Phụ nữ làm gì khi “sống không nổi, bỏ cũng không xong”?

Theo các chuyên gia, khi các bà vợ rơi vào cảnh “sống không nổi, bỏ cũng không xong” thì cách tốt nhất là dũng cảm chọn cách sống mà mình thấy đáng sống. Sự cam chịu hay nhẫn nhục chịu đựng lúc này sẽ trở thành một sự thỏa hiệp với hành vi bạo lực của chồng.

Bạo lực là “ung nhọt”, có thể vỡ bất cứ lúc nào

Để đề cập đến chủ đề này, chúng tôi xin lấy ngay vụ việc chồng chém vợ xảy ra mới đây ở Phú Thọ để bạn đọc dễ hình dung. Khi nói đến nguyên nhân dẫn đến hành vi người chồng chém vợ vừa xảy ra ở Phú Thọ, người ta nói đến lý do người vợ xin phép chồng đi thăm người ốm.

Nhưng khi nhìn vào bản chất vấn đề, TS Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc chém giết đó xuất phát từ trong lối sống, lối suy nghĩ áp đặt gia trưởng của người chồng.

Sự áp đặt bắt vợ sống theo ý mình là căn nguyên của mọi căn nguyên dẫn đến mọi mâu thuẫn và dẫn đến tình trạng bạo lực. Nó như cái “ung nhọt” đến một ngày sẽ vỡ ra. Một người đàn ông luôn o ép vợ của anh ta phải làm theo ý họ thì sớm muộn gì cái ung cũng sẽ vỡ, sẽ xảy ra bi kịch tương tàn.

Không ít bà vợ khi phải sống trong cảnh sống “bị o ép” bởi bạo lực đó, họ rất muốn ly hôn để giải phóng bản thân khỏi sự khổ đau. Nhưng vì bị chồng dọa sẽ giết chết, “sẽ chém chết cả nhà” mà họ sợ hãi không dám ly hôn chồng.

“Nhưng như vụ chồng chém vợ ở trên thì ngay cả khi không ly hôn và “cắn răng chịu đựng” sống chung thì họ vẫn bị chồng chém như thường. Tuy nhiên người vợ đã thoát hiểm, âu cũng là bởi sự may mắn của số phận”, TS Nguyễn Thị Kim Quý nói.

Theo các chuyên gia, khi chị em rơi vào cảnh “sống không nổi, bỏ cũng không xong” như trường hợp của người vợ ở trên thì cách tốt nhất là nên khôn ngoan chọn cho mình một cách sống làm sao cho đáng sống.

Khi chọn cách sống chung thì chị em phải xác định mình phải tu sửa chính thân tâm mình, thay vì sửa chồng thì tự mình sửa mình. Sửa ở đây là sửa tâm làm sao khi người ta chửi mình, người ta xúc phạm mình, khi gặp điều trái ý mình… mình vẫn không giận người ta, không trách người ta, vẫn thương người ta.

Đó là sửa tâm phàm phu tham lam sân hận si mê thành từ bi, hỉ xả. Nếu sửa được theo cách đó hoặc muốn sửa theo cách đó thì việc sống chung với một người chồng luôn làm khổ mình sẽ là “điều kiện thuận lợi” để mình tu sửa từ tâm phàm phu thành tâm thánh nhân.

Còn nếu lượng sức mình không thể sửa mình được, tức là người ta chửi thì mình giận, người ta tệ thì mình buồn, người ta tiêu cực thì mình cũng tiêu cực theo. Nếu trong trường hợp đó, tốt nhất hãy dũng cảm chọn lấy cuộc sống nào đáng sống nhất cho mình. Dũng cảm ở đây chính là “không sợ hãi”.

Những lời khuyên cần thiết cho các bà vợ

Trên một diễn đàn mạng xã hội, khi khuyên một người vợ đang chịu đựng cảnh bạo lực từ chồng mà không dám ly hôn do sợ chồng giết, người bạn này đã viết: “Em thấy chị cứ nên mạnh dạn ly hôn, đừng sợ chuyện chồng chị dọa. Bởi càng sợ người ta càng có cớ làm càn.

Chị sợ chồng chị tiểu nhân làm chị mất thể diện, em nói thật, đúng là chúng ta sống còn cần có thể diện lắm, nhưng trong cái hoàn cảnh sống chả khác gì địa ngục, bị chính cái người đầu gối tay ấp, từng hẹn biển thề non với mình chửi mắng, đánh đập không khác gì cư xử với con vật thì thể diện lúc ấy cần làm gì?

Con chị cần có bố, đúng rồi, nhưng chị lựa chọn đi, cho nó sống một cuộc sống thiếu cha nhưng bình yên hay là để nó có người bố không ra gì, rồi nó lớn lên và dằn vặt ám ảnh theo nó suốt đời? Chị sợ bố mẹ chị đau lòng khi biết chị như thế, đúng rồi, nhưng chị có nghĩ là bố mẹ chị còn đau xót hơn gấp nghìn lần khi biết chị đã bị đối xử như thế?

Chị sợ ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ xã hội này kia, sợ chồng chị làm ra điều gì khiến mọi người hiểu lầm chị, cái này ai cũng sợ, nhưng chúng ta còn sống mấy mươi năm nữa, người ta có hiểu lầm thì cũng chỉ là trong một giai đoạn thôi, cứ sống tốt với đời rồi người ta cũng sẽ nhìn nhận lại...”.

Một ý kiến đáng chú ý khác cho rằng, khi thực hiện việc đơn phương ly hôn, người vợ cần có sự quyết tâm cao. Sau khi đã có quyết tâm ly hôn chồng trong hoàn cảnh “chồng dọa giết” thì cần phải hành động theo nguyên tắc hết sức "Mềm mại - nhẹ nhàng và khôn khéo" tránh gây kích động người chồng...

Bởi người vợ cần phải xác định đối đầu với người chồng lúc này không khác gì đối đầu với kẻ tâm thần. Do vậy, thận trọng không bao giờ thừa. Bởi đối đầu sẽ càng kích động bạo lực, không có lợi cho người vợ, con trẻ và người thân của họ.

Quá trình giải quyết ly hôn trong những trường hợp người chồng dọa giết cũng sẽ gặp nhiều phức tạp từ phía tòa án, từ việc phân chia tài sản và con cái… Hầu hết những người chồng này nắm được tâm lý “không thể xa con”, “sợ con khổ” của các bà vợ nên họ thường tìm cách giành phần nuôi con để níu kéo, để trì hoãn việc ly hôn.

Do vậy, để tránh bị rơi vào tình thế khó xử và trở nên lưỡng lự trong quá trình giải quyết ly hôn, người vợ nên âm thầm khéo léo thu thập các chứng cứ về sự bạo lực, vô đạo đức, vô trách nhiệm với con cái, bạo lực với con cái…

Những chứng cứ này sẽ cung cấp cho tòa án khi cần thiết để minh chứng cuộc sống thiếu hạnh phúc và chấm dứt việc giành quyền trực tiếp bảo hộ chăm sóc con của người chồng, nếu người vợ muốn là người trực tiếp chăm sóc nuôi dạy con trẻ.

Trong quá trình ly hôn và cả hậu ly hôn, người vợ nếu không thuê được “vệ sĩ” bảo vệ mình và con thì phải hành xử theo nguyên tắc “không đối đầu và tránh kích động” trong mọi cuộc giao tiếp, nói chuyện.

Tránh gặp gỡ chỉ có hai người, tránh đứng hay ngồi ở chỗ gần dao kéo, nơi phòng không có lối thoát khi có mặt người chồng; lúc ở nhà cần khóa trái cửa, khi đi ra đường cần bịt mặt để tránh bị phát hiện. Trường hợp tốt nhất là nên chuyển chỗ làm và nơi ở một thời gian cho tới khi nào người chồng đã tái hôn thì hẵng quay về địa phương mà mình đã sống, nếu muốn.

Theo Khám phá

 

Theo Khám phá

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU