Phụ huynh hào hứng chia sẻ về hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024”: Mình không ngờ bản thân học hỏi được nhiều đến thế…

(lamchame.vn) - Nhiều phụ huynh đến tham dự hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 với tâm thế muốn tìm hiểu bản thân đã dạy con và thấu hiểu con đúng cách chưa.

Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình được lớn khôn với niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày. Họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc để con được sống vui vẻ và làm điều mình yêu thích, và qua đó phát huy tối đa tiềm năng riêng mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, làm sao để xây dựng môi trường học tập hạnh phúc cho trẻ vẫn luôn là nỗi trăn trở của phụ huynh.

Với biết bao băn khoăn và thắc mắc này, nhiều phụ huynh đã dành thời gian để tham dự Hạnh phúc trong giáo dục 2024 - hội thảo được đồng tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI), với sự đồng hành của TH School và Tập đoàn TH. Hội thảo quy tụ các chuyên gia giáo dục hàng đầu cả trong và ngoài nước, đem đến nhiều góc nhìn, kiến thức bổ ích về phương thức nuôi dưỡng hạnh phúc và sự an lành cho học sinh.

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục diễn ra trong 2 ngày 23/11 và 24/11 với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới.

Xuyên suốt phiên hội thảo dành cho phụ huynh, các bậc cha mẹ được dịp lắng nghe từ các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới về phương thức xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, được hiểu thêm về kỹ thuật nuôi dạy trẻ, cách giao tiếp phù hợp để khuyến khích và kích thích sự tò mò, sáng tạo và niềm vui trong học tập cũng như các chiến lược giúp phát triển tâm - thể - trí của con trẻ.

Sau hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024, nhiều phụ huynh rời khỏi hội trường với tâm trạng hào hứng, cho biết họ đã tiếp nhận được nhiều kiến thức bổ ích để xây dựng phương pháp dạy con phù hợp hơn.

Mình nhận ra cách nói với con trẻ của người lớn phần lớn là "ra lệnh"…

Chị Nhâm Thị Quỳnh (28 tuổi), là phụ huynh của một bé gái 5 tuổi và một em bé sắp chào đời. Chị Quỳnh cho hay, là mẹ của hai bé, chị đã sớm đăng ký dự hội thảo để có thể đánh giá xem trong quá trình nuôi dạy con, bản thân đã thực sự hiểu bé hay chưa.

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục bao gồm các buổi workshop theo từng chủ đề nhỏ.

Và sau khi lắng nghe chia sẻ từ chuyên gia, chị đã có câu trả lời cho mình. Chị Quỳnh chia sẻ: "Mình tự cảm thấy là trong lúc nuôi con, nhiều lúc mình tạo áp lực cho bé. Đơn cử như trong giai đoạn, bạn nhà đang học tiền tiểu học, bắt đầu phải học về chữ và số. Nhiều khi mình dạy con học bài mà con không hiểu, mình rất hay cáu, hay quát con. Giờ mình đã hiểu cách dạy như vậy sẽ tạo áp lực cho con. Thực tế, là khi bạn không viết được và sau khi bị mẹ nói, bạn đã buồn và khóc rất nhiều. Mình nhận ra phương pháp dạy con của mình đã sai. Nó thậm chỉ ảnh hưởng đến cả tâm lý của mình và con".

Thông qua việc thấu hiểu cách dạy con hiện tại của bản thân, chị Quỳnh muốn tìm phương pháp nuôi dạy phù hợp để cả mẹ và con được hạnh phúc. Chị hào hứng chia sẻ, dựa trên những chia sẻ của chuyên gia trong hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục, chị đã tìm được phương pháp cho mình, đó là "tạo ra bầu không khí vui vẻ" trong gia đình - nơi mà cả con và mẹ đều cùng được phát triển, nhưng vẫn được giữ được trạng thái thoải mái và không ai chịu tổn thương.

Chị Quỳnh cho hay: "Để tạo bầu không khí vui vẻ thì khi làm bất kỳ công việc gì với con, mình cũng phải đặt địa vị của mình vào con. Khi mình làm như thế, mình sẽ tự điều tiết được cảm xúc. Bố mẹ vui vẻ thì con cũng sẽ vui vẻ.

Như lời chuyên gia Yvette Jeffrey nói, khi muốn con vui vẻ thì trước tiên bản thân phải là một người vui vẻ. Chẳng hạn khi đi làm về, mình nên chào đón con bằng những nụ cười, thì lâu dài con mới sống hạnh phúc được. Mình không nên mang những chuyện ngoài xã hội về rồi trút hết lên đầu con. Như thế thật không đúng và cũng không bằng với con mình".

Cũng có mặt trong buổi hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 vào ngày 23/11, Hoàng Thị Hường (30 tuổi) - một phụ huynh của bé gái gần 4 tuổi, cho biết chị cũng đã có cơ hội nhìn lại những thiếu sót trong hành trình đồng hành cùng con. Chị nhận ra đã có nhiều thời điểm, chị giao tiếp với con nhưng lại theo hướng ra lệnh, từ đó tước đi nhiều cơ hội tốt trong quá trình phát triển của trẻ.

PGS. TS. Ngô Tuyết Mai chia sẻ về với các phụ huynh và giáo viên phương pháp để con được hạnh phúc khi tới trường

"Khi đi dự hội thảo, mình ấn tượng khi giáo sư nói cha mẹ không được ra lệnh cho con, bắt con làm cái này cái kia. Bởi vì ở nhà, mình cũng thường mắc lỗi như thế. Ví dụ mình muốn nhờ con mang bếp ra cho mẹ, mình sẽ nói theo hướng hơi ra lệnh. Tuy nhiên, mình nên nói thân thiện với con hơn, chẳng hạn bảo bé: ‘Con ơi, con mang bếp đến đây cho mẹ nào’. Cũng theo chuyên gia, nếu mình bỏ được cách nói chuyện như ra lệnh cho con thì tình cảm của hai mẹ con sẽ càng gắn bó, con cũng không sợ mình nữa", chị Hường đúc rút được bài học dạy con mà chị tâm đắc sau khi dự hội thảo.

"Mình sẽ thay đổi"

Sau khi tham dự hội thảo, nhiều phụ huynh cho biết sẽ cố gắng không tạo áp lực cho con, tất cả đều phải nhìn vào con, nương theo mong muốn hợp lý và tôn trọng con. Đồng thời họ hiểu rằng để tạo môi trường giáo dục hạnh phúc thì cần xuất phát từ sự thấu hiểu và lắng nghe ý kiến của con, có như thế, con mới trở thành những cá nhân tự tin khi được là chính mình, được tôn trọng và trở thành phiên bản tốt nhất.

Bước ra khỏi hội trường của hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 chị Quỳnh khẳng định bản thân chắc chắn sẽ thay đổi phương pháp giáo dục con hiện tại. Chị cho hay: "Mình sẽ tạo ít áp lực, dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện và chia sẻ cùng con. Nếu vẫn giữ cách dạy con hiện tại thì bạn có thể bị áp lực tâm lý và sẽ không còn happy nữa, giống như các cô chuyên gia có chia sẻ với mình".

Các chuyên gia giáo dục, giáo viên và phụ huynh tại workshop

Đồng quan điểm, chị Trần Ngọc Linh (44 tuổi) cũng cho biết chị sẽ lắng nghe thật nhiều tâm tư tình cảm của con. Vì chị hiểu khi trẻ gặp tổn thương tâm lý mà không biết chia sẻ hay giải tỏa cùng ai thì có thể dẫn đến những sai phạm đáng tiếc với cả con và bố mẹ.

"Nhờ cuộc hội thảo, mình càng hiểu được tầm quan trọng của xây dựng môi trường hạnh phúc trong giáo dục con. Đơn cử như khi diễn giả nói về việc bố mẹ phải hạnh phúc trước để con cái nhìn theo, mình thấy thật là đúng. Vì nếu bố mẹ hay cãi cọ nhau thì con sẽ khó được thoải mái và hạnh phúc trong gia đình mình. Khi đó, con có thể nói với cha mẹ rằng: ‘Mẹ chưa được hạnh phúc nên con cảm thấy không an tâm’.

Ngoài ra, sau buổi hội thảo, mình sẽ tạo điều kiện cho con phát huy tính sáng tạo. Nếu con muốn làm gì, mình sẽ cho con thử trước. Nếu con có vấp ngã, có sai lầm thì mình sẽ không chỉ trích mà chỉ khích lệ để mình cùng con làm lại từ đầu", chị Ngọc Linh bày tỏ.

Có thể thấy, hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 đã hoàn thành đúng sứ mệnh như cái tên của mình. Đó là cung cấp thông tin và kiến thức bổ ích để cà gia đình, nhà trường, các nhà quản lý giáo dục cùng thảo luận, lắn nghe, đưa ra các giải pháp để kiến tạo nên môi trường học tập yêu thương và an lành cho các thế hệ tương lai. Hội thảo cũng góp phần xây dựng nên một nền giáo dục bền vững và nhân văn, nơi học sinh không chỉ học giỏi mà còn được hun đúc các phẩm chất, thông minh về cảm xúc, vững vàng, tự tin, được trao cơ hội trở thành phiên bản tốt nhất, để hạnh phúc từng ngày.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU