Sau gần 3 tháng nghỉ học vì dịch Covid-19, hàng triệu học sinh trên cả nước đã chính thức quay trở lại trường học. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch như khử khuẩn, yêu cầu đeo khẩu trang 100%, giãn cách lớp học,...
Những ngày học sinh đi học lại, trời đã vào hè và thời tiết khá nóng bức. Tại Hà Nội, nền nhiệt độ phổ biến từ 36-38 độ C. Tuy nhiên, nhiều trường thực hiện chủ trương không bật điều hòa mà chỉ sử dụng quạt trong các lớp học.
Chỉ trong 2 ngày đầu đi học lại, vấn đề bật hay không bật điều hòa đã gây luồng tranh cãi lớn trong dư luận. Không ít phụ huynh phản đối gay gắt việc tắt điều hòa vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.
Chị Huyền Trang (Hà Nội) có con nhỏ đang học ở Hà Nội chia sẻ: "Chúng ta chống dịch, chúng ta e ngại virus và bảo vệ sức khỏe trẻ em là cần thiết, nhưng không nên quá cực đoan. Theo tôi tìm hiểu, các chuyên gia khuyến cáo việc không nên sử dụng điều hòa như một cách phòng chống Covid-19 là áp dụng với hệ thống điều hòa tổng. Tức là nếu một người nhiễm virus, điều hòa tổng có thể đem virus đến phòng khác, tạo nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Tuy nhiên với điều hòa nội bộ thì phòng học cũng không khác so với điều hòa gia đình. Trong thời tiết nóng bức, nền nhiệt cao thế này, nếu trường học có thể đảm bảo thông thoáng, mở các cửa sổ, thoáng khí, lưu thông tốt và quạt đủ mát là tốt nhất, không nên lạm dụng điều hòa. Nhưng trong trường hợp trường học, lớp học không có khoảng xanh, quạt không đủ mát, trẻ bị đổ mồ hôi, khó chịu thì việc không mở điều hòa có lẽ sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu".
Chị Huyền Trang lo sợ việc học tập trong môi trường nóng bức, mồ hôi nhễ nhại có thể gây tâm lý không thoải mái khiến học sinh khó tiếp thu bài vở. "Có lẽ các trường nên cân nhắc và tham khảo ý kiến chuẩn của các chuyên gia để linh hoạt hơn trong việc mở điều hòa. Vì quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe của học sinh. Chúng ta không chỉ phòng chống Covid-19 mà còn cần phòng chống các bệnh mùa hè và đảm bảo tâm lý cho các con khi trở lại trường vào thời điểm nắng nóng này", chị Trang bày tỏ.
Có con nhỏ hiện đang học mẫu giáo và sắp đi học lại vào ngày 11/5 tới, chị Lý Thị Kiều (Hà Nội) cũng không đồng tình với việc tắt điều hòa. Chị cho biết, trường con chị hiện chưa gửi thông báo nào về việc sử dụng điều hòa đến học sinh. Tuy nhiên nếu nhà trường quyết định không mở điều hòa thì chị sẽ kiên quyết phản đối:
“Mình thấy nên bật điều hòa vì thời tiết hiện rất nóng. Đến người lớn như mình còn không chịu nổi thì các con làm sao chịu được? Một khi trường cảm thấy chưa được an toàn thì không nên cho các con đi học còn khi đã thấy an toàn rồi thì nên bật điều hòa, không cần thiết phải đeo kính che chắn, khẩu trang kín bưng. Nó không chỉ bức bối khó chịu mà thậm chí còn gây hại cho sức khỏe của các con.
Thời tiết nóng bức này, một lớp học lại mấy chục em mà không bật điều hòa thì rất ngột ngạt, bí bách. Có khi Covid chưa phòng được mà các con lại bị lây sang bệnh khác", chị Kiều chia sẻ.
Bên cạnh những ý kiến phản đối thì cũng có nhiều ý kiến đồng tình, cho rằng việc tắt điều hòa là nên bởi sự an toàn của học sinh, của cộng đồng là trên hết. Chị Hồng, có con đang học lớp 6 ở Hà Nội là một trong những phụ huynh có quan điểm này.
"Mình không quan trọng việc có bật điều hòa hay không mà chỉ thấy chút khó khăn, bất tiện này không đáng gì cả, nhất là trong thời điểm cả nước phải chung tay chống dịch. Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi, thoải mái, sẽ có lúc rất khó khăn. Nhưng vì lợi ích của bản thân và cả cộng đồng thì nên cố gắng vượt qua.
Trẻ nhỏ thực ra có khả năng thích nghi khá tốt. Chẳng hạn như con mình, ngày đầu đi học về cũng kêu than nóng bức nhưng hôm sau quen rồi lại thôi. Có khi trẻ nhỏ cũng không quá quan tâm đến những bất tiện nhỏ này nhưng phụ huynh sốt ruột quá nên các con cũng cuống theo".
Nói về việc trời nóng nực dễ khiến học sinh ốm, chị Hồng phản đối: "Học sinh ở các tỉnh lẻ, thị trấn thì lớp học làm gì có điều hòa. Nói chung còn tùy thuộc vào cách chăm sóc của gia đình nữa. Ví dụ nhà nào hay bật điều hòa thì con nhỏ ra ngoài dễ bị sốc nhiệt, không quen với môi trường, nhiệt độ ngoài trời. Còn những đứa trẻ quen tiếp xúc với nhiệt độ môi trường tự nhiên thì không dễ ốm khi trời nóng đâu.
Ngay cả ở trung tâm Hà Nội, những ngày học bình thường không phải mùa dịch, đâu phải trường nào cũng có điều hòa. Trước đây con mình học trường công, phụ huynh trong lớp không đồng ý đóng tiền mua điều hòa nên 3 năm lớp 1-2-3 không hề có điều hòa. Lớp mấy chục người nhưng cũng không thấy các con kêu than gì cả".
Không bắt buộc cực đoan việc cấm bật điều hòa
Sáng 6/5, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch trong diễn biến mới, trong đó có những biện pháp nới lỏng.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 nhấn mạnh: “Chúng ta bây giờ phải học tập, sản xuất, sinh hoạt… an toàn với điều kiện bắt buộc. Chúng ta nên bỏ các biện pháp không cần thiết, không khoa học và thậm chí là cực đoan, như bắt học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mũ nhựa chống giọt bắn.
Trong trường học, học sinh trong lớp không bắt buộc phải đeo khẩu trang nữa. Nhưng khuyến nghị các em thường xuyên rửa tay, giờ ra chơi phải đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc đông với các bạn lớp khác. Không bắt buộc cực đoan việc cấm bật điều hòa, bởi thực tế chỉ cấm bật các hệ thống điều hòa tổng.
Trong trường hợp có một người mang virus, hệ thống điều hòa có thể mang sang các phòng khác. Chúng ta khuyến nghị các lớp học, các công sở nên định kỳ mở cửa cho thoáng để không khí có đối lưu với bên ngoài. Như vậy, các con các cháu khi đến trường vẫn đảm bảo an toàn, khỏe mạnh và bớt áp lực tâm lý khi đến trường”.
Theo ICTVietNam