Sắp mở phiên phúc thẩm vụ ly hôn nhà Trung Nguyên

Chiều 7.5, nguồn tin của Lao Động cho biết, giữa tháng 6, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ ly hôn nghìn tỉ giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Tổng Giám đốc TNI) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên TNG).

Trước thềm phiên phúc thẩm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã kháng cáo bản án sơ thẩm, muốn đoàn tụ với ông Vũ và không đồng ý với tất cả quyết định của tòa.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng gửi đơn kháng cáo đến tòa đề nghị chia tài sản theo tỉ lệ 70% và 30%.

Trước đó, bản án sơ thẩm TAND TPHCM chấp nhận ly hôn theo yêu cầu của bà Thảo. Tòa án chia tài sản chung hai vợ chồng hơn 7.500 tỉ đồng, theo tỉ lệ ông Vũ nhận 60% và bà Thảo nhận 40% khối tài sản.

Về số cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên, Tòa cho phép ông Vũ được quy đổi giá trị cổ phiếu thành tiền mặt để trả lại cho bà Thảo và ông Vũ được toàn quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.

Bà Thảo kháng cáo, mong đoàn tụ với ông Vũ.

Chia sẻ với Lao Động, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TPHCM cho hay, về mặt pháp lý, xét xử phúc thẩm là việc tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xử lại vụ án, mà bản án, quyết định của tòa cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền "kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của tòa án cấp sơ thẩm, để yêu cầu tòa cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm".

Theo luật sư, trường hợp, trong đơn kháng cáo và tại phiên phúc thẩm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có yêu cầu rút đơn, quay về đoàn tụ cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì phải có sự đồng ý của ông Vũ.

Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định, việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm như sau:

Trước khi mở phiên tòa, hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết.

"Tôi rất quan tâm vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo và mong muốn họ quay về đoàn tụ với nhau. Bởi vì họ đã từng có một mối tình rất đẹp, trải qua nhiều khó khăn thời khởi nghiệp. Hơn hết, Trung Nguyên còn là tiêu biểu cho giá trị của thương hiệu Việt, họ cần đoàn tụ để thương hiệu ngày càng mạnh hơn", luật sư nói.

Trao đổi với PV, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: "Vụ việc liên quan đến gia đình ông Vũ và bà Thảo, tôi nghĩ sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên, nhưng sẽ chỉ là tạm thời. Bởi thương hiệu này sống là nhờ hoạt động kinh doanh, những người lãnh đạo nó chắc chắn sẽ có cách để vực dậy và phát triển nó."

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU