Rhonda Moskowitz là một huấn luyện viên nuôi dạy trẻ ở Columbus, bang Ohio, Mỹ. Cô có bằng thạc sĩ về khuyết tật học tập và hành vi theo tiêu chuẩn giáo dục K-12 và hơn 30 năm kinh nghiệm trong các trường công lẫn trường tư. Nhưng hiện tại, cô hầu như không cần sử dụng bất kỳ kiến thức nào đã từng được đào tạo trước đó.
"Tôi cố gắng gặp gỡ phụ huynh tại nơi họ ở và thường hỏi một câu đơn giản: ‘'Bạn có một thứ gì có thể được sử dụng để làm áo choàng không?'", Moskowitz nói. "Có à, tuyệt quá!"
"Có một quả bóng ở đâu đó không? Ném bóng nào", cô nói. "Đá vào quả bóng đi".
Nhiều bậc phụ huynh, phần lớn là những người giàu có, đang có một nỗi sợ về sự lan tràn của điện thoại thông minh và ảnh hưởng của chúng tới con cái. Họ đang cố gắng nuôi dạy con cái như trong thời kỳ trước khi các thiết bị điện tử này ra đời nhưng bất thành. Vì vậy, họ đang thuê các chuyên gia, như Moskowitz.
Có cung ắt có cầu. Các huấn luyện viên nuôi dạy trẻ em, dạy chúng cách xa các thiết bị điện tử có màn hình đã xuất hiện để phục vụ nhu cầu mới mẻ này. Các chuyên gia tư vấn sẽ đi tới từng nhà, trường học, nhà thờ và các hội thảo để nhắc nhở mọi người về cách những đứa trẻ được giáo dục như thế nào trước đây.
Rõ ràng, nhiều ông bố bà mẹ đã sợ hãi khi thấy những biểu cảm có phần bạo lực của con mình khi cố tách chúng ra khỏi máy chơi game. Hầu hết các bậc cha mẹ cho rằng bữa tối không phải là lúc dành cho Instagram. Nhiều người từng cho rằng công cụ đề xuất của YouTube là cấp tiến, nhưng các báo cáo mới đây từ những phương tiên truyền thông lại đang nói điều ngược lại. Tất cả chúng đã khiến họ có một hình dung xấu trong đầu rằng điện thoại thông minh giống như một con quỷ vô cùng đáng sợ.
Không ai có thể biết những gì được chiếu trên màn hình sẽ tạo ra một xã hội tốt hay xấu. Công nghệ cầm tay vẫn còn quá mới để các nhà khoa học có thể làm thí nghiệm hay đưa ra các đánh giá chuyên môn. Vì vậy, nhiều người quyết định sẽ giáo dục con cái mình theo cách mà họ đã nhận được.
Gloria DeGaetano là một huấn luyện viên giáo dục tư nhân làm việc tại Seattle. Cô nhận thấy rằng nhu cầu đối với công việc mới này đã vượt qua mức mà mình có thể tự xử lý. Vì vậy cô đã tạo ra Học viện Huấn luyện Phụ huynh, với một mạng lưới gồm 500 huấn luyện viên và một chương trình đào tạo bài bản. Huấn luyện viên của cô có mặt ở khắp các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn, tính phí 80 USD một giờ giảng dạy. Ở các thành phố lớn hơn, mức giá dao động từ 125 USD đến 250 USD. Các phụ huynh thường đăng ký theo gói từ 8 đến 12 buổi.
"Nếu bạn hỗn láo với Mẹ thiên nhiên, nó sẽ chống lại bạn", DeGaetano nói về triết lý của mình. "Bạn không thể là một cỗ máy. Chúng ta đang suy nghĩ như những cái máy vì chúng ta sống trong môi trường cơ học này. Bạn không thể nuôi dạy trẻ một cách tối ưu từ các nguyên tắc trong một tư duy máy móc".
Các bậc cha mẹ luôn hi vọng DeGeatano có thể chữa được chứng nghiện màn hình của con cái họ. Và "đơn thuốc" được cô đưa ra thường vô cùng đơn giản, đôi khi cơ bản tới mức phi lý.
"Di chuyển", cô nói. "Chạy nhảy xung quanh sẽ giúp chúng thấy được sự tự chủ. Có đồ chơi vận động hay dây để nhảy nào quanh đây không?".
Gần đó, Emily Cherkin, đang dạy trung học ở Seattle cũng nhận thấy nhiều phụ huynh đang cảm thấy hoảng loạn với thói quen dùng thiết bị điện tử của con cái mình và họ đã đến gặp cô để xin lời khuyên. Cô sau đó đã thực hiện các cuộc khảo sát với học sinh trung học và các giáo viên trong khu vực.
"Tôi nhận ra rằng thực sự có một thị trường tiềm năng ở đây", cô nói. "Có một nhu cầu tồn tại".
Do đó, cô quyết định nghỉ dạy và mở hai doanh nghiệp nhỏ. Mục đích của cô là tạo ra một không gian làm việc chung cho người lớn gắn liền với không gian vui chơi dành cho trẻ em, với các hoạt động đơn giản gắn liền với hình khối và vẽ.
Tại Chicago, Cara Pollard, một huấn luyện viên khác nhận thấy hầu hết người lớn đã quen với việc giải trí bằng điện thoại và quên rằng chính họ đã lớn lên mà không có chúng. Nhiều khách hàng đã đến với cô vì bối rối về việc không biết phải làm gì cả buổi chiều với con cái vì đã để chúng chơi với máy tính bảng. Cô đã hướng dẫn cho khách hàng của mình làm một bài tập nhớ.
"Tôi nói với họ: ‘Hãy cố gắng nhớ những gì bạn đã làm khi còn bé’", Pollard nói. "Chuyện này rất khó và nhiều người khó chịu, nhưng họ chỉ cần nhớ lại".
Nhiều người đã trở về với những ký ức về hội họa hoặc đơn giản chỉ là ngắm trăng. "Họ nói rằng như thể đó là một phép lạ", cô Pollard nói.
Cam kết không điện thoại
Cuối thập niên 90 từng rộ lên một phong trào gọi là "cam kết trinh tiết". Trong đó những người sẽ tự hứa với bản thân sẽ chờ đợi để sau khi kết hôn mới quan hệ tình dục.
Trong thế kỷ 21 này, một nhóm các bậc cha mẹ đã cùng nhau tạo ra phiên bản cam kết mới, hứa hẹn sẽ giữ điện thoại thông minh cách xa con cái họ cho đến khi chúng học lớp tám. Phong trào đang được nhân rộng với những tên gọi khác nhau như "Chờ đến lớp 8", "Lời hứa Concord", "Turning Life On"…
Con gái của Susannah Baxley đang học lớp 5.
"Tôi đã nói với nó rằng có thể truy cập vào mạng xã hội khi nào học đại học", Baxley nói. Cô đang tổ chức một nhóm cam kết trì hoãn mua điện thoại cho trẻ em ở Norwell, Massachusetts. Đã có khoảng 50 phụ huynh đồng ý ký cam kết này.
Tuy nhiên theo Erica Reischer, một nhà tâm lý học kiêm huấn luyện viên phụ huynh ở San Francisco thì trên thực tế đó không phải là việc gì quá khó khăn. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên chú ý đến việc sử dụng điện thoại của chính bản thân họ.
Theo bà, sự bùng nổ nhu cầu tư vấn và chứng nghiện màn hình là các mặt của cùng một vấn đề. Hệ thống tư duy của các bậc phụ huynh đã bị mắc kẹt trên chính chiếc điện thoại của họ ngay từ đầu khi chỉ muốn con cái tránh xa màn hình mà không nhìn lại bản thân.
Julie Wasserstrom, một bà mẹ 43 tuổi ở Bexley, Ohio đã đến tìm cô Moskowitz để xin những lời khuyên.
"Cô ấy chỉ nói những điều như đừng nói với con bạn rằng: ‘Không được sử dụng màn hình trên bàn ăn’ trong khi vẫn cầm điện thoại cá nhân trong tay", Wasserstrom nói. "Khi chúng ta lớn lên, chúng ta không có những thứ đó. Vì vậy cha mẹ chúng ta không thể tạo ra những hành vi phù hợp. Nhưng chúng ta phải học những gì phù hợp để có thể làm gương cho con cái mình".
Wasserstrom so sánh các thiết bị điện tử với một con dao hoặc cái bếp nóng. Mọi người không thể để con cái chơi trong bếp mà không hướng dẫn trước hoặc ngay lập tức đưa cho chúng một con dao. "Bạn phải là một hình mẫu về cách sử dụng dao hay bếp an toàn" cô nói.
Hãy xem xét nuôi chó hoặc mèo
Richard Halpern, một cựu cố vấn tại trường học đã trở thành huấn luyện viên nuôi dạy con cái cho trung tâm có trụ sở tại Portland, tiểu bang Oregon. Khi nhận thấy con cái có vấn đề về màn hình và điện thoại, nhiều người sẽ tìm gọi cho ông.
"Khi tìm đến tôi, mọi người thường rơi vào tình trạng thất vọng đến mức họ chỉ muốn rút phích cắm và vứt bỏ mọi thiết bị trong tay con cái", Halpern nói và khi đó, ông sẽ nhắc mọi người kiềm chế. "Tôi đề nghị một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Không phải chỉ là một thói quen mà là cả sự thay đổi trong lối sống".
Theo ông, sự thay đổi lối sống đó thường là để cha mẹ tìm cho con cái mình một con thú cưng như chó hay mèo, khiến chúng dành thời gian cho nó.
"Tôi nói với rất nhiều phụ huynh rằng hãy nuôi một con chó", Halpern nói."Hãy đưa màn hình điện thoại tới trước mặt con vật. Nó không quan tâm. Nó vẫn sống thoải mái và không cần tới chúng. Đó là một hình mẫu tuyệt vời".
Ông nói với cả những đứa trẻ và cả người lớn rằng hãy tưởng tượng một con chó sẽ trông như thế nào khi sử dụng điện thoại thông minh. "Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đang nhìn con chó của bạn còn con chó của bạn lại đang nghe điện thoại? Điều đó sẽ không vui chút nào phải không?", ông chia sẻ.
Tham khảo NYTimes
Theo Trí thức trẻ