Cô đơn luôn là một trạng thái không mấy dễ chịu mà bất cứ ai trong chúng ta cần phải nếm trải. Với những phụ nữ trẻ trên dưới 30, cô đơn hay một mình càng là một thử thách. Khi mà bên cạnh áp lực công việc, kiếm tiền, sự thành đạt, những khủng hoảng lại được chất đầy thêm bằng nỗi buồn của sự lẻ loi (và cái nhìn lo lắng của bố mẹ).
Dù vậy, lấy chồng hay có người yêu không phải là con đường duy nhất đến với hạnh phúc và sự cân bằng. Chỉ cần bạn xác định lại được góc nhìn của bản thân và xây dựng một cuộc sống xoay quanh chính mình, thì dù có thêm hay bớt người đồng hành bên cạnh, bạn vẫn sẽ tìm được hạnh phúc.
Câu chuyện của cô nàng Trang Hồ dưới đây có lẽ sẽ là một ví dụ điển hình. Sinh năm 1991, Trang hiện đang là Giám đốc phát triển thương mại và sản phẩm của một công ty khá lớn. Tự nhận mình là người yêu và có nhiều tham vọng trong công việc, Trang cũng đồng thời là một người… sợ cô đơn. Các mối quan hệ trước đây của Trang kéo dài từ hơn 3 năm, rồi 2 năm, 1 năm, và thường cách nhau khoảng 2-3 tháng. Dù vậy, sau mối quan hệ cuối cùng cách đây 1 năm, Trang đã có một "cuộc chiến" với cô đơn để học cách tận hưởng cuộc sống độc thân, và yêu chính bản thân mình.
Và đây là 8 bài học Trang rút ra từ quá trình 1 năm cô đơn nhưng không cô độc của mình.
1. Nhận biết nỗi sợ cô đơn: Là ta sợ một mình, hay ta sợ cảm giác trống trải khi một mình?
Cô đơn không đáng sợ. Cảm giác trống trải khi cô đơn mới đáng sợ.
Mình chuyển vào Sài Gòn sống đã được 6 năm, đa số đều sống 1 mình, không ở chung với bạn bè giống nhiều bạn Hà Nội khác chuyển vào đây. Mình gần như tự lo và xử lý mọi việc của mình. Lớn dần lên công việc của mình bận hơn, bạn bè mình cũng bận, rồi mọi người cũng có người yêu, gia đình riêng hay có những mối quan tâm khác. Điều đó khiến mình muốn có cảm giác muốn có một ai đó thuộc về mình, ở bên để mình chăm sóc và được chăm sóc. Trước đây, mình hay suy nghĩ bạn trai hay người yêu cũng là 1 người bạn rất thân, là người cùng mình chia sẻ rất nhiều thứ trong sở thích, cuộc sống riêng hay cả công việc.
Mình nhớ mỗi thời điểm chia tay và chưa quen ai tiếp, cảm giác trống trải rất hay xuất hiện. Nhất là khi quen người nào đó mới nhưng mình chưa thật sự bình an được hoàn toàn với mối quan hệ cũ, cảm giác trống trải đó càng xuất hiện nhiều. Khó chịu đến khó tả, giống như người ta vẫn nói: "cô đơn trong 1 mối quan hệ".
Mà sự trống trải đó kì lạ lắm nhé. Nó hay xuất hiện rất đột ngột mà bạn không biết để chuẩn bị trước đâu. Có nhiều khi đang đi bar nghe nhạc vui vẻ bỗng dưng cảm thấy trớt quớt, tâm hồn lưng lửng ở 1 chỗ khác... Hay có những buổi sáng tỉnh dậy rất sớm sau một buổi tối ngủ quên mệt nhoài mà thấy chỉ có một mình... Cảm giác trống rỗng, khô khốc gì đâu. Những lúc đó, chỉ mong có một ai đó thật lòng bên cạnh.
2. Chấp nhận để bản thân mình được tổn thương
Cách đây 2 năm, đã có một thời điểm mình rất stress với chuyện công việc, và mối quan hệ lúc đó đã gần đến kết thúc. Cùng 1 thời điểm, cả hai thứ mình rất coi trọng là công việc và mối quan hệ đều gặp nhiều trở ngại và không đi tới đâu. Mình lại là người bị ám ảnh với chuyện công việc luôn phải trọn vẹn, lúc nào mình cũng đâm đầu vào những dự án thật sự khó. Trong chuyện tình cảm, đó lại là người mình rất yêu. Thời điểm đó người đó là số 2 thì không ai là số 1.
Bọn mình cũng có nhiều giai đoạn yêu xa và đều rất bận nên dần dần không gần gũi nhau, và rồi mình cảm nhận được mối quan hệ này đã đi đến hồi kết và chỉ còn có 1 mình mình trong mối quan hệ đấy. Mình đã rất stress, tuyệt vọng và những cơn đau đầu đến với mình nhiều hơn, con người mình cũng trở nên khó gần và dễ cáu gắt hơn. Đã có những ngày, mình chỉ gọi điện thoại cho bạn ở ngoài Hà Nội và khóc thút thít, những việc mà không bao giờ một người luôn cho là mình cứng rắn và tự lo được cho bản thân lại làm như vậy. Mình cũng không ngờ khoảng thời gian này đã kéo dài lâu đến vậy. Bắt đầu từ sự căng thẳng, cô đơn và rồi rối loạn cảm xúc lại có thể ảnh hưởng đến con người và cuộc sống của mình sâu sắc đến vậy.
3. Học cách chấm dứt sự trống trải
Mình đã không quen được với nó. Mình lựa chọn chấm dứt sống chung với cảm giác trống trải, cô đơn đó, để sức khoẻ tốt hơn và cảm xúc của mình bình an, cân bằng hơn.
Sau khoảng thời gian rối loạn, đến 1 ngày, khi sức khoẻ quá tệ, mình đã quyết định chọn gặp 1 chị Life Coach (Huấn luyện viên lối sống), bởi mình thật sự muốn thoát ra khỏi tình trạng cảm xúc tồi tệ đó. Mình đã nghĩ tại sao cuộc sống lại kinh khủng về tinh thần đến vậy, tại sao mình không có được cảm xúc vui vẻ như những người khác, tại sao những cơn đau đầu lại đến nhiều với mình đến thế? Thật sự không dễ dàng để nói ra mọi thứ, tìm nguyên nhân, loại bỏ nó và cân bằng lại cảm xúc. Thời điểm đó, chị huấn luyện viên của mình đã giúp mình tìm lại được niềm tin vào cuộc sống, bản thân và vững vàng để tiếp tục cuộc sống một mình.
Sau khi dừng gặp chị, mình đâu đó vài lần cũng bị rơi lại vào tình trạng cũ: Cảm xúc rối loạn thường xuyên buồn và nghĩ tiêu cực, mỗi lần như vậy mình mất nhiều thời gian để tự thoát ra, và cân bằng lại.
4. Giao tiếp với bản thân đúng cách
Mình đã sắp xếp để đi học về lập trình ngôn ngữ tư duy, để thật sự làm sạch tâm hồn và tự bản thân mình vượt qua, bình an và sống thoải mái hơn.
Có 1 nội dung đã được học mà mình coi là kim chỉ nam, đó là chúng ta bị stress, chúng ta có những cảm xúc tiêu cực hay có vấn đề bất hoà với 1 ai đó, không phải là do các tác nhân hay con người bên ngoài, mà bởi vì chính chúng ta chưa biết cách giao tiếp với bản thân mình, yêu thương nó đúng cách, một cách tích cực. Trong hành trình trưởng thành, chúng ta vô tình làm tổn thương vô thức của chúng ta bằng những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực để rồi tạo ra những vết hằn tích tụ và rút cạn năng lượng tích cực, vui vẻ còn lại. Chỉ có thật sự đối mặt và gạt bỏ nó ra khỏi vô thức, yêu và giao tiếp với bản thân mình đúng cách bằng những lời nói cùng hình ảnh giàu cảm xúc tích cực, ta mới có thể hạnh phúc và xứng đáng với thời gian sống quý giá này.
5. Yêu bản thân bằng cách tự khích lệ và xoa dịu tâm hồn
Mình xây dựng cho bản thân những hành vi tích cực cam kết thực hiện, bởi hiểu rằng, đó là cách yêu bản thân tốt nhất và giúp cho cuộc sống của mình thật sự bình an, cân bằng về cảm xúc tinh thần và cơ thể khoẻ mạnh hơn.
Mình thực hành yêu bản thân mình nhiều hơn. Kiên trì nhẫn nại giao tiếp với chính nội tâm của mình, xoa dịu tâm hồn mình bằng những lời nói, hình ảnh tích cực. Hãy nói những lời yêu thương bản thân, khích lệ nó mỗi ngày để được nhận lại nhiều cảm xúc tích cực cho mình hơn nữa. Việc này không dễ dàng chút nào, nhưng thật sự mang lại những lợi ích tuyệt vời giúp mình cân bằng cảm xúc, suy nghĩ thông suốt hơn rất nhiều.
6. Xây dựng một nhịp sống lành mạnh và tích cực
Mình thử xây dựng rất nhiều thói quen mới mà trước đây chưa từng có như đi tập gym đều đặn, tự nấu ăn thường xuyên. Thậm chí giảm hẳn thời gian làm việc cuối tuần để thật sự có những khoảng thời gian chất lượng cho cơ thể và trí não hồi phục năng lượng. Bạn bè là một phần không thể thiếu. Mình thu hẹp lại các mối quan hệ nhưng có những khoảng thời gian chất lượng bên cạnh những người thật sự phù hợp và mình cảm thấy thoải mái ở cạnh hơn.
Một ngày của mình bắt đầu với âm nhạc và bữa ăn sáng tự nấu, chuẩn bị đồ ăn mang đi làm. Đến văn phòng là 1 thế giới rất bận rộn, nhưng mình sẽ luôn cố gắng sắp xếp để tập gym được buổi tối hoặc thỉnh thoảng ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Mình hạn chế làm việc sau khi về nhà, để cơ thể thực sự được nghỉ ngơi và sẵn sàng dậy sớm vào ngày hôm sau.
7. Tìm những niềm vui nhỏ trong cuộc sống
Trước đây chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có niềm vui với chuyện đi siêu thị, nấu ăn… Ấy thế mà bây giờ mỗi sáng Chủ nhật 8h có mặt ở siêu thị, thấy những thực phẩm tươi mới chất đầy lên kệ thì mình hạnh phúc lắm. Thậm chí niềm vui đó còn khiến mình háo hức dành hẳn 1 buổi trong ngày Chủ nhật để chuẩn bị các bữa ăn trong tuần sau, thử công thức mới cho mỗi nguyên liệu mới mua trong ngày.
Đó chỉ là vài trong những niềm vui nhỏ bé của mình thôi. Hay đơn giản là về nhà sớm, thoải mái tự do ăn uống, xem phim, đọc sách nghe nhạc trong căn hộ,... như vậy là trong lòng đã tràn ngập niềm vui và sự biết ơn với chính cuộc sống của mình rồi. Mình cũng gọi điện thoại về nói chuyện với mẹ nhiều hơn, thể hiện cảm xúc của mình với gia đình cũng là một cách giúp mang đến cho mình những niềm vui nhỏ bé tích cực.
8. Lấp đầy khoảng trống bằng những trải nghiệm mới
Mình lấp đầy mọi khoảng trống bằng việc tìm hiểu và thử nghiệm những thứ mới mẻ trước đây chưa bao giờ nghĩ mình sẽ quan tâm, và tập trung vào những sự ưu tiên đã được xác định cho cuộc sống hiện tại của mình.
Mình cũng nhận ra rằng, chỉ khi bản thân mình thật sự bình an, mình biết yêu thương chính tâm hồn, tư duy và cảm xúc của mình, mình mới có thể bước vào một mối quan hệ mới mà tránh được cho mình những đổ vỡ và cảm xúc tiêu cực trước đây. Có như vậy, mối quan hệ mới của mình mới bền chắc và có những khoảng thời gian chất lượng được.
Theo kenh14.vn