Con là cậu bé dũng cảm nhất mà mẹ từng gặp
Chị Lưu Thị Thu, sinh năm 1991 (Sóc Sơn, Hà Nội) đã sinh bé Lê Tùng Lâm khi mới được 32 tuần. Tâm sự về đứa con của mình, chị Thu cho biết khi mang thai bé Lâm chị cũng hoàn toàn bất ngờ vì cũng chưa có dự định sinh con ở thời điểm đó. Nhưng con vẫn đến như một món quà bất ngờ vậy.
Dù không chủ định nhưng khi biết mình mang thai, chị Thu vô cùng hạnh phúc. Thai kỳ của chị diễn ra bình thường và khỏe mạnh với một thiên thần lớn dần lên trong bụng mẹ.
Cho đến tuần thai thứ 32 thì chị gặp phải sự cố sức khỏe. Ngày 25/4 chị không thấy bé đạp như mọi khi. Chị cũng thử nhiều cách để kích thích hoạt động thai nhi nhưng chỉ thấy con cựa rất khẽ. Chị đi hỏi thì mọi người đều bảo thai to rồi sẽ ít đạp hơn. Thế nhưng chị vẫn không yên tâm nên đi khám bác sĩ. Siêu âm xong, bác sĩ kết luận thai bình thường vì vẫn thấy thai nhi vẫn cựa quậy. Thế nhưng linh cảm của người mẹ mách bảo rằng có điều gì đó không ổn, dù rằng người nhà động viên chị rất nhiều.
Vì trong lòng thấy bất an nên chị định ngày hôm sau sẽ lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám lại. Ngày hôm đó chị vẫn đi làm bình thường. Đến tối thì chị thấy người mệt và sốt nhẹ nên không ăn cơm và quyết định đi ngủ. Rồi những cơn gò xuất hiện, ban đầu chỉ là cơn gò nhẹ, nhưng sau đó tăng dần và đau hơn. Ban đầu chị cũng chủ quan nghĩ rằng con quấy vì mẹ mệt. Nhưng cơn đau thì càng lúc càng tăng và chị bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Chị lên mạng tìm hiểu thì thấy đó là dấu hiệu chuyển dạ.
Hôm đó trời mưa rất to, đến 23 giờ hơn thì chị không thể chịu đựng nổi và quyết định ra bệnh viện huyện. Bác sĩ khám và đo nhiệt độ cho chị thì cơ thể nóng gần 40 độ và cơn gò đến liên tục. Mặc dù được kê thuốc hạ sốt và truyền giảm co gần 1 tiếng nhưng không đỡ. Bác sĩ quyết định chuyển chị lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương vì lo sẽ không giữ được em bé.
Lên tới viện C lúc 3 giờ sáng, các bác sĩ cố gắng chạy máy và truyền thuốc giảm co để giúp chị giữ thai nhưng không ngăn được các cơn gò.
Chị Thu nhớ lại: “Đến 12h35 phút ngày hôm sau mình sinh được con, sinh non đúng ở tuần 32. Có lẽ do chuyển dạ suốt 1 đêm nên con bị ngạt. Con sinh ra tím tái, không khóc được mà phải cho thở oxy mới khóc được. Con bé xíu như chú mèo con chỉ nặng có 1,9 kg. Con ra đời mà mình không được nhìn mặt vì phải đưa đi cấp cứu ngay. Lúc đó cơ thể đau nhưng lòng mình còn đau hơn gấp bội”.
Suốt 2 tuần lễ sau đó chị Thu không một lần được gặp con vì cơ thể yếu, bé lại nằm trong phòng cấp cứu. Chỉ có bố bé đi thăm con rồi về kể lại cho chị con thở máy ra sao, ăn được từng nào, bụng dã bớt chướng rồi…
Chị kể rằng: “Đến mãi sau đó bố bé mới dám kể cho mình rằng con sinh ra thì bị nhiễm trùng máu, suy hô hấp và xuất huyết toàn thân, khả năng sống không cao nên bác sĩ bảo gia đình phải chuẩn bị tâm lý. Bố bé không dám kể ngay vì sợ mình quá sốc sẽ không bình tĩnh được.”
Suốt từ ngày sinh ra, em bé phải truyền kháng sinh liên tục. May mắn bé cũng dần hồi phục, từ phải thở máy con bắt đầu tự thở được. Bé được chuyển từ phòng hồi sức tích cực sang phòng hồi sức. Mỗi ngày mẹ được vào thăm con 2 – 3 phút, chỉ kịp hỏi tình hình nói vài câu động viên con là đã hết giờ thăm.
Sau 21 ngày thì bé Lâm được cho ra viện. Nhưng mẹ chỉ vừa kịp gửi quần áo vào cho con mặc và làm thủ tục ra viện thì bác sĩ gọi vào gấp. Bé ngừng thở, tím tái và đang phải cấp cứu.
“Ngay lúc đó mình không biết làm gì khác ngoài khóc, khóc vì thương con, khóc vì lo lắng. Cảm giác như thế giới xung quanh sụp đổ, mình chỉ còn biết duy nhất một câu con đang cấp cứu mà thôi.”
Lại thêm một đợt nằm viện kéo dài suốt 22 ngày nữa, bé tiếp tục được truyền kháng sinh, có những ngày mẹ không được nhìn mặt con vì bé phải lấy ven trên trán, bông băng còn to hơn cả mặt. Suốt cả tháng con chỉ tăng được 2 lạng vì thuốc vào người quá nhiều.
Tâm sự về con chị Thu bảo: “Con chính là cậu bé dũng cảm nhất, con nằm trong phòng cấp cứu một thân một mình, chiến đấu kiên cường để giành lấy sự sống cho mình. Đừng nghĩ con mỏng manh yếu đuối, thực ra con mạnh mẽ lắm đấy.”
Nhọc nhằn chăm con từ cậu bé ốm nhom vì thuốc trở nên phổng phao, bụ bẫm
Dù sinh non ở tuần 32 nhưng chị Thu vẫn quyết tâm nuôi con bằng sữa mẹ. Bởi chị hiểu rằng chỉ có sữa mẹ mới là nguồn dưỡng chất tuyệt vời nhất giúp con có thêm sức đề kháng để chống chọi lại bệnh tật. Những ngày con nằm viện, mẹ không được gặp mặt nhưng vẫn cố vắt từng giọt sữa gửi vào cho con ăn. Con không bú bình được mà phải truyền qua ống từng giọt.
Thương con nên dù có suy sụp chị vẫn cố ăn để có sữa cho con. Chị biết con đang mạnh mẽ chiến đấu nên chị cũng không cho phép mình gục ngã.
Sau 42 ngày nằm viện, cuối cùng con cũng được xuất viện trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình. Đưa con về nhà, chị càng quyết tâm phải chăm sóc con cẩn thận. Những ngày đầu mới về nhà, chị gần như thức trắng cả ngày cả đêm để canh chừng con, vì sợ bé có thể ngừng thở đột ngột do sinh non. Vì cơ thể bé rất yếu nên mới về nhà được 2 tuần thì con lại viêm phổi, nằm thở oxy suốt 6 ngày trong bệnh viện.
Suốt những tháng đầu khó khăn đó, dù có những người khuyên cho con ăn thêm sữa ngoài nhưng chị vẫn quyết chỉ cho con ti mẹ để có sức đề kháng. Chị nhận ra rằng khi mẹ thoải mái thì con cũng được thoải mái. Nên chị luôn cố gắng giữ tâm trạng vui vẻ nhất khi cho con ti, lúc đang cáu gắt sẽ không cho con ăn ngay lúc đó vì con sẽ không vui.
Chị Thu kể: “Để con cứng cáp hơn mình cho bé tắm nắng thường xuyên vào lúc sáng sớm để tăng cường hấp thụ vitamin D, mình cũng chú trọng bổ sung canxi và B3 theo bác sĩ chỉ định. Phòng mình lúc nào cũng giữ sạch sẽ và thông thoáng để con có không khí sạch để thở. Tránh hít không khí tù đọng bé sẽ dễ ốm. Mùa hè mình cho bé nằm điều hòa, nhưng mỗi lần ra khỏi phòng mình sẽ tắt điều hòa trước 30 phút để con quen với nhiệt độ và không bị sốc nhiệt. Mình cũng áp dụng massage cho con ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 5 đến 10 phút để cơ thể con không bị mỏi mệt. Mỗi lần tắm mình thường nhỏ vài giọt dầu tràm vào để giữ ấm cơ thể cho con, ngày trở gió thì xoa dầu tràm vào lòng bàn tay, chân, vùng lưng và ngực để tránh con bị cảm lạnh. Đặc biệt mình không bao giờ hôn môi, má con và cũng ngăn không để người khác làm vậy. Vì thể trạng con yếu nên rất dễ bị lây bệnh. Mình cũng tiêm phòng đầy đủ cho con, không bỏ bất kỳ một bữa nào”.
Chia sẻ về cách để luôn có nguồn sữa dồi dào cho con, chị Thu bật mí chị luôn ăn uống đầy đủ, không kiêng cữ nhiều trừ những thực phẩm gây mất sữa như măng, lá lốt và chú trọng nhiều rau củ và các loại thịt. Theo chị việc ăn uống đầy đủ và phong phú sẽ giúp sữa nhiều dưỡng chất hơn. Ngoài ra, chị cũng uống sữa tươi không đường và dùng nước lá vối khô hàng ngày thay cho nước lọc.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bé Lâm đã ổn định, bé phát triển tốt và tăng cân đều đặn nên chị Thu rất mừng. Đối với chị niềm hạnh phúc chỉ đơn giản là nhìn con khỏe mạnh, vui vẻ mỗi ngày mà thôi.