Niềng răng là một giải pháp lý tưởng đối với nhiều người trong việc khắc phục nhược điểm của bộ nhai. Ví dụ như các trường hợp bị sai lệch hoặc có nguy cơ sai lệch khớp cắn, người mắc các bệnh lý hay tai biến do sai khớp cắn…
Theo các bác sĩ chỉnh nha, niềng răng sẽ giúp hàm răng, khuôn mặt đẹp hơn, ăn nhai tốt hơn… Tuy nhiên, phương pháp này không nên lạm dụng mà chỉ nên thực hiện khi cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người. Đặc biệt, người niềng răng còn phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu thực hiện sai cách.
Hàm răng biến dạng do niềng kém chất lượng
Tai nạn niềng răng khiến nhiều người phải rùng mình này xảy ra tại Philippines, chỉ vì sử dụng loại niềng răng kém chất lượng mà người phụ nữ này phải nhận về một hàm răng chĩa thẳng lên trời.
Hàm răng của người phụ nữ chĩa thẳng lên trời, hậu quả do dùng niềng kém chất lượng.
Nguyên nhân chính là do bệnh nhân này đã tìm đến một bác sĩ chỉnh nha tay nghề thấp, không có giấy phép hành nghề. Vị nha sĩ này đã cho bệnh nhân niềng răng bằng cách sử dụng một chiếc chỉ toàn là dây thép.
Thay vì ép răng vào bên trong, chiếc niềng này lại gây ra lực kéo ngược, kéo hết răng của bệnh nhân ra ngoài, khiến nó chĩa ngược lên trời.
Sau tai nạn trên, hàm răng của người phụ nữ không có cách nào để trở lại bình thường. Sự việc này là lời cảnh tỉnh cho những người đang có ý định niềng răng mà không tìm hiểu kỹ về nơi chuẩn bị làm, lại ham giá rẻ.
Suýt chết vì niềng răng quá chặt
Chỉ 1 tuần sau khi niềng răng, cô bé Leah Kitchen, 15 tuổi, sống tại Anh bỗng dưng có biểu hiện sốt cao, ớn lạnh, đau khớp… Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán cô bị cúm và chỉ kê các loại thuốc thông thường. Thế nhưng, sau khi dùng kết thuốc Leah vẫn thấy các triệu chứng trên không hề thay đổi mà thậm chí còn có thêm những hành động bất thường và mất trí nhớ, đồng thời bị đột quỵ nhẹ 2 lần.
Cô gái trẻ bị viêm ở bề mặt nội mạc tim do niềng răng quá chặt.
Sau đó, tình trạng của Leah ngày càng nặng hơn nên cô được đến một bệnh viện khác (tên là Hull Royal). Ở đó, cô được các bác sĩ cho làm rất nhiều xét nghiệm. Kết quả cho thấy Leah đang bị viêm ở bề mặt nội mạc tim do nhiễm khuẩn – một dạng nhiễm trùng hiếm gặp và có khả năng gây chết người trong lớp bên trong của tim.
Nguyên nhân gây bệnh là do Leah bị nhiễm trùng khi niềng răng quá chặt, chiếc niềng răng đã đâm vào lợi và dẫn theo vi khuẩn xâm nhập vào máu của cô bé.
Bị dị ứng với chiếc niềng răng
Sau khi niềng răng, cô bé Kennedy Odom (16 tuổi) ở Tennessee (Mỹ) bắt đầu có triệu chứng đau đầu, sốt, sưng tấy đỏ ở môi, đau họng… Sau đó, các bác sĩ đã phát hiện em bị dị ứng với chính chiếc niềng răng ở trong miệng và nhanh chóng tháo bỏ nó. Khi được tháo niềng răng, các triệu chứng của Kennedy đã thuyên giảm ngay lập tức.
Cô bé 16 tuổi bị dị ứng với chiếc niềng răng trong miệng mình.
Theo các bác sĩ, Kennedy được chẩn đoán là mắc hội chứng dị ứng niken toàn thân, một loại dị ứng nghiêm trọng với kim loại niken (thường được tìm thấy trong đồ trang sức, khóa quần áo và niềng răng). Thậm chí thép không gỉ cũng sẽ khiến cô bé dị ứng, nổi phát ban.
Nhập viện vì nuốt niềng răng vào bụng
Trước đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đã tiếp nhận một tai nạn hy hữu của bệnh nhi tên là Đ.L.D.A, 12 tuổi. Sau khi kiểm tra X-quang, các bác sĩ phát hiện có dị vật ở đường tiêu hóa nên cho bệnh nhi uống thuốc nhuận tràng và theo dõi.
Bé A. được phát hiện có dị vật ở đường tiêu hóa.
Gia đình bé A. cho hay, trước đó đã cho bé đi niềng răng. Tuy nhiên, sáng ngủ dậy, người nhà phát hiện một cọng kẽm niềng răng trong miệng A. đã biến mất.
3 ngày sau, bé A. tự đi tiêu ra dị vật, tình trạng sức khỏe trở lại bình thường, không đau bụng, ăn uống tốt và đã được xuất viện.
Làm thế nào giảm thiểu rủi ro khi niềng răng?
Theo TS Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt, BV Việt Nam - Cu Ba để hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra khi niềng răng, mọi người nên xác định được sự cần thiết của phương pháp này xem mình có thật sự cần phải thực hiện nó hay không.
Tiếp đó, những người có nhu cầu cần phải tỉnh táo chọn địa chỉ uy tín với đội ngũ bác sĩ tay nghề cao. Cho dù niềng răng là một kỹ thuật không gây nhiều nguy hiểm nhưng vẫn có thể gây nhiều biến chứng nếu không cẩn thận.
Niềng răng vẫn có thể gây nhiều biến chứng nếu không cẩn thận.
Theo các nha sĩ, trong quá trình chỉnh nha hãy lắng nghe các lời khuyên của bác sĩ. Nhiều người trong quá trình chỉnh nha không tái khám và thực hiện theo lời dặn của các bác sĩ, dẫn đến việc răng không ổn định "chạy lung tung", có thể để lại hậu quả như răng hô móm , lệch vẹo, biến dạng…
Cuối cùng, trong giai đoạn niềng răng cần phải chăm sóc răng miệng đúng cách, phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước và sau ăn để tránh thức ăn mắc vào kẽ răng hay dụng cụ niềng nếu không sẽ dễ hình thành mảng bám, gây sâu răng, hôi miệng…
Theo Tri Thức Trẻ