Ông Khuất Việt Hùng là Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Ông Hùng tâm sự, công việc khiến ông phải đi nhiều, nên không thể dành thời gian tối đa cho những người mà ông yêu quý nhất. Chính vì vậy, nếu chỉ còn một ngày để sống, ông muốn làm "những điều bình thường nhất" cho gia đình. Đọc xong bài viết lay động này, chúng ta có tự hỏi mình: Bao lâu rồi chúng ta chưa làm những điều bình thường nhất ấy?
Nếu còn 1 ngày để sống thì có lẽ tôi mong được sống trọn vẹn cho những người tôi yêu thương nhất.
Buổi sáng thức dậy lúc 5 giờ, tôi và vợ tôi sẽ đạp xe 1 vòng Hồ Tây, mong rằng ngày cuối cùng tôi sống Sen Hồ Tây đang vào mùa, chúng tôi sẽ mua 2 chục bông sen mang về. Nhất định là phải Selfie trên đường Phan Đình Phùng trước khi về đến nhà để còn cúng Phây, viết cái Caption: BẮT ĐẦU CHO NGÀY CUỐI!
Mang sen về thì chắc là vợ tôi sẽ cắm, 1 chục cắm ở nhà tôi, 1 chục nữa sẽ cắm trên nhà bố, mẹ tôi đang sống. Sau đó tôi sẽ giành phần mua đồ ăn sáng cho bố, mẹ. Thường thì việc này hiện nay anh trai tôi, chị dâu hoặc vợ tôi làm. Thỉnh thoảng ông Trung tướng về hưu 89 tuổi vẫn mua đồ ăn sáng cho vợ. Nhưng tôi nghĩ nếu là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi thì họ sẽ đồng ý cho tôi được thoả nguyện.
Bố tôi thích ăn xôi ngô, có chút hành phi, mẹ tôi thì có thể ăn bún riêu cua. Bố mẹ tôi cũng thích ăn chuối tiêu với cốm, nhưng chắc tôi cũng chỉ mời mỗi người 1 quả, vì bố tôi đang phải sống chung với căn bệnh tiểu đường, mẹ tôi thì bác sĩ cũng khuyên là giảm đường trong khẩu phần ăn.
Sau đó sẽ đến bữa sáng của gia đình tôi. Trước kia tôi thích ra ngoài ăn sáng, nhưng chắc hôm nay tôi lại ước gì được hâm nóng bát cơm nguội, làm 2 quả trứng xào ướt, cắt mấy trái dưa chuột tươi, 2 vợ chồng tôi ăn với nhau. Bọn trẻ thì để chúng ngủ muộn chút, xin phép lấy ngày cuối cùng của tôi vào Chủ nhật, 2 đứa đều thích ngủ nướng đến tận trưa.
Nếu là ngày cuối cùng, tôi xin được nấu 1 bữa ăn để mời tất cả đại gia đình của tôi, gồm 27 người, gồm: bố, mẹ tôi; thế hệ hai có 4 anh, chị em tôi và 4 dâu-rể; thế hệ ba có 13 đứa gồm 10 con và 3 dâu - rể, thế hệ bốn có 4 cháu.
Tôi rất muốn nấu cho mỗi người 1 món ăn, nhưng chắc là khó để có đủ thời gian, tôi sẽ làm 1 món cho hầu hết mọi người có thể ăn, trừ 2 cháu nhỏ, dưới 3 tuổi, đó là món bún thang. Thường khi tôi làm bún thang thì mọi người đều ăn 2 bát.
Bún thang tôi làm cũng không khác ở ngoài quán là mấy, cũng gà xé; giò, trứng thái chỉ; củ cải khô bóp chua; hành, răm; tất nhiên khi đun nước dùng thì nhất định là không được to lửa và ngoài những gia vị thường thấy như hành nướng, gừng nướng, quế chi, hoa hồi, hạt mùi, phải có tôm khô nướng bỏ vào để cho ngọt và dậy mùi.
Mà cũng phải có nồi nước sôi để chần bún, đảm bảo bát bún mang ra phải nóng, hành răm phải thật tươi, chanh, ớt cũng vậy, để sẵn trên mâm bát mắm tôm và bát mắm Cát Hải (truyền thống), ai thích gì thì ăn nhé.
Ăn xong thì cũng phải 13h30 và đương nhiên là hôm nay tôi sẽ rửa bát, vợ tôi có tham gia thì tôi cũng chỉ cho cô ấy sắp xếp bát đã rửa xong thôi.
Mọi người có thể ngồi đâu đó ăn trái cây, uống trà. Chắc là tôi sẽ bảo cậu em cùng quê đưa cho gói chè lam và phong chè kho, dù giảm ăn ngọt, nhưng hôm nay nhất định phải ăn cho bằng được.
Sau đó, nhất định là tôi sẽ kho thêm một nồi cá nục. Món cá nục đó, tôi nhất định phải cho một chút tương, đó là kiểu kho mà mẹ dạy tôi khi còn nhỏ. Nhất định phải có. Thêm lát mía, dưa chua ngấu, mấy miếng thịt ba chỉ, vài lát giềng, tiêu hạt… và đương nhiên là nước hàng thì phải tự chưng lên. Kho thật mềm xương rồi để tủ lạnh ăn cả tuần. "Cá nục là phải ăn cả xương", mẹ tôi dặn thế.
Mẹ dạy tôi kho cá nục từ khi mới 8 tuổi, kho theo cái cách của riêng bà. Đương nhiên, bố tôi cực kỳ ưng miệng khi ăn cơm nóng với khúc cá nục tôi kho, nhất định ông sẽ gắp kèm thêm lát gừng và miếng dưa cải chua thấm đẫm vị mặn nồng của biển. Thể nào cũng "thêm bố tí cơm, nửa thìa thôi!".
Thỉnh thoảng, các anh chị tôi vẫn lấy vài khúc về ăn, nếu thích. Bọn trẻ cũng ăn, nhưng với chúng, cá nục không thể so với món khoái khẩu: Cánh gà chiên mắm hoặc đùi gà rán (món này vợ tôi làm ngon hơn). Nhưng nếu là nồi cá cuối cùng, chúng nó sẽ ăn, chúng còn cả đời ăn cánh gà chiên mắm kia mà!
Thực ra tôi cũng muốn làm nhiều việc nữa, chẳng hạn là rủ cậu con trai đi tập gym lúc chiều tà, rồi cả nhà đi café sau bữa tối, lại chụp ảnh để cúng Phây. Caption ngắn thôi: CAFÉ NGÀY CUỐI.
Nhất định là tôi muốn ngày cuối của tôi kết thúc bằng một giấc ngủ thật ngon, nhưng có lẽ trước đó tôi cũng muốn dặn lại hai đứa con một câu, thế nào nhỉ… ồ, đơn giản thôi : HÃY THAY BỐ YÊU MẸ và SỐNG TRUNG THỰC!
Đương nhiên là vợ tôi sẽ ôm tôi mà ngủ suốt đêm cuối cùng, đó là độc quyền vĩnh viễn của cô ấy! Sáng ngày sau khi thức dậy, vợ tôi sẽ nhận được dòng tin tôi viết trên tường Facebook của cô ấy "TẠM BIỆT! ANH YÊU EM!".
LTS: Trong cuộc sống, chúng ta cứ lao đi vun vút nhưng đã bao giờ chậm lại để tự hỏi mình: Thứ gì mới là quý giá nhất trong cuộc đời mình? Sức khỏe, con cái, bố mẹ, anh em, bè bạn quý hơn tiền bạc, địa vị, danh vọng quý hơn? Mỗi ngày, chúng ta đã làm những gì cho những điều chúng ta cho là quý giá nhất?
Chuyên mục NẾU CHỈ CÒN 1 NGÀY ĐỂ SỐNG, với sự tham gia của những gương mặt tên tuổi sẽ góp phần giải mã những câu hỏi vừa dễ vừa khó ấy.
Theo ttvn.vn