Theo vòng tuần hoàn của trời đất, hàng năm ở miền Bắc và miền Trung nước ta, cứ đến đầu tháng Ba âm lịch lại thấy xảy ra những đợt rét. Có khi hai ba ngày, có khi kéo dài cả tuần lễ.
Tháng Ba âm lịch thường tương đương với tháng Tư dương lịch, là lúc đã bắt đầu vào mùa Hạ. Nhìn lên bầu trời, thấy quang đãng, đôi khi lại le lói cả những tia nắng, vậy mà vẫn cứ rét. Rét mơn man ngoài thịt da. Nhưng cũng có khi rét thấm cả vào trong dạ.
Rét nàng Bân là cách gọi mang tính chất như truyện cổ tích trong dân gian về đợt rét cuối cùng của mùa đông xảy ra vào tháng 3 âm lịch ở miền Bắc Việt Nam, hay nói chung là cơn rét muộn. Đây là 1 đợt rét đậm, kéo dài vài ngày, thường kèm theo mưa nhỏ, mưa phùn do đặc trưng của kiểu di chuyển của khối không khí lạnh cuối mùa không phải chỉ từ Bắc xuống Nam mà hơi lệch về phía Đông qua vịnh Bắc Bộ, đưa hơi nước từ biển vào, và chúng di chuyển có thể không mạnh.
Những năm trời u ám đầy mây, hoặc mưa bụi sụt sùi, thì cái rét cũng thực tê tái. Mấy ngày nắng trước, tưởng đã cất khăn ấm áo ấm đi được rồi, vậy mà lại phải mở ra, quàng vội lên người lên cổ… Ấy là rét … nàng Bân!
Tục ngữ có câu: “Tháng Giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng Ba rét nàng Bân”. Tháng Giêng, tháng Hai thì đã rõ, là cái rét còn sót lại của năm cũ, mùa đông… Cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa mới chớm vào nụ, nắng lên hẳn sẽ bị héo tàn. Thế nhưng, đến tháng Ba, hà cớ chi lại còn rét thêm nữa?
Theo sự tích cha ông hay kể lại, thì Ngọc Hoàng là cha của một dàn công chúa: có nàng Mặt Trời, nàng Mặt Trăng, nàng Lúa, Liễu Hạnh, và có cả nàng Bân. Nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng Bân vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình.
Chồng nàng Bân, cũng là một người trên thế giới nhà trời. Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một cái áo ngự hàn. Nhưng nàng vụng về quá, khi bắt đầu rét, nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, xe được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may trọn được đôi cổ tay.
Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng Bân buồn lắm. Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo.
Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân.
Tôi yêu tháng ba đất Bắc một phần vì thế và tôi không muốn tin rằng cái rét tháng ba có thể làm cho “bà già chết cóng”. Tôi chỉ thích nghĩ rằng cái rét đôi khi bất ưng trở về với tháng ba là một cái rét thơ mộng, cái rét của một trời đầy hương và ngát hoa.
Theo Tổng hợp