Phản ứng "lạ" của cậu bé trước lời giải thích của ông nội về sự sống và cái chết

(lamchame.vn) - Câu chuyện đã khiến nhiều người cảm động khi nhớ về ông, bà của mình.

Theo Star Video, một cậu bé 5 tuổi có họ Lv, đến từ tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc đã bật khóc dữ dội khi lắng nghe lời giải thích về sự sống và cái chết của ông nội 90 tuổi.

Cụ thể, trong một đoạn video được đăng kèm theo câu chuyện, cậu bé và ông của mình đang ngồi cạnh nhau và nhìn nhau khi họ nói chuyện trên ghế sofa. Cậu bé đã hỏi một câu hết sức ngây thơ: "Ông sẽ ở bên khi con lớn lên chứ?".

Cha của cậu bé cho biết ông nội rất buồn với câu hỏi của cậu bé nhưng cũng cảm động trước sự ngây thơ của con trai mình. Ảnh: Baidu

Ngay lập tức, ông nội của cậu bé đáp: "Không, ông sẽ không thể ở bên con mãi mãi và con sẽ không thể gặp ông khi trưởng thành".

Ngay lập tức, khuôn mặt của cậu bé trở nên thất thần trước khi cậu bắt đầu bật khóc và lấy tay quệt hai 2 hàng nước mắt lăn dài trên má. Cuộc trò chuyện sau đó chuyển sang hướng cậu bé hỏi ông của mình về cách tốt nhất để đối phó với những người xấu.

"Làm thế nào nếu những kẻ xấu họ đến với con?", cậu bé nói.

"Ông không biết", người ông trả lời.

Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó, nhất là khi cậu bé vẫn còn buồn về câu nói của ông nội rằng sẽ không ở bên mình mãi mãi. Sau đó, cậu bé họ Lv tiếp tục hỏi ai có thể trở thành ông nội của mình khi lớn lên. Thay vì trả lời theo hướng thông thường, người ông liền đáp rằng, một ngày nào đó cậu bé cũng sẽ trở thành ông nội.

Cậu bé đã khóc khi biết rằng ông của mình sẽ mất đi khi cậu lớn lên, nhưng sau đó lại vui lên khi cặp đôi thảo luận về các chủ đề khác. Ảnh: Baidu

Cha của cậu bé chia sẻ với Star Video, sự sống và cái chết là những vấn đề không thể tránh khỏi trong cuộc sống, ai rồi cũng phải trải qua vòng tuần hoàn "sinh - lão - bệnh - tử". Người cha cảm thấy trong câu hỏi của người con có một chút ngây ngô, nhưng đồng thời cũng cho thấy tình yêu của cậu dành cho ông nội của mình.

Người cha nói: "Chúng ta không thể đi ngược lại quy luật tự nhiên mà phải chấp nhận nó".

Câu chuyện đã khiến nhiều người cảm động mà rơi nước mắt:

- Thật là một cuộc trò chuyện cảm động nhưng sự thật quá đau lòng.

- Tôi đã khóc rất nhiều khi xem clip này!

- Nhớ ông bà quá!

- Đối mặt với cái chết, học cách nói lời tạm biệt là điều bắt buộc trong cuộc đời, dù đứa trẻ có thể còn khờ khạo, nhưng tôi mong nó có thể học cách trân trọng từng giây phút bên người thân của mình.

Gần đây, những câu chuyện về cha mẹ, ông bà và con cái rất phổ biến trên mạng xã hội. Từ việc một người cha đến từ tỉnh Sơn Tây, miền trung Trung Quốc nói với cô con gái nhỏ của mình rằng việc kết hôn khi lớn lên là quyết định của con gái nhưng dù thế nào thì hãy về thăm cha thường xuyên, đến câu chuyện một bé gái 3 tuổi ở tỉnh Hồ Nam khóc sau khi chứng kiến cha mình bạc tóc và nghĩ rằng ông sắp chết... đã cho thấy mối quan hệ khăng khít về tình cảm gia đình.

Tình cảm gia đình quan trọng với trẻ nhỏ thế nào?

Gia đình là hai tiếng thiêng liêng và cao cả trong lòng của mỗi con người. Đối với trẻ nhỏ, giáo dục tình cảm gia đình cho trẻ là một nhiệm vụ rất quan trọng của các bậc phụ huynh. Các nhà khoa học cũng khẳng định khi trẻ nhỏ hết tuổi mầm non, ở mỗi đứa trẻ sẽ đặt xong nền móng đầu tiên của nhân cách, sự phát triển về mặt tình cảm cho trẻ sau này đều mang những dấu ấn của thời thơ ấu. Do đó, cha mẹ phải nuôi dưỡng tình cảm gia đình cho con ngay từ nhỏ.

Gia đình là hai tiếng thiêng liêng và cao cả trong lòng của mỗi con người

Trẻ cần hiểu được tình yêu thương gia đình là sợi dây gắn bó tình cảm máu thịt. Tình cảm của cha mẹ đối với con cái cũng như tình cảm của con cái đối với cha mẹ của mình và các thành viên trong gia đình là một bài học đạo đức đầu tiên trong suốt quá trình hình thành nhân cách của mỗi con người. Từ đó, trẻ hiểu được về tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ với các thành viên trong gia đình. Trẻ hiểu được tình yêu thương và che chở của các thành viên lớn tuổi trong gia đình là nền tảng giúp trẻ phát triển tốt về các mặt tâm sinh lý.

Sự gắn bó với cha mẹ không chỉ mang lại an toàn về thể chất mà còn cả an toàn về mặt cảm xúc. Theo một cách nào đó, nó được hiểu là sự tin tưởng vào ai đó và biết rằng người này sẽ ở ủng hộ bản thân vô điều kiện. Đó là một cách để cảm thấy được yêu thương và chấp nhận bất cứ sóng gió nào xảy ra. Đồng thời, để trẻ biết rằng trẻ sẽ luôn tìm thấy sự bảo vệ từ những người thân trong gia đình. Đây là điều kiện quan trọng để giúp trẻ tự tin khám phá thế giới, kết nối với người khác và tự do học hỏi. Quyền tự do khám phá thế giới của trẻ có liên quan chặt chẽ đến khả năng điều chỉnh căng thẳng và khả năng thích ứng với môi trường xung quanh.

Trẻ cần hiểu được tình yêu thương gia đình là sợi dây gắn bó tình cảm máu thịt

Ngoài ra, khi trẻ cảm thấy được yêu thương, bảo vệ và chăm sóc trong một gia đình hạnh phúc sẽ giúp chúng phát triển mối quan hệ lành mạnh với những người xung quanh. Tương tự như vậy, những đứa trẻ được nuôi dưỡng theo kiểu này sẽ tự tin và có lòng tự trọng hơn, vì vậy chúng cảm thấy an toàn hơn trong những tương tác xã hội. Kiểu tự tin này là một đặc điểm khác biệt kéo dài suốt hành trình trưởng thành của mỗi người.

Trẻ biết vâng lời người lớn, biết ghi nhớ lời dạy cũng như sự quan tâm, chăm sóc và chỉ bảo của ông bà, cha mẹ. Trẻ hiểu được công lao nuôi dưỡng, sinh thành và cả sự hy sinh, vất vả sớm hôm của người mẹ và công dưỡng dục từ cha. Từ đó trẻ biết được vị trí của bản thân trong gia đình là gì để cư xử cho đúng mực. Đặc biệt hơn hết là trẻ cần phải kính trọng và quan tâm đặc biệt tới người già yếu, biết yêu thương, nhường nhịn, chăm sóc các em nhỏ.

Nguồn: SCMP, BrightSide

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU