Rớt nước mắt trước tấm lòng của bà trông trẻ nuôi con hộ chủ suốt 15 năm

(lamchame.vn) - Người mẹ trẻ gửi con cho bà Bình trông rồi bỏ đi suốt 15 năm, hằng ngày bà Bình đi nhặt phế liệu và làm đủ mọi nghề để lấy tiền nuôi cháu Thương ăn học nên người.

"Không dám chuyển nhà trọ vì sợ cô ấy trở về không tìm được hai bà cháu"

Bà Đặng Thị Bình, 63 tuổi (Ngọc Loan, xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên), làm nghề trông trẻ, vào 15 năm trước cô bé Hoàng Huyền Thương được mẹ gửi cho bà trông sau đó thì bỏ đi mà không về đón con nữa.

Hoàn cảnh nhà bà Bình vốn cũng rất khó khăn, chồng bà mất sớm, bà bươn chải nhiều nghề để nuôi con. Năm 2002, bà cùng hai con gái lên Hà Nội thuê trọ tại khu vực Long Biên. Hàng ngày, các con đi làm, còn bà nhận trông trẻ thuê cho những gia đình xung quanh. 

Bà Đặng Thị Bình đã nuôi thương suốt 15 năm sau khi mẹ cháu bỏ lại

Bà Bình kể, đầu năm 2004, mẹ của bé Hoàng Huyền Thương đưa con đến gửi bà trông, lúc đó em mới 5 tháng tuổi. Bữa đầu bố mẹ Thương đưa cháu đến bằng xe ôtô loại sang và gửi tôi trông với số tiền một triệu đồng/tháng. Cô ấy nói đang phải chữa bệnh nên gửi con cả ngày lẫn đêm. Thời gian đầu cứ khoảng 3 ngày về thăm em một lần.

Nhưng đến ngày 22/2/2004 (âm lịch) thì người mẹ không quay lại nữa. Ban đầu bà còn lo cô bị bệnh tật hoặc đi làm ăn xa, nên vẫn tiếp tục nuôi hy vọng sẽ trở về. Đến lúc quá sốt ruột, bà dò hỏi thông tin tìm ra được nhà trọ của người mẹ ấy thì biết cô đã gói ghém đồ đạc đi từ lâu.

Nhiều lần nghe ai mách ở đâu có người giống mẹ bé là bà đạp xe đến tìm, nhưng đều không phải. Đến năm Thương 8 tuổi thì bà thôi hẳn ý định tìm mẹ cho cháu. "Các con tôi sau vài năm làm trên này cũng về quê lấy chồng, còn tôi vẫn ở lại và không dám chuyển nhà trọ vì sợ cô ấy trở về không tìm được hai bà cháu", bà nói.

Thương bị bỏ lại khi chưa đầy một tuổi. Gia cảnh vốn khó khăn, nay chăm thêm một bé càng chật vật hơn nữa. Bà Bình nhận trông thêm trẻ, lúc tranh thủ được thì đi thu gom phế liệu, khi lại đi giúp việc theo giờ. Nhiều người khuyên bà đưa bé Thương vào trại mồ côi hoặc gửi lên chùa nhưng bà Bình không chịu. 

Bà Bình nghẹn ngào: "Cháu bện hơi tôi, ngày nhỏ đưa đi trẻ rời tôi đã không chịu. Nhiều đêm hai bà cháu ôm nhau, nghĩ giận người mẹ ấy bao nhiêu, lại thương cháu bấy nhiêu".

Bà Bình phải vất vả đi đi làm giấy khai sinh cho cháu

Thời điểm làm giấy khai sinh cho Thương không ngày nào bà không khóc

Suốt 15 năm nuôi Thương với bao khó khăn, bà Bình nhớ nhất là những ngày chuẩn bị cho em vào lớp một. Khi đó, bạn bè cùng trang lứa ai nấy đều nhộn nhịp chuẩn bị sách vở, quần áo mới đi học. Chỉ có hai bà cháu tất bật với việc xin giấy khai sinh. "Khi tôi lên chính quyền xin giấy, người ta bảo tôi phải đăng thông tin lên các báo đài, nếu sau một tháng không ai nhận bé, mới làm được giấy khai sinh. Nhưng để đăng thông tin mất mấy triệu đồng mà tôi lấy đâu ra tiền", bà nhớ lại.

Thời điểm đó không ngày nào bà không khóc. Bà khóc ở trường, khóc ở phường, ở quận để trình bày hoàn cảnh của em Thương. Có những đêm bà nằm ôm cháu khóc ướt đẫm cả gối, sáng mai tỉnh giấc lại tức tốc lên quận xin giấy tờ. May mắn vào đầu năm học mới bà cũng kịp làm thủ tục cho Thương nhập học. Tờ giấy khai sinh - bỏ trống tên cha, mẹ, chỉ có tên người đỡ đầu - vô cùng quý giá với hai bà cháu.

Năm Huyền Thương học lớp 3 là  lần đầu Thương biết được sự thật về hoàn cảnh của mình. Tối hôm đó về nhà, em bỏ ăn, nằm quay mặt vào tường khóc. Những ngày sau đến lớp em không nói chuyện. Phải mất cả tuần, bà Bình, cô giáo và bạn bè động viên, Thương mới hòa nhập lại như cũ.

"Con bé từ đó hiểu chuyện sớm. Cũng năm ấy cháu thấy xưởng gạch thuê người bốc xếp nên trốn nhà ra làm. Lúc về tay sưng rộp, rớm máu, tôi giận lắm nhưng không đánh, chỉ trách. Cháu khóc, tôi cũng khóc", mắt đỏ hoe, bà kể.

Tuy vất vả nhưng bà Bình có một niềm tự hào riêng, đó là Huyền Thương chăm ngoan, học giỏi. Hiện giờ cô bé đã học lớp 10. Cô Phan Thị Lương (giáo viên trường THCS Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Thương học rất đều các môn, trong đó nổi bật là Toán, Văn, Anh. Năm lớp 9 em đạt danh hiệu học sinh giỏi".

Thời gian lấy đi của bà thanh xuân, sức khỏe nhưng bù lại cho Thương sự trưởng thành, chín chắn. Cô bé ngày nào đã trở thành một thiếu nữ tóc dài, đôi mắt mang đậm tâm tư.

Lớn lên trong vòng tay bà, Thương hiểu được những vất vả mà bà phải chịu đựng. Hiện em cũng về quê ở cùng bà và mỗi ngày phải đi xe bus quãng đường gần 20 km từ Văn Lâm (Hưng Yên) lên Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) đi học. Huyền Thương tâm sự: "Em chỉ muốn lớn thật nhanh, để có thể đi làm kiếm tiền phụng dưỡng bà. "Em không mong có ngày mẹ về với em, vì như thế em không phải suy nghĩ nên đi, hay ở. Bây giờ em chỉ cần có một mình bà thôi..."

                                                                                                                                                                                                                            Theo Vnexpress

Theo vnexpress.net

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU