Thực tế thì việc phát tờ rơi không chỉ ở các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông mà còn diễn ra ở trường học, khu công nghiệp, siêu thị… miễn là nơi nào tập trung đông người thì sẽ xuất hiện người phát tờ rơi quảng cáo.
Người nhận thì thông thường chỉ lướt qua các thông tin trên tờ rơi, nếu không có nhu cầu sẽ vứt ngay xuống đường, gây ô nhiễm môi trường. Gió thổi bay tứ tung và đôi khi rất nguy hiểm cho người đi đường. Lưu lượng qua lại của xe càng đông dẫn đến tần suất giấy thải ra càng nhiều. Các anh chị em làm nhiệm vụ vệ sinh môi trường đâu có thường xuyên túc trực hoài ở đó nên rác được dịp “phiêu lưu” khắp nơi. Muốn nhặt cho bằng hết quả là chuyện không dễ!
Đã đến lúc cần xử lý nghiêm hành vi phát tờ rơi
Phát tờ rơi có bị xử phạt không?
Theo quy định tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Mặc dù, quy định xử phạt đầy đủ, rõ ràng, nhưng trên thực tế, việc xử phạt đối với các hành vi này rất hạn chế do chủ thể có thẩm quyền phạt thì khó có thể túc trực thường xuyên trên các tuyến đường nên hành vi vẫn liên tục tiếp diễn. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quảng cáo còn hạn chế.
Tình trạng phát tờ rơi quảng cáo sai quy định ở những nơi công cộng, nhất là ở nút giao thông trọng điểm, không chỉ vi phạm luật giao thông đường bộ, cản trở và có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào, đồng thời, còn làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, phản cảm và gây phiền toái cho người dân. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm đối với hành vi này theo quy định của pháp luật, xử phạt nghiêm đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi.
Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp