Sản phụ mắc Covid-19 trở về từ cửa tử: “Ở đáy vực, tôi nghe thét: Chuyển khoa. Mắt đen đặc, tôi rơi vào hôn mê rất sâu”

Khi tỉnh lại, dược sĩ Lê Minh Huệ (35 tuổi, Hà Nội) vội vã đưa tay sờ lên đầu. Mái tóc dày và dài giờ đã biến mất, chỉ còn lại mảng da trắng hếu. Chị gầy xọp hẳn đi. Gương mặt bầu bĩnh hóp chặt, nổi lên hai gò má và đôi mắt hõm sâu. Tay vừa xoa đầu, mắt chị vừa ngơ ngác.

Đúng lúc đó, bác sĩ bước vào cười bằng mắt và nói: "Qua hết rồi. Tốt rồi em!"

Trong lúc cơ thể vẫn như người trên dây, Huệ bật khóc nức nở…

5 ngày tưởng bị test nhầm và cơn trở nặng gây sốc

Huệ nhiễm Covid-19 khi đưa người nhà đi khám ở viện K (cơ sở 3 Tân Triều). Nhưng đến giờ nghĩ lại, chị vẫn không hiểu vì sao một người luôn chủ động "né virus" như mình lại dương tính.

Hôm 8/5 ra phường lấy mẫu, Huệ vẫn còn tự tin.

Sớm hôm sau đúng lúc đang ăn sáng, CDC gọi điện báo chị sẽ phải cách ly điều trị gấp. Đôi đũa cầm trên tay rớt xuống. Huệ vội vã sờ xuống bụng, cái thai đã được 22 tuần. Hai mắt chị đỏ hoe, chân tay run lập cập.

"Chưa kịp nói gì thì điện thoại cả hai vợ chồng tôi đã cháy máy. Cơ quan chống dịch liên tục gọi vì họ cần hỏa tốc truy vết F1, F2".

Ảnh minh họa

Lúc sau vừa yên tĩnh hơn thì xe cứu thương đã chờ sẵn ở dưới sảnh tòa chung cư. Huệ vội vã đi thẳng đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh). 5 ngày tiếp theo ở trong viện, Huệ vô cùng khỏe mạnh. Tất cả F1 của chị đều âm tính. Thấy vậy, người nhà còn thắc mắc lẽ nào bác sĩ đã test nhầm.

Nhưng ở Khoa Tim gan, ngày nào Huệ cũng phải trích máu xét nghiệm. Dù rất khỏe và tưởng như có thể chạy bộ cả cây số không biết mệt, oxy trong máu Huệ vẫn không ngừng giảm xuống. Thời điểm nó chạm mốc hơn 90%, Huệ bắt đầu hoảng sợ.

Liên tục trong 3 ngày kế tiếp, Huệ sốt cao gần 40 độ. Tay chân bỏng rẫy nhưng trong người Huệ ớn lạnh từng cơn. Thuốc cắt sốt chỉ hạ nhiệt được vài tiếng. Miệng chị đắng ngắt rồi dần dần mất hết vị giác. Y tá pha sữa bầu, động viên chị cố nuốt từng ngụm để cứu lấy đứa bé còn trong bụng. Nhưng cố lắm, mỗi ngày Huệ chỉ húp được 1 đến 2 lần sữa.

Oxy vẫn giảm! Huệ đã dùng đến máy trợ thở đường mũi. Nhưng cho tới lúc ấy, người dược sĩ vẫn không ngừng lạc quan. Chị không tin loại virus tử thần sẽ giết được mình - một người trẻ, hiểu biết về y học và không hề có bệnh nền.

1h sáng 18/5, niềm tin ấy hoàn toàn sụp đổ. Huệ trở nặng. Toàn thân chị mệt rũ, từng hơi thở đều phải rất gắng sức. Chưa bao giờ, Huệ thấy khí oxy lại quý giá đến thế. Dù bác sĩ dâng nó lên đến tận mũi miệng, chị vẫn tưởng như thứ vàng ngọc này đã bị ai đó rút cạn sạch. Phải dùng hết sức, Huệ mới bấm được điện thoại gọi bác sĩ lúc nửa đêm, thều thào báo: "Bác sĩ ơi, em không thở được bác sĩ ơi!".

Gần như ngay lập tức, Huệ được chuyển sang dùng máy trợ thở bằng phễu. Nhưng chị vẫn khó thở. Huệ hoảng loạn, quơ vội lấy điện thoại, nhắn cho chồng những ký tự viết tắt của dòng chữ: "Em không thở được nữa!".

Chị Lê Minh Huệ (35 tuổi, Hà Nội) ra viện sau khi chiến đấu với Covid-19

Nồng độ oxy đã tụt xuống 85%. Bác sĩ gấp gáp hướng dẫn Huệ hít vào thở ra. Nhưng chị không nghe rõ. Cơ thể chị nặng trĩu giống như bị xích vào tảng đá rồi ném chìm dần xuống nước.

"Bác sĩ vẫn cố gắng giúp tôi thở, nhưng tôi không thở được. Sau đó vài phút, tôi nghe tiếng hét lớn: 'Chuyển khoa'. Từ đó, tôi rơi vào hôn mê rất sâu".

Bác sĩ ơi, sao con em không đạp nữa?

Trong lúc mê man, nhiều lần Huệ tưởng mình đã bật dậy, đòi đi về được rồi… nhưng lúc sau lại tự biết rằng cơ thể còn rất yếu.

"Ác mộng cứ lồng trong ác mộng. Tôi không còn biết mình đang ở đâu… Dường như có tiếng ai gọi tôi. Có lẽ là bác sĩ, nhưng tôi lại nghĩ là con mình. Tiếng gọi như động lực duy nhất giúp tôi gắng gượng tiếp".

Lúc cai được máy thở, Huệ vẫn chưa tỉnh hẳn. Chị đưa tay sờ xuống bụng nhưng vì ảo giác của thuốc mê nên tưởng nó xẹp lép. Huệ bật khóc. Chị chỉ muốn gào lên: "Bác sĩ ơi sao con em không đạp nữa". Nhưng tiếng nói bị chặn lại ở họng. Sau hôn mê và đặt nội khí quản, chị tạm thời bị mất tiếng hoàn toàn.

"2 ngày sau khi tỉnh lại, tôi thức trắng cả ngày lẫn đêm. Người cứ lâng lâng như trên dây chứ không thật tỉnh táo".

Huệ rất muốn ngồi dậy, nhưng cứ cố được vài giây lại choáng tới nỗi tưởng trời đất quay cuồng, phải nằm vật ra thở dốc. Các y tá, điều dưỡng chăm sóc tận giường, đi vệ sinh họ cũng phải phục vụ chị tại chỗ.

Đến 27-28/5, Huệ tỉnh táo hoàn toàn. Tới lúc ấy, chị mới biết tất cả những hành động trong mơ hóa ra lại là thật. Y tá nói chị quẫy đạp rất mạnh vì muốn được đi về. Bác sĩ sợ chị sẽ rút ống thở gây nguy hiểm tính mạng nên buộc phải trói chặt hết tay chân chị vào thành giường. Huệ ngơ ngác không hiểu. Chị gần như đã quên sạch những hành động vô thức.

Chị chỉ nhớ rõ ràng mình đã từng sờ xuống bụng và thấy đứa con không còn nữa. Bây giờ tỉnh táo rồi, chị lại đưa tay sờ bụng một lần nữa. May quá, đứa con vẫn còn đạp.

Rồi Huệ lại đưa tay chạm lên đầu. Mái tóc dày và dài hôm nào giờ này đã trọc lốc. Đôi mắt Huệ ngơ ngác. Đúng lúc ấy, bác sĩ bước vào với nụ cười bằng mắt: "Qua hết rồi, tốt rồi em!".

Nghe thế, Huệ bật khóc. Nước mắt chảy như từ trong vô thức, không thể nào kiểm soát. Chưa bao giờ, chị khóc chỉ vì một câu nói ngắn và giản dị đến thế.

"Có lẽ vì nó đánh động đúng cảm xúc của tôi, làm tôi choàng tỉnh hẳn sau cơn ác mộng dài. Đúng là mọi chuyện kinh khủng đã ‘qua hết rồi’. Bây giờ cả hai mẹ con từ cõi chết đi về đã là ‘tốt lắm rồi’…"

Cuộc chiến không đơn độc

Những ngày Huệ nằm viện, chưa đêm nào anh Quỳnh dám ngủ sâu. 1h sáng Huệ nhắn tin, anh chộp ngay điện thoại. Vừa đọc hết tin nhắn, anh lập tức nhắn tin cho bác sĩ, tha thiết muốn được xin vào chăm sóc vợ. Nhưng bác sĩ từ chối. Họ nói dù anh có là F0, bệnh viện cũng không thể phá lệ vì bệnh nhân nặng được cách ly rất nghiêm ngặt.

Buổi sáng cùng ngày Huệ hôn mê, Hội đồng hội chẩn quốc gia khẩn trương họp và bàn về tình hình của Huệ. Các chuyên gia đầu ngành tiên lượng chị có thể phải chạy ECMO (tim, phổi nhân tạo) và nguy cơ tử vong rất cao. Đối mặt với tình huống có thể mất cả vợ lẫn con, anh Quỳnh sốc cực độ.

Gia đình chị Huệ, anh Quỳnh và hai con nhỏ

"Bác sĩ bảo có thể tôi sẽ mất cả vợ lẫn con… Chưa bao giờ tôi sốc như vậy. Nhìn hai con nhỏ đang say ngủ bên cạnh mà tim tôi thắt lại từng cơn".

May mắn đến buổi chiều, các chỉ số của Huệ dần tốt lên. Bác sĩ nói tạm thời chị không cần chạy ECMO mà chỉ cần thở máy và lọc máu liên tục.

Đồng nghiệp, bạn bè của anh Quỳnh và Huệ đã kêu gọi lập ra quỹ để ủng hộ vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bạn bè làm trong ngành dược cũng giúp anh Quỳnh có được hai quả lọc máu liên tục mà bệnh viện đang thiếu để trợ lực cho Huệ vượt qua được cửa tử.

Khi Huệ tỉnh táo thì điện thoại hết pin. Chị chỉ thều thào được hai tiếng "điện thoại" thì y tá đã hiểu. Họ sạc pin giúp chị và lát sau, chị nhắn được cho chồng rằng: "Em và con sống lại rồi".

"Vì may mắn làm trong ngành dược nên thông tin về vợ, tôi vẫn nắm được từng giờ. Khi cô ấy nhắn như vậy, tôi cũng biết là vợ còn rất yếu".

Đến ngày 31/5 khi ra viện sau 3 lần xét nghiệm âm tính, chân tay Huệ mới dần cứng cáp và tập tễnh đi lại được. Lúc về nhà, chị mở mạng lên đọc được tin tức về bệnh nhân 38 tuổi không có bệnh nền làm công nhân ở Bắc Giang đã tử vong. Huệ lại khóc.

Hiện tại, Huệ vẫn tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày. Ba bố con anh Quỳnh vẫn đang cách ly tập trung tại ĐH FPT, mấy ngày nữa mới về. Dù rất muốn nhìn thấy nhau, nhưng Huệ dự định sẽ chốt chặt cửa phòng để đảm bảo an toàn cho mọi người.

"Chờ khi nào khỏe hẳn, tôi sẽ nấu bữa cơm thật ngon để bù đắp cho mọi người. Sau đó đi khám thai rồi nghĩ một cái tên thật hay và ý nghĩa để đặt cho đứa bé trong bụng".

Những ngày này, Huệ nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Ban đầu lúc nhập viện một mình, Huệ từng nghĩ sẽ phải đơn độc chiến đấu. Nhưng giờ chị hiểu cuộc chiến mình vừa đi qua và chiến thắng là công sức góp chung của hàng trăm con người.

"Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm… Vẫn nhớ ngày ở viện, y tá, bác sĩ nào cũng tận tình chăm sóc thật nhẹ nhàng chu đáo. Tôi đòi được khám sản thì bác sĩ khoa sản cũng xuống khám rất tận tình. Biết thai nhi khỏe mạnh, tôi mới thực yên tâm.

Vậy mà đến khi ra về thì chính tôi còn không kịp cảm ơn họ. Y tá bảo tôi cứ yên tâm về đi, thủ tục và viện phí tính sau. Vì nghĩ mình còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác, tôi lên xe đi thẳng, chưa kịp có bó hoa hay lời cảm ơn nào cho bác sĩ - những người đại ân nhân trong đời".

 

Theo kenh14.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU