào là phù hợp. Khi con bị bắt nạt thì không bao giờ là lỗi của con cả, con không được đổ tội cho mình”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.

Để ngăn chặn nguy cơ trẻ bị đe dọa, bắt nạt trực tuyến thì vai trò của thầy cô là rất quan trọng. Thay vì kỷ luật đưa ra những hình phạt nghiêm khắc cho những em đi bắt nạt thì thầy cô hãy tìm ra những điểm mạnh tích cực của em đó để khen ngợi và phát huy những điểm tích cực đó.

Đối với những em là nạn nhân của việc bị bắt nạt thì thầy cô cũng nên gần gũi, đưa ra những chiến lược ứng phó với việc bắt nạt đó một cách phù hợp.

Có thể thầy cô tổ chức một cuộc hòa giải giữa nạn nhân và người bắt nạt để làm sao tạo một bầu không khí vui vẻ, không căng thẳng vì nhiều khi những vụ bắt nạt lại xuất phát từ những xích mích nhỏ ở lớp, mà có thể nhiều khi những xích mích đó không đáng gì.

Quan trọng là làm cho các em thấy được tình cảm của các bạn trong lớp, trong trường là không thể thay thế được, để từ đó các em biết trân trọng tình cảm hơn. Từ đó các em sẽ bớt có những hành động tiêu cực, chịu khó học tập và hành xử một cách chuẩn mực.

 

Theo afamily.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU