Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ, cha mẹ tuyệt đối đừng chủ quan

(lamchame.vn) - Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng nếu để tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ dẫn đến rất nhiều những biến chứng nguy hiểm khác.

Rối loạn tiêu hóa là gì?

Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng chức năng dạ dày hoạt động bất thường, gây ra bởi việc ăn uống không điều độ, thức ăn có vấn đề, không phù hợp với cơ địa, phản ứng với thuốc,... Đây là bệnh lí thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện không quá đáng lo ngại nhưng nếu không kịp thời điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng chức năng dạ dày hoạt động bất thường. Ảnh: cachlammoi.com.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn tiêu hóa

Trào ngược dạ dày thực quản:

Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng những chất có trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản gây ra nôn trớ ở trẻ. Nguyên nhân là bởi thực quản của trẻ còn khá ngắn, phần dưới lại hơi nở rộng, lúc này, các cơ của trẻ cũng còn yếu do chưa phát triển hoàn chỉnh, khi gặp vấn đề về tiêu hóa, hoạt động của cơ tâm vị trở nên bất thường, dẫn đến tình trạng trào ngược thức ăn trong dạ dày.

Trường hợp trẻ chỉ nôn rất ít với tần suất thưa và vẫn ăn sữa như bình thường, tăng cân đầy đủ thì cha mẹ có thể yên tâm vì khi trẻ lớn thêm, hiện tượng này sẽ không còn nữa.

Thống kê cho thấy, có khoảng 60% trẻ sẽ tự kết thúc hiện tượng này khi đủ 2 tuổi, 40% còn lại có thể kéo dài đến năm 4 tuổi.

Táo bón:

Táo bón có thể là triệu chứng của một bệnh lí hoặc đơn giản chỉ là do hoạt động của cơ năng nào đó bị rối loạn. Táo bón làm giảm tần suất đi tiêu của trẻ, phân cứng khiến cho mỗi lần trẻ đi tiêu sẽ rất khó khăn, đau đớn và thỉnh thoảng còn xuất hiện máu.

Táo bón có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm ruột, thủng ruột,... Chính vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu của táo bón, cha mẹ cần cho trẻ đi khám để kiểm tra và điều trị kịp thời ngay.

Trẻ bị táo bón thường do ăn những thức ăn có quá nhiều dầu mỡ và chất đạm, trong khi đó lại không được bổ sung chất khoáng. Việc trẻ uống quá nhiều sữa bò và sữa bột cũng là một trong những nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ. Ngoài ra, những trẻ sinh non, trẻ bị còi xương cũng rất dễ bị táo bón. Những trẻ hay ăn thức ăn cứng, thiếu vitamin B1 hay lỗ hậu môn bị rạn cũng dễ mắc phải bệnh lí táo bón.

Để phòng ngừa táo bón ở trẻ, cần cho con ăn nhiều rau củ và trái cây, giúp cho hoạt động của cơ bụng và thành ruột linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên rèn cho con thói quen đi ngoài đều đặn. Trường hợp muốn sử dụng thuốc nhuận tràng cho con cần xin chỉ dẫn rõ ràng của bác sĩ trước.

Tiêu chảy:

Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi tiêu trên 3 lần/ngày, phân đi ra thường rất lỏng. Nếu không nhanh chóng điều trị sẽ dẫn đến mất nước, mất điện giải nghiêm trọng, nặng hơn có thể gây tử vong nếu không được bù nước, bù điện giải kịp thời.

Khi trẻ có dấu hiệu bị tiêu chảy, cần cấp nước cho trẻ ngay bằng cách cho trẻ uống oresol liên tục và rải rác trong ngày. Nếu bệnh không thuyên giảm mà vẫn có dấu hiệu nặng lên thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, cha mẹ cần thực hiện ăn chín uống sôi, rửa chân tay sạch sẽ cho con trước và sau khi ăn để đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, cần cung cấp cho trẻ thật nhiều chất dinh dưỡng thông qua việc sử dụng những thức ăn loãng, giúp con dễ hấp thu hơn.

Khi bị rối loạn tiêu hóa trẻ sẽ thường quấy khóc và lười ăn. Ảnh: Internet.

Giải pháp khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là bệnh rất thường gặp ở trẻ đang trong độ tuổi ăn dặm, do đó cha mẹ không nên quá lo lắng hay hoang mang mà hãy thật bình tĩnh để xử lí cho con. Khi nhận thấy trẻ có những triệu chứng như: chướng bụng, đầy hơi, táo bón, biếng ăn, nôn trớ,... có nghĩa là con đang gặp vấn đề về tiêu hóa và cần được điều trị ngay lập tức.

Trước hết, cần bổ sung men vi sinh cho con để ức chế sự tấn công của vi khuẩn gây hại, loại bỏ chứng rối loạn tiêu hóa. Sau đó, cần khôi phục lại vị giác cho trẻ để trẻ cảm thấy ăn uống ngon miệng hơn bằng cách bổ sung thêm những khoáng chất cần thiết mà cơ thể không tự sản xuất được như kẽm và acid folic. Bên cạnh đó, cần tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cho con thông qua việc cung cấp vitamin, acid amin để hoạt động của hệ tiêu hóa nói chung và đường ruột nói riêng trở nên tốt hơn.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sẽ không quá nghiêm trọng nếu như cha mẹ biết cách khắc phục và kịp thời chữa trị cho con.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU