Bé trai đánh đập dã man bạn học cùng lớp
Những ngày gần đây, sự việc một bé gái 2 tuổi bị bạn đánh đập dã man tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn Bắc Giang đã khiến dư luận không khỏi phẫn nộ. Theo đó, từ đoạn clip được trích xuất từ camera an ninh trong lớp học, trong lớp có khoảng 8 bé, cửa lớp đóng và cô giáo không có mặt. Một bé gái đang ngồi riêng 1 mình thì bị bé trai mặc áo màu xanh liên tục đánh, đá mạnh vào người.
Thậm chí, bé trai này còn dùng chân đạp vào người, ngồi cả lên người bé gái. Bị đánh tới tấp, bé gái sợ đến khóc thét, giãy giụa. Loạt hành động dúi bé xuống nền nhà, đập đầu vào tường tiếp theo đó khiến người xem không khỏi hoảng sợ. Khi sự việc xảy ra, bé gái liên tục khóc thét nhưng phải đến 5 phút sau, cô giáo mới mở cửa bước vào, bé gái vội chạy về phía cô giáo.
Bên cạnh sự thương xót bé gái là nạn nhân trong vụ việc và bức xúc trước hành vi vô trách nhiệm của giáo viên thì nhiều người còn không khỏi phẫn nộ với những hành động bạo lực đến kinh hoàng của bé trai. Nhiều phụ huynh thừa nhận hình ảnh này gây ám ảnh tới mức họ không dám xem hết clip và không hiểu vì lý do gì cậu bé lại bạo lực đến như vậy. Hậu quả để lại là những vết bầm tím lẫn vết thương chi chít trên mặt và người bé gái, thêm vào đó là tổn thương về mặt tinh thần khó mà bù đắp được.
Hiện tại, cơ sở mầm non đã bị đình chỉ hoạt động và phía gia đình bé gái vẫn tiếp tục yêu cầu pháp luật làm rõ trách nhiệm của những bên liên quan. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc không biết bố mẹ bé trai kia sẽ có cách xử lý tình huống thế nào khi con mình chính là người gây ra vụ việc nghiêm trọng đến như vậy. Và nhiều phụ huynh băn khoăn phải làm thế nào nếu con mình cũng rơi vào tình huống tương tự như thế.
Nguyên nhân trẻ hay đánh bạn và có xu hướng bạo lực
Với các bạn nhỏ từ 1 đến 3 tuổi thì đây là độ tuổi hành vi và nhận biết đang dần hình thành và phát triển. Việc đánh hay tranh giành nếu cha mẹ chưa từng dạy và hướng dẫn thì ngay bản thân trẻ cũng không nhận biết được đó là hành vi có xu hướng bạo lực. Thực chất, trẻ đánh những người xung quanh vì trẻ thiếu những kỹ năng ngôn ngữ cần thiết, thiếu khả năng kiểm kiểm soát xung lực để điều khiển hành vi, cũng như muốn khẳng định sự độc lập của bản thân.
Ngoài ra, phản ứng và hành vi bạo lực của trẻ còn do trẻ bắt chước hành vi đánh đòn từ cha mẹ hoặc người chăm sóc trực tiếp. Tuy nhiên, nếu sự việc này xảy ra thường xuyên, không có sự ngăn chặn, thì nguy cơ phát triển xu hướng bạo lực của trẻ hoàn toàn không thể tránh khỏi. Để tìm được giải pháp cho việc trẻ hay đánh bạn và có xu hướng bạo lực, trước tiên hãy xem xét những nguyên nhân dẫn đến hành động đó của trẻ.
Theo nhiều phụ huynh, một đứa trẻ có xu hướng bạo lực thì nguyên nhân chính là từ phía gia đình. Một đứa trẻ sẽ bắt chước rất nhanh và học theo cách ứng xử của bố mẹ với nhau và của bố mẹ với bản thân trẻ. Tính cách hay lối sống của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của con. Nếu cha mẹ hay quát mắng thậm chí đánh đập trẻ thì dần dần sẽ hình thành hung tính cho đứa trẻ đó.
Khi bố mẹ sử dụng bạo lực để khiến trẻ phải nghe lời, làm theo khuôn phép hay yêu cầu của người lớn, có thể ngay lúc đó bé sẽ nghe theo nhưng ngấm ngầm bên trong bé là sự phản kháng và tổn thương. Bé sẽ lặp lại hành động đó một cách vô thức lên bạn bè hay anh chị em của bé.
Những vết bầm trên người bé gái khiến ai cũng xót xa.
Những dấu hiệu chứng tỏ trẻ có xu hướng bạo lực
Tính cách của mỗi đứa trẻ hoàn toàn không hề giống nhau và có sự khác biệt nhất định. Tuy nhiên, nếu phát hiện con có những dấu hiệu thiên về xu hướng bạo lực thì phụ huynh, bố mẹ nên chú ý để có thể kịp thời uốn nắn con ngay từ sớm. Từ khi con còn nhỏ, hãy chú ý quan sát những hành vi, cảm xúc của con trong tất cả các sinh hoạt thường ngày. Một số dấu hiệu chứng tỏ trẻ có xu hướng bạo lực bố có thể lưu ý như:
- Con rất hay nổi nóng, mất bình tĩnh, không kiểm soát được cơn giận.
- Hay đe dọa tấn công bạo lực người khác.
- Thích thú trong việc phá hủy đồ đạc, vật dụng xung quanh.
- Thường xuyên suy luận, tính toán về những kế hoạch thực hiện các hành động bạo lực.
- Thường xuyên gây hấn với bạn bè.
- Luôn miệng nói về những hành động mạo hiểm.
- Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ cao trở thành người mang xu hướng thích bạo lực trong tương lai nếu ngay từ nhỏ con chịu tác động bởi những yếu tố như bị lạm dụng về thể xác, bị đánh đập, bạo hành, có bố mẹ, người thân thường xuyên sử dụng bạo lực.
- Việc xem những bộ phim hoặc tiếp xúc với hình ảnh mang tính bạo lực từ sớm cũng khiến bé sớm hình thành những suy nghĩ liên quan đến điều này.
Cần làm gì khi phát hiện con có khuynh hướng bạo lực?
- Sửa đổi ngay từ bản thân mình, từ hành động đến lời nói và cách ứng xử với bé trong giao tiếp hàng ngày. Trẻ chính là tấm gương phản chiếu của bố mẹ nên khi con có những biểu hiện của tính bạo lực, bố mẹ cần uốn nắn dần dần.
- Kiên nhẫn và từ từ, không nên đốt cháy giai đoạn, áp đặt trẻ. Hãy làm gương cho con trước khi trách mắng bé về việc trẻ hay đánh bạn. Cố gắng tâm sự, nói những lời yêu thương hàng ngày với con, thay vì dọa dẫm, đánh đập vì hãy tìm cách xử lý thích hợp hơn khi con phạm lỗi.
- Xem xét con xuất hiện những hành vi, biểu hiện đó trong hoàn cảnh như thế nào và dựa vào diễn biến hành động cụ thể của con để có cách xử trí, uốn nắn sao cho phù hợp với độ tuổi và cá tính riêng của từng bé. Nếu nhận ra con thường xuyên mất bình tĩnh, có xu hướng thích bạo lực từ nhỏ, bố nên là người nghiêm khắc chấn chỉnh lại các hành vi của con.
- Ngoài ra, bố mẹ nên dành nhiều thời gian chia sẻ, trò chuyện, chơi những trò chơi lành mạnh cùng con, không cho con tiếp xúc với phim ảnh, đồ vật mang hơi hướng bạo lực. Nếu trẻ đang ở độ tuổi đi học, bố cần kết hợp với nhà trường, giáo viên đứng lớp của con để theo sát con trong thời gian đi học.
- Trong trường hợp phát hiện con có những dấu hiệu bạo lực nghiêm trọng mà mình không thể kiểm soát được, bố nên nhanh chóng đưa con đi thăm khám ở những địa chỉ uy tín, trao đổi cùng các chuyên gia tâm lý để có hướng phát hiện và xử lý kịp thời để tránh dẫn đến các hậu quả đáng tiếc về sau.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.