Người dân tộc bản địa tại Sa Pa từ trẻ tới già lâu nay đã bị cuốn theo nhịp sống hối hả của một thị trấn đang bị đô thị hoá một cách nhanh chóng. Ảnh: Việt Linh
Lối kiến trúc trước đây của Sa Pa là những mái nhà của người Mông, người Dao bên sườn núi, kiến trúc thời Pháp thuộc với những khu biệt thự nhỏ cùng bờ kè đá. Thế nhưng, lối kiến trúc này đang dần biến mất ở Sa Pa. Thay vào đó là lối kiến trúc lai căng, mỗi nơi một kiểu, màu sắc lòe loẹt.
Có nhiều người nói vui, bây giờ đặc sản lớn nhất của Sa Pa chính là những công trường xây dựng. Du khách chẳng còn được thư thái rảo bước trên Sa Pa. Ngược lại, họ phải ra sức nhảy qua những ổ trâu, ổ voi to tướng nằm trên đường. Họ cũng phải căng mắt ra mà quan sát để có thể tránh những chiếc xe tải lao rầm rầm trên đường.
Theo báo cáo của tỉnh, số lượng ô tô vào Sa Pa mỗi ngày khoảng 5000 - 8000 chiếc. Các phương tiện kể cả xe tải đều phải qua khu trung tâm thị trấn.
Sa Pa chẳng còn không khí trong lành như trước kia. Sa Pa giờ chỉ còn khói bụi, ùn tắc. Sa Pa chen lấn và ngột ngạt hệt như các thành phố lớn.
Lên Sa Pa bây giờ, người ta dễ thấy rác ngập khắp nơi, vật liệu xây dựng ngổn ngang, khói bụi mịt mù.
Vào năm 2003, chính quyền Sa Pa lúc bấy giờ từng mời các chuyên gia Pháp về quy hoạch lại nơi này. Họ đặt mục tiêu biến Sa Pa thành một điểm du lịch độc đáo.
Tuy nhiên, dường như điều đó đã không trở thành hiện thực. Các cơ quan quản lý của Sa Pa giờ chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để thu được nhiều phí chứ không quan tâm tới công tác quy hoạch. Sa Pa tan hoang là do những cái đầu luộm thuộm, chỉ nghĩ tới việc thu phí trước mắt.