Cuộc đời chật vật của 4 người phụ nữ
Từ khi lọt lòng mẹ, em Nguyễn Thị Thường (20 tuổi, quê ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) không biết bố mình là ai, chỉ biết mẹ bị bệnh tâm thần. Mẹ cô hiếm khi tỉnh táo, bà thậm chí hay đi lang thang, không nhớ nổi đường về nhà.
Cô và mẹ sống nương tựa vào 2 bác gái trong căn nhà tranh ở huyện Thạch Thất. Bác gái thứ 2 cũng mắc chứng bệnh tương tự, may mắn vẫn có thể phụ giúp việc nhà. Trong 4 người phụ nữ, bác cả là người duy nhất có khả năng kiếm tiền nuôi gia đình.
Thường lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của bác cả Nguyễn Thị Khánh Linh (58 tuổi). Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều dựa vào bàn tay của bác.
Biết hoàn cảnh gia đình mình, Thường lấy đó làm động lực để học. Từ cấp 1 đến cấp 3, cô nàng được nhiều người biết đến vì thành tích học tập nổi bật, khi thì đạt giải Olympic Toán cấp huyện, lúc đạt giải Nhì môn Văn cấp thành phố, hay được khen tặng học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô.
Thường trong chuyến đi dã ngoại tại Bắc Giang cùng quỹ từ thiện Khát Vọng, năm 2021.
Dù mang nhiều thành tích nhưng Thường vẫn không tránh khỏi những lời bàn tán của bạn bè về gia đình mình. “Mọi người không nói trước mặt nhưng em vẫn cảm nhận được những lời bàn tán xung quanh. Điều đó cũng dễ hiểu vì ai cũng có tính tò mò. Em đã quen với việc này từ khi còn nhỏ và cũng nhanh quên, nhưng với những lời tiêu cực thì em hơi buồn lòng.
Từ khi có nhận thức, Thường đã phải chứng kiến sự vất vả, khổ đau, túng thiếu của gia đình nên lúc nào cũng ghim trong đầu một ý chí nỗ lực. “Em còn nhớ như in cảnh bác Linh đi vay tiền để mua sách và nộp học cho em. Rồi những lúc gia đình không có gì ăn, chỉ có 2 quả trứng cho 4 người ăn cả ngày. Hay những ngày mưa dột, cả nhà co ro,...”, Thường kể lại.
Không muốn cháu và các em sống trong căn nhà lá quá xập xệ, ẩm dột, bác Linh đi vay 80 triệu để xây một nhà cấp 4. Sợ Thường phải gồng gánh khoản nợ này, bác Linh nai lưng cật lực để kiếm tiền, làm mọi việc từ nhổ cỏ, dọn dẹp thuê,... Thế nhưng, dù bác Linh có cố gắng thế nào cũng chỉ đủ tiền cho Thường đi học. Tiền vay để xây nhà vẫn tồn đọng đến bây giờ, lãi mẹ đẻ lãi con, lên đến gần 100 triệu.
Mỗi lần kể về những cố gắng, hy sinh của bác Linh, Thường lại rơi nước mắt. Cô biết bác gái có những mong ước rất đẹp nhưng phải từ bỏ để nuôi mình.
“Hồi trẻ, bác Linh mong muốn được làm giáo viên, ước có một gia đình nhỏ. Nhưng ước mơ này phải dang dở vì cuộc sống quá khó khăn. Khi bà ngoại mất, mẹ em bị bệnh không thể tự chăm sóc, bác Linh phải từ bỏ mọi thứ để ở lại lo cho gia đình.
Ngày Thường đi học, bác Linh luôn dặn: Cơ hội đi học rất quý. Bác ước được đi học nhưng không được nên bác dành hết cho con. Người bác mong cháu của mình trở thành một giáo viên, rồi kết hôn với anh công an, như cuộc sống mà bác hằng mong ước mà không thực hiện được”, Thường nói và cho biết bác Linh là người có tác động lớn nhất đối với mình, dạy cho mình đức tính hy sinh, cam chịu và nhẫn nại.
Từ “Thường” đến phi thường
Sự hy sinh của bác Linh là lý do Thường phải tự áp lực lên mình về việc học. Dù cuộc sống có tủi nhục, thiếu thốn đến đâu, cô nàng cũng chưa một ngày ngừng cố gắng.
“Từ bé em đã có suy nghĩ: Nếu mình không học tốt thì sẽ không có những cơ hội trong tương lai, em sợ phải quay lại cái guồng của sự khó khăn, vất vả. Có thể em đã trải qua những khó khăn về kinh tế và tinh thần rồi nên không muốn lặp lại nữa. Với lại, công lao của bác Linh quá to lớn, em không thể phụ tình cảm và sự hi sinh của bác được”, Thường nói.
Từ khi học lớp 6, Thường được quỹ Khát Vọng giúp đỡ về vật chất và tinh thần để chú tâm vào việc học. Lên lớp 10, cô nàng được định hướng vào trường quốc tế phù hợp với năng lực của mình.
Thường tham dự buổi giới thiệu về trường quốc tế, khi còn học lớp 12.
“Em biết ước mơ của bác Linh dành cho em rất cao quý, nhưng em muốn cố gắng để làm được nhiều thứ lớn hơn. Đó là lý do em tìm hiểu về các trường quốc tế, rồi nỗ lực tôi luyện bản thân suốt 3 năm, để tự tin nộp hồ sơ vào học trường Đại học Fulbright Việt Nam”.
Tuy vậy, cơ hội vào trường đại học quốc tế rất mong manh vì tỉ lệ chọi cao. Lần đầu tiên nộp hồ sơ, Thường bị trượt ở vòng phỏng vấn vì giao tiếp tiếng Anh chưa tốt và những câu trả lời ngô nghê.
“Em nhớ khi nhận câu hỏi phỏng vấn bằng tiếng Anh, em không hiểu và phải hỏi lại bằng tiếng Việt. Lúc phải trả lời bằng tiếng Anh, em cũng không nói được hết ý và xin dùng tiếng Việt bổ sung. Với lại, câu trả lời của em chưa thực sự tốt nên bị trượt vòng phỏng vấn”, Thường kể và nói lúc đó buồn rất nhiều.
Lần trượt đó cũng là cơ hội để Thường tự hỏi lại bản thân. Cô trăn trở về những nỗ lực và giá trị của mình. Sau đó, Thường làm lại bộ hồ sơ mới rồi được lọt vào vòng phỏng vấn. Ở vòng này, Thường tự tin thể hiện hết mình vì “không còn gì để mất”. Sau cuộc phỏng vấn đó, mặc dù biết mình đã trả lời tốt nhưng cô vẫn hồi hộp chờ đợi kết quả.
Ngày 5/6/2020, khi đang học thêm ở nhà thầy giáo, Thường nhận được email của trường. Cô lập tức mở bản tiếng Anh ra, lờ mờ biết đã trúng tuyển, nhưng vẫn không tin vào mắt mình. Thường lên mạng tra từng từ, xác nhận đúng 100% rồi không kiềm được vui mừng, reo lên giữa lớp học.
“Lúc đó khoảng 7-8 giờ tối, em vui quá không học thêm được gì nữa. Em phóng xe rất nhanh về nhà báo tin cho bác. Bác Linh đang thu dọn củi ngoài vườn, khi nghe tin bác vỡ òa lên, bác khóc rất nhiều, xong vẫn hoài nghi tại sao có trường nuôi cháu mình học đại học.
Với bác, 20 triệu là một số tiền lớn kiếm cả cuộc đời, không nghĩ cháu mình được nhận học bổng 2,2 tỷ. Bác Linh sau đó vào thắp hương cảm ơn tổ tiên, giục em gọi cảm ơn người đã nhận mình, rồi nghĩ mang quà quê lên biếu trường. Mẹ ruột em tuy không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng cũng cười với ánh mắt toát lên sự hạnh phúc. Giây phút đó, em thấy rất hạnh phúc vì mình đã đem lại niềm tự hào cho gia đình”, Thường rơm rớm nước mắt.
Gánh nặng đè lên vai cô sinh viên nghèo
Nhận được học bổng toàn phần 2,2 tỷ của trường Đại học Fulbright Việt Nam, Thường chọn chuyên ngành Khoa học xã hội và nửa chuyên ngành Tâm lý học. Cô sau đó phải rời Thạch Thất vào TP.HCM. Lần đầu tiên xa nhà, Thường không quen, cô nhớ và lo lắng cho gia đình nhiều. Nhưng nỗi nhớ ấy nhanh chóng bị thay thế bởi những áp lực từ cuộc sống sinh viên.
Những ngày đầu bước chân vào đại học, Thường rất vui vì đã tìm được “kho báu” nhưng không khỏi tự ti về xuất thân của mình. Thậm chí, cô nàng còn tự tạo cho mình một vỏ bọc để trốn tránh các bạn, Thường sợ bị cô lập, sợ lặp lại những cảm giác ngày xưa mình từng trải qua. Cô không dám tham gia các câu lạc bộ vì nghi ngại trình độ của mình còn kém so với các bạn, phần khác sợ những phán xét về khoảng cách giàu - nghèo.
Hồi mới vào đại học, Thường bẽn lẽn, tự ti, ngại giao tiếp với các bạn.
“Vào trường đại học danh tiếng mới biết đó chỉ là hành trình đầu tiên để đi tìm những giá trị của mình. Đó là tấm bản đồ để biết còn nhiều người giỏi hơn mình, xem mình yếu ở đâu. Và thực tế, em biết mình kém nhất về tiếng Anh, trong khi giáo trình và thầy cô đều sử dụng ngôn ngữ này để giảng dạy. Em yếu đến nỗi tuần nào cũng phải gặp các thầy cô nhờ giảng lại bài. Có những bài phải học lại tận 3-4 lần mới hiểu. Nhiều khi, em cũng có chút hoài nghi về năng lực của mình”, Thường bứt rứt.
Mãi đến kỳ 2 năm nhất, cô mới thấy vững chãi, tự tin sống và tham gia nhiều hoạt động hơn, tham gia nhiều khóa học online phát triển bản thân trên các nền tảng miễn phí. Năm 2021, Thường nhận được lời mời tham gia câu lạc bộ tranh biện và đạt giải Top 8 đội tranh biện xuất sắc nhất toàn quốc do trường tổ chức và đạt học bổng "Thắp sáng tương lai". Đó cũng là động lực để cô cố gắng chứng minh thực lực của mình, bỏ qua những tự ti về gia cảnh.
Thường và các bạn đạt giải Top 8 đội tranh biện xuất sắc nhất toàn quốc.
Khi Thường vừa ổn định cuộc sống đại học cũng là lúc sức khỏe của bác Linh giảm sút, không thể kiếm tiền để nuôi gia đình, mua thuốc và trả nợ. Mọi sinh hoạt ở quê của 3 người phụ nữ đều phụ thuộc vào đồng trợ cấp ít ỏi, chưa đầy 1 triệu đồng. Khoản vay nợ và sức khỏe của 3 người mẹ đã dồn một khối áp lực lên vai của Thường.
“Trước đây, bác Linh không muốn chia sẻ gánh nặng đó cho em, cho đến khi em học năm nhất đại học. Lúc đó em mới biết tiền lãi phải trả mỗi tháng quá nhiều và bác Linh không thể trụ được nữa. Em vẫn biết gia đình mình khó khăn, nhưng giờ thì nó khó khăn quá sức tưởng tượng”, cô sinh viên năm 2 cho biết.
Để giúp đỡ gia đình, Thường gửi về cho bác Linh một phần tiền trợ cấp của trường. “Em may mắn được trường hỗ trợ 3 triệu/tháng để ăn uống và sinh hoạt. Nếu không có khoản hỗ trợ này thì dù em có được học bổng cũng không có khả năng chi trả chi phí để học tại thành phố đắt đỏ. Với 3 triệu đó, tháng nào em cũng tiết kiệm được 1,5 triệu đồng và gửi về quê cho bác Linh. Nhưng nó cũng chỉ gồng gánh được một phần tiền sinh hoạt và tiền thuốc, còn số tiền nợ lãi thì chưa trả được đồng nào”, Thường tâm sự.
Tranh thủ lúc được nghỉ học, Thường đi làm thêm để kiếm tiền gửi về cho bác.
Muốn trả nợ thay cho bác, Thường tranh thủ thời gian rảnh đi làm gia sư và làm cho các công ty về giáo dục. Đó không chỉ là công việc để tạo thu nhập hỗ trợ gia đình mà cũng là cơ hội cho cô trải nghiệm. Tuy nhiên, dù cố gắng nhưng số nợ cũng không vơi đi nhiều. Ở tuổi 20, phải gồng gánh nhiều thứ trong khi còn đi học, Thường cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi.
“Các bác và mẹ em ngày càng già, sức khỏe ai cũng yếu đi. Nỗi lo về tài chính, thu nhập, thuốc thang khiến cả nhà rất áp lực. Em không muốn bác Linh phải chịu đựng một mình vì bác đã dành cả đời nuôi cháu. Em rất mong mình có thể hỗ trợ cho bác phần nhiều để bác được an tâm tĩnh dưỡng tuổi già.
Tưởng mình mạnh mẽ nhưng có những ngày em thấy rất đen tối, hoặc xuất hiện cảm giác cô đơn, nhất là khi thức đêm để làm dự án kiếm thêm tiền. Dù mệt đến mấy nhưng khi nhắm mắt vào lại tự bắt mình phải mở mắt ra vì biết phải cố gắng làm việc. Em cũng không dám suy sụp vì khi đó gia đình em cũng sẽ hết hy vọng”, Thường tâm sự.
Gánh nặng lúc nào cũng ở trên vai song Thường vẫn lạc quan. Cô mơ về một ngày sớm tốt nghiệp, được đi du học rồi cống hiến cho các em học sinh Việt Nam.
“Sau khi ra trường, em mong muốn được làm trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục. Em muốn giúp đỡ những bạn học sinh có hoàn cảnh giống như mình. Em tin rằng khi được hỗ trợ và dẫn dắt, các bạn ấy có thể phát huy khả năng của mình và thực hiện hóa ước mơ”, cô sinh viên năm 2 ao ước.
https://soha.vn/nu-sinh-ngheo-bat-ngo-duoc-nhan-hoc-bong-22-ty-cua-truong-dh-quoc-te-2022060815555177.htm
Theo soha.vn