Phát hiện kinh ngạc về nguồn gốc các ca lây nhiễm ở New York: Đa số không tới từ châu Á, mà từ 1 ổ dịch khác

Các nhà khoa học cho biết virus corona phát hiện trong các ca lây nhiễm đầu tiên ở New York ít liên quan tới virus trong những ca được phát hiện khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Nguồn gốc của virus

Theo New York Times, các nghiên cứu mới cho thấy virus corona đã bắt đầu lây lan ở New York từ giữa tháng 2, vài tuần trước khi Mỹ xác nhận những trường hợp dương tính đầu tiên. Cũng theo nghiên cứu này, phần lớn virus corona tại Mỹ do những hành khách từ châu Âu đem tới, chứ không phải từ châu Á.

"Đa số rõ ràng có nguồn gốc từ châu Âu," Harm van Bakel - một nhà khoa học về gen tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, đồng tác giả nghiên cứu - cho biết.

Một nhóm nhà khoa học độc lập khác tại Trường Dược Grossman thuộc Đại học New York (NYU) cũng đưa ra kết luận tương tự mặc dù không nghiên cứu trên cùng một số lượng bệnh nhân nhất định. Cả hai nhóm nhà khoa học nói trên đã phân tích gen từ những người bệnh ở New York, bắt đầu từ giữa tháng 3.

Ngày 31/1, tổng thống Mỹ Donald Trump đã cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ nếu họ từng tới Trung Quốc trong 2 tuần trước đó.

Tới cuối tháng 2, Italy mới bắt đầu phong tỏa các thành phố và thị trấn. Ngày 11/3, ông Trump mới tuyên bố sẽ cấm hành khách tới từ các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, tới thời điểm này, rất nhiều người New York đã mang virus trở về nhà.

Tiến sĩ Adriana Heguy và tiến sĩ Van Bakel là những nhà "sử học" virus. Họ nghiên cứu dấu vết cấu trúc của virus thu thập từ hàng nghìn bệnh nhân để tìm ra nguồn gốc của dịch bệnh.

Ảnh minh họa: Victor J. Blue

Theo đó, virus xâm nhập vào tế bào và chiếm lấy cấu trúc phân tử, tạo ra những virus với đột biến mới không có ở đời trước. Nếu virus mới có thể thoát khỏi vật chủ và lây lan sang người khác, "hậu duệ" của chúng sẽ thừa hưởng các đột biến này.

Việc truy dấu vết đột biến ở virus đòi hỏi quá trình giải mã toàn bộ cấu trúc gen ở virus. Sau khi thu thập được bộ gen từ một số lượng lớn mẫu virus, các nhà khoa học có thể so sánh chúng. Tiến sĩ Maciej Boni tại Đại học Penn State và đồng nghiệp đã sử dụng phương pháp này để tìm hiểu liệu virus corona chủng mới có xuất phát ban đầu từ đâu.

Ý nghĩa của vaccine

Bằng những phương pháp phức tạp, các nhà khoa học cho biết SARS-CoV-2 có xuất phát từ dơi móng ngựa, một loài động vật khá phổ biến ở Trung Quốc. Trong quá trình đột biến, virus đã có sự biến đổi đặc biệt khiến chúng có thể phá vỡ rào cản miễn dịch giữa các sinh vật và lây lan mạnh ở người.

"Đôi khi, một trong số những con virus 'gặp may' và có sự đột biến không ngờ," ông Boni nói.

Theo nghiên cứu ban đầu, virus corona phát hiện trên người bệnh nhân tại Washington có những đặc điểm giống với virus phát hiện được tại Vũ Hán. Điều đó cho thấy người bệnh đã mang virus này từ Trung Quốc tới Washington.

Áp dụng phương pháp này, các nhà khoa học đã thu thập các mẫu virus từ bệnh nhân ở New York.

Tiến sĩ Heguy và đồng nghiệp đã phát hiện những virus ở New York có đột biến chung mà không thể tìm thấy ở nơi khác. "Điều đó chứng tỏ dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong một thời gian," bà nói.

Các nhà nghiên cứu khác ở Mount Sinai cũng bắt đầu giải mã bộ gen virus của các bệnh nhân tới bệnh viện. Họ phát hiện rằng những trường hợp đầu tiên được phát hiện ở New York không liên quan tới các ca bệnh sau này.

"Hai tuần sau, chúng tôi bắt đầu thấy một số loại virus có liên quan tới nhau," Ana Silvia Gonzalez-Reiche, một thành viên của đội Mount Sinai, cho biết.

Tiến sĩ Gonzalez-Reiche và đồng nghiệp cho biết những virus ở New York "về mặt cơ bản" giống virus được tìm thấy ở châu Âu.

Dù không thể biết virus xuất hiện trên chuyến bay nào tới New York, nhưng qua đó có thể thấy rằng "đã có một giai đoạn lây nhiễm toàn cầu không thể theo dõi từ cuối tháng 1 tới giữa tháng 2".

Sự đột biến ở virus có thể giúp các nhà khoa học tìm ra nguồn gốc của chúng. Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa rằng virus sẽ trở nên nguy hiểm hơn hay thay đổi cách thức chúng hoạt động.

Đây là tin tốt đối với các nhà khoa học đang nghiên cứu vaccine cho SARS-CoV-2. Những nhà phát triển hi vọng sẽ đánh bại COVID-19 bằng cách giúp cơ thể tạo ra kháng thể có thể bám vào virus và ngăn chúng xâm nhập các tế bào.

Một số loại virus tiến hóa nhanh đến mức phải có vaccine sản sinh ra nhiều loại kháng thể khác nhau. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 có tốc độ đột biến chậm so với các loại virus khác, ví dụ như virus cúm.

Vaccine sẽ phải theo kịp với tốc độ biến đổi của virus. Đó là lí do vì sao các nhà khoa học cần phải theo dõi lịch sử lây nhiễm của chúng.

Link gốc: http://ictvietnam.vn/phat-hien-kinh-ngac-ve-nguon-goc-cac-ca-lay-nhiem-o-new-york-da-so-khong-toi-tu-chau-a-ma-tu-1-o-dich-khac-8202094124014808.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU