Trước đó, tối 4/8, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng đã khiến nhiều người không khỏi nghẹn lòng. Hình ảnh ghi lại một số bác sĩ đã làm việc tới kiệt sức và phải nằm nghỉ, truyền nước; trong khi đó, một số bác sĩ khác lại được đồng nghiệp cho uống nước, đổ nước ướt đẫm người sau những giờ làm việc căng thẳng khiến ai cũng rưng rưng nước mắt.
Nhìn những hình ảnh của các bác sĩ, không ít người bày tỏ sự xúc động và biết ơn những nỗ lực của các bác sĩ tại Đà Nẵng nói riêng và ngành y cả nước nói chung. Đồng thời, cư dân mạng cũng đã gửi những lời chúc sức khỏe và may mắn, lời cảm ơn tới các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu Đà Nẵng.
Sau nhiều ngày chống dịch căng thẳng, nhân viên 115 Đà Nẵng kiệt sức.
Ngày 5/8, trao đổi với PV, bác sỹ Phạm Thị Ánh Hồng - Phó Giám đốc 115 Đà Nẵng, xác nhận đó là hình ảnh của các nhân viên cấp cứu 115 Đà Nẵng.
Theo đó, chiều 4/8, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng nhận nhiệm vụ chở các ca mắc Covid-19 nặng, phải thở máy, từ Bệnh viện Đà Nẵng tới Bệnh viện dã chiến Hoà Vang.
Đây là nỗ lực của thành phố với quyết tâm chuyển bệnh nhân Covid-19 ra khỏi Bệnh viện Đà Nẵng, tiến tới khử khuẩn toàn bộ để dỡ lệnh phong toả, đưa bệnh viện này trở lại hoạt động khám chữa bệnh bình thường.
Do làm việc liên tục trong nhiều giờ để di chuyển người bệnh bằng xe chuyên dụng, cộng với việc phải mặc đồ bảo hộ che kín toàn thân để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, khiến một số nhân viên 115 bị kiệt sức.
Hình ảnh nhân viên y tế 115 Đà Nẵng ngất lịm vì kiệt sức khiến cư dân mạng "xót xa".
"Bộ đồ này kín mít, không thoát khí nên khi anh em làm việc nhiều giờ, về cởi đồ thì bị sốc nhiệt và mất nước. Quần áo vải phía trong đã ướt sũng", bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, giải thích.
Được biết, hiện Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đang có 20 nhân viên phục vụ việc vận chuyển hàng chục bệnh nhân hoặc các ca nghi nhiễm đi cách ly mỗi ngày. Nhiều chuyến xe chở bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 điều trị mất 5-6 tiếng đồng hồ cho quãng đường hơn 240 km và các công đoạn chuẩn bị đưa bệnh nhân lên, xuống xe.
Việc mặc đồ bảo hộ kín người được cho là cách duy nhất có thể đảm bảo an toàn cho nhân viên 115. "Anh em chúng tôi chấp nhận mang đồ bảo hộ này vì biết các bệnh nhân phải thở máy có nguy cơ lây nhiễm rất cao", bác sỹ Hồng, chia sẻ.
Những ngày này, các nhân viên 115 phải thường xuyên di chuyển bệnh nhân trong trang phục bảo hộ kín mít, khiến họ dễ bị sốc nhiệt và mất nước.
Phó Giám đốc 115 Đà Nẵng cho biết, suốt hơn 10 ngày qua, nhiều nhân viên của 115 chỉ được ngủ vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, vì liên tiếp có ca bệnh phải vận chuyển. Dù đuối sức và nhớ gia đình nhưng không nhân viên nào muốn rời khu cách ly.
"Ngày thứ 10 'chiến đấu' giữa tâm dịch là những ngày mà anh em chúng tôi nhớ nhà, nhớ con, nhớ gia đình, nhưng không một ai giơ tay khi tôi hỏi có bạn nào muốn nghỉ hay muốn về không. Tất cả các nhân viên 115 đều đều quyết tâm ở lại để chiến đấu đến cùng!", bác sỹ Hồng, nói.
Mặc dù có lúc kiệt sức vì chuyển nhiều ca bệnh, nhưng các nhân viên 115 Đà Nẵng vẫn quyết "không ngã quỵ".
Cũng theo bác sỹ Hồng, do có kinh nghiệm trong việc cấp cứu những trường hợp này nên đa phần các nhân viên bị đuối sức được phục hồi rất nhanh. Ngoài ra, trung tâm có khoảng 60 nhân viên thường xuyên được đổi ca để đảm bảo thời gian hồi sức cho mọi người.
Chính vì vậy, mặc dù hình ảnh các nhân viên 115 trông như đã kiệt sức, nhưng bà Hồng khẳng định: “Mặc dù đã có lúc đuối sức, nhưng trận chiến còn dài, chúng tôi quyết không ngã quỵ. Hãy tin tưởng chúng tôi!".
Chiều 5/8, Bộ Y tế ghi nhận thêm 41 ca nhiễm, trong đó 34 ca tại Đà Nẵng. Từ 25/7 đến 18 giờ ngày 5/8, tại Đà Nẵng ghi nhận 192 ca mắc Covid-19.
Link gốc: http://toquoc.vn/pho-giam-doc-115-da-nang-noi-ve-hinh-anh-bac-si-lam-viec-den-kiet-suc-tran-chien-con-dai-chung-toi-quyet-khong-nga-quy-220205822321878.htm
Theo ttvn.vn