Sách giáo khoa giả tràn lan

Chỉ trong vòng 4 tháng, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ hơn 100.000 quyển sách giáo khoa giả tại một số tỉnh, thành, làm gia tăng mối lo hậu quả xấu từ sách giả

Ngày 27-8, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai đang củng cố hồ sơ để có hướng xử phạt đối với 3 cơ sở kinh doanh sách giáo khoa (SGK) giả, gồm cơ sở kinh doanh Lê Văn Trí (tổ 6, phường Yên Thế, TP Pleiku), siêu thị nhà sách Vĩ Yên (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) và cơ sở kinh doanh Toàn (40 Phan Đình Phùng, TP Pleiku).

Trà trộn với sách thật để bày bán

Tại 3 cơ sở kinh doanh trên, lực lượng QLTT đã phát hiện có tổng cộng 3.577 cuốn SGK ghi của NXB Giáo dục Việt Nam nhưng không chứng minh được hóa đơn, chứng từ và nguồn gốc. Số sách này chủ yếu là sách tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9 và sách bài tập hỗ trợ từ lớp 3 đến lớp 7 và sách tin học. Đa phần các loại sách này có giá khá cao, trên dưới 30.000 đồng/cuốn, thậm chí có cuốn tới 60.000 đồng.

Sách giả có số ISBN giống nhau chứ không thay đổi liên tục như sách thật Ảnh: HOÀNG THANH

Qua kiểm tra, số sách trên đều có tem 7 màu hình tròn, thẻ cào có mã thẻ và số xê-ri để truy cập hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, lực lượng QLTT tỉnh Gia Lai đã làm việc với NXB Giáo dục Việt Nam tại TP Đà Nẵng và xác định toàn bộ số sách trên là sách giả, tem dán trên sách là tem giả.

Tại thời điểm kiểm tra, số sách giả được các chủ tiệm xếp xen kẽ với sách thật hoặc trà trộn với sách thật thành từng bộ để bán cho phụ huynh học sinh.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, kiểm soát viên Đội QLTT số 12 Cục QLTT tỉnh Gia Lai, cho biết sách giả giống sách thật từ 90% tới 95% nên rất khó phân biệt bằng mắt thường. Chỉ cầm một cuốn sách trên tay thì khó phân biệt được thật hay giả.

Tuy nhiên, nếu cầm giữa sách thật và sách giả thì có thể thấy sách giả chất lượng in, giấy in, màu sắc không thể bằng sách thật. Bên cạnh đó, tem trên sách giả không thể hiện rõ nét mà rất nhòe, khó đọc. Khi lột tem giả ra thì không có chữ "G-D" mà chỉ là miếng nhựa, còn sách thật thì chữ "G-D" khá rõ nét. Số xê-ri trên sách giả là một số giống nhau ở các cuốn sách chứ không có sự thay đổi liên tục như sách thật. "Đặc biệt, đối với sách giả, khi lấy mã số trên thẻ cào truy cập vào website của NXB Giáo dục Việt Nam lấy tài liệu phục vụ thì không thể truy cập được" - bà Liên nói và cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra tại các địa phương nhưng sẽ khó vì đã vào năm học mới, đa phần SGK đã được mua và sử dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Toàn, chủ cơ sở kinh doanh Toàn (số 40 Phan Đình Phùng, TP Pleiku), thừa nhận tại cơ sở mình bị phát hiện có bày bán SGK giả. Ông Toàn nói nhập sách giả là từ các cơ sở kinh doanh được quảng cáo trên mạng, giao dịch qua điện thoại nên không rõ địa chỉ cụ thể. "Chỉ một vài đầu sách do thiếu nên tôi phải nhập bên ngoài thì có sách giả" - ông Toàn nói và bảo không rõ đã bán ra thị trường bao nhiêu cuốn sách giả.

Trước đó, trong tháng 5 và tháng 6-2019, lực lượng chức năng TP Hà Nội và tỉnh Bình Định cũng đã phát hiện hơn 100.000 SGK nghi giả trên 2 địa bàn này. Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định, cho biết hiện cơ quan điều tra tỉnh này đã đề nghị chuyển hơn 72.000 SGK nghi giả bị phát hiện tại một nhà sách ở huyện Hoài Nhơn sang công an để mở rộng điều tra.

Nguy cơ lệch chuẩn khi sử dụng

Theo Cục QLTT tỉnh Gia Lai, sách giả thường có dấu hiệu sai chính tả hoặc ngữ pháp, đặc biệt đối với môn tiếng Anh, khi học phải những cuốn sách giả như thế này, học sinh sẽ bị sai lệch về kiến thức.

Còn theo ông Đào Bích Trường, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Gia Lai, do sách giả không tốn nhiều khoản chi phí như in ấn, bản quyền tác giả… giá thành rẻ và có chiết khấu cao hơn sách thật nên dễ dàng xâm nhập thị trường thông qua các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tạp hóa.

"Tuy nhiên, sách giả thường có chất lượng không tốt, nhiều sai sót trong quá trình biên soạn nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thị lực và việc tiếp cận kiến thức của học sinh" - ông Trường nói.

Theo ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, những ấn phẩm giáo dục giả, lậu có rất nhiều nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập, rèn luyện, tiếp thu kiến thức của học sinh vì sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức hay thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức tiếp nhận của học sinh. "Việc sử dụng ấn phẩm giáo dục giả, vi phạm pháp luật ngay trong nhà trường, nơi hằng ngày đào tạo thế hệ trẻ sẽ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật của thế hệ này về lâu dài" - ông Lê Thành Anh nhấn mạnh.

Hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 CD bị in lậu

Ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, cho biết hoạt động in lậu, in nhái, tiêu thụ sách giả đang là vấn đề nhức nhối và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Theo thống kê của NXB Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Những ấn phẩm giáo dục giả, lậu được bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ, thậm chí còn được bán trong các cơ sở giáo dục - đào tạo, bán vào các nhà trường.

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU