Sai lầm khi chi tiêu khiến bạn luôn “âm tiền’’ cuối tháng

Hãy ngưng ngay những sai lầm này, nếu bạn muốn tiết kiệm từ hôm nay.

Không chỉ những người trẻ độc thân, mà cả những đôi vợ chồng cũng thường mắc phải 8 sai lầm chi tiêu dưới đây nên luôn trong tình trạng ‘’đầu tháng tiêu thả ga cuối tháng không còn một đồng’’.


Chi tiêu không hợp lý có thể khiến mâu thuẫn gia đình tăng cao

1. Không có kế hoạch chi tiêu

Đây là sai lầm phổ biến nhất của hầu hết mọi người. Do lười hoặc chủ quan, họ chỉ ước đoán các khoản chi của mình mà không có một kế hoạch tài chính cụ thể, một cuốn sổ ghi lại danh sách các khoản chi. Việc ước đoán là vô ích bởi chắc chắn rằng bạn sẽ tiêu nhiều hơn những gì mình nghĩ.

2. Không có khoản tiết kiệm cho những tình huống phát sinh

Suy nghĩ mình còn trẻ nên cứ tha hồ mua sắm, làm đẹp, hưởng thụ, sau này sẽ tiết kiệm sau là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Dù ở thời điểm nào thì một khoản tiền tiết kiệm cố định luôn luôn cần thiết. Hãy tập thói quen tiết kiệm ngắn hạn và dài hạn để luôn có sẵn một khoản tiền cho những tình huống phát sinh và thực hiện những dự định trong tương lai.

3. Đặt mục tiêu phi thực tế

Bạn muốn tiết kiệm nhiều nhất có thể nên đã đặt mục tiêu khoản tiết kiệm quá cao so với thu nhập của mình. Nhưng việc thắt lưng buộc bụng không hiệu quả khiến bạn chẳng bao giờ thực hiện được sẽ dẫn đến sự nản chí. Chuyên gia hoạch định tài chính Stephanie Genkin tại New York khuyên mọi người hãy bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ nhất bởi “Khi mới lập ngân sách, đặc biệt là lúc đang cố trả nợ thẻ tín dụng, mọi người thường đưa ra những con số lý tưởng trên giấy tờ, nhưng lại phi thực tế”.

4. Rút từ ngân sách này chi tiêu cho mục đích khác.

Đây là một sai lầm thường thấy nhất. Việc lấy ngân sách của mục tiêu này để chi tiêu cho một mục đích khác sẽ kéo theo một dây chuyền thiếu hụt các khoản khác và khiến kế hoạch chi tiêu của bạn bị phá sản.

5. Bỏ quên các khoản chi không thường xuyên

Trong sổ chi tiêu của mình bạn hãy nhớ các khoản chi ngoài mong đợi như hiếu hỉ, sửa chữa xe, thuốc thang…

6. Đày ải bản thân và gia đình quá mức

Tiết kiệm chi tiêu không có nghĩa là bạn cắt giảm hoàn toàn việc giải trí, vui chơi của bản thân và gia đình. Avery Breyer - tác giả cuốn “Smart Money Blueprint: How to Stop Living Paycheck to Paycheck” khuyên rằng “Mọi bảng ngân sách đều không hiệu quả lâu dài nếu như bạn không cho phép mình thỉnh thoảng tiêu tiền để được vui vẻ, dù cho đó chỉ là một thanh chocolate mỗi tuần”.

7. Chi tiêu độc đoán trong gia đình

Việc vợ/ chồng kiểm soát tất cả việc chi tiêu, quỹ tiết kiệm, ngân sách là điều không nên. Vì nó sẽ gây ra sự khó chịu, cảm thấy không được tôn trọng từ người kia. Hãy cùng nhau bàn bạc, thống nhất và cùng thực hiện kế hoạch tài chính trong gia đình.

8. Phụ thuộc quá mức vào thẻ tín dụng

Hiện nay, thẻ tín dụng được sử dụng như một công cụ thanh toán nhanh chóng, dễ dàng. Nhưng điều này dẫn đến hệ quả là bạn sẽ chi tiêu một cách vô độ. Theo các nghiên cứu thì mọi người thường có xu hướng tiêu tiền nhiều hơn 30% bình thường khi dùng thẻ tín dụng. Vì vậy, đây chính là kẻ thù ngân sách. Để tránh điều này, bạn hãy bỏ thẻ tín dùng ở nhà khi đi mua sắm, chỉ sử dụng khi quá cần thiết. Nếu không nó sẽ trở thành một khoản nợ khổng lồ với lãi suất lớn.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU