Sống ở đời, đâu mới là điều quan trọng nhất? Tiền bạc, sự nghiệp, danh vọng, sức khỏe hay gia đình...?

Chúng ta mỗi ngày đều bận rộn khám phá cuộc sống mới, bận rộn theo đuổi tình yêu, bận rộn nỗ lực cho sự nghiệp, trong quá trình vùi đầu chạy về phía trước ấy, đã bao giờ bạn chậm lại một chút và tự hỏi đâu mới là điều quan trọng nhất đối với mình?

Trên mạng xã hội, có một câu hỏi được đặt ra như này: "Đối với một người, đâu là thứ quan trọng nhất trên đời?".

Có một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt đồng tình rằng:

"Con người ta sống ở đời, tài sản có nhiều tới đâu, địa vị có cao ra sao, hình tượng có hoàn hảo thế nào, cũng chẳng thể bằng được một mái ấm gia đình".

Quả đúng như vậy!

Chúng ta mỗi ngày đều bận rộn khám phá cuộc sống mới, bận rộn theo đuổi tình yêu, bận rộn nỗ lực cho sự nghiệp, trong quá trình vùi đầu chạy về phía trước ấy, chúng ta đã vô tình bỏ qua điểm xuất phát phía sau.

Nhà thơ Moore từng nói: "Một người đi khắp nơi tìm thứ mà anh ta cần, mãi vẫn không tìm thấy, khi trở về nhà, anh ta phát hiện rằng mình đã tìm thấy thứ đó".

Một người, còn "nhà", là còn tất cả!

01

Ngôi nhà tốt nhất mang bộ dạng ra sao?

Có lẽ nhiều người cho rằng một ngôi nhà tốt là một ngôi nhà sang trọng, nguy nga, lộng lẫy, nhưng đợi tới sau khi sở hữu được nó rồi, chúng ta mới bang hoàng nhận ra rằng không phải như vậy.

Nhân vật cô Vương trong bộ phim truyền hình Trung Quốc có tên "30 chưa phải là hết" cũng là như vậy, cô sống trong một ngôi nhà sang trọng, nguy nga, bên trong toàn là những đồ nội thất đắt tiền.

Căn nhà tuy hào nhoáng nhưng không khí lúc nào cũng trầm lắng, cô đơn, bởi lẽ căn nhà chỉ có bóng dáng của cô và người giúp việc.

Chồng thường xuyên không ở nhà, con cái ở nước ngoài, cô Vương bên ngoài nói chuyện cười đùa với người khác, nhưng khi về nhà lại chẳng có ai để tâm sự.

Cô chỉ có thể tìm kiếm cảm giác tồn tại của mình ở hết nhóm bạn này tới nhóm bạn khác, nhưng họ là bạn hay là bè, chính cô cũng phải đặt câu hỏi.

"Nhà" không mang lại sự ấm áp, cô cũng chẳng thể tìm được điều đó ở người ngoài.

Cũng trong phim, hình ảnh một gia đình khác lại hoàn toàn ngược lại.

Vợ bán bánh kiếm sống, chồng làm nghề giao hàng, dù phải sống trong căn phòng đi thuê chật chội, cuộc sống của họ vẫn luôn rất trọn vẹn.

Ban ngày, vợ bày hàng bán bánh, chồng đi giao hàng khắp nơi, con trai vui vẻ đến trường.

Buổi tối, một nhà ba người chở nhau trên chiếc xe ba bánh đã cũ, vừa nói vừa cười, cùng nhau đi về nhà.

Họ ngồi quây quần bên bàn ăn cùng bữa tối thơm phức, căn phòng nhỏ, ánh đèn mờ ảo, nhưng nụ cười trên môi vẫn luôn rạng rỡ.

So với một người thuộc tầng lớp thượng lưu như nhân vật cô Vương, gia đình họ rất bình thường, thậm chí là nghèo, cả ngày vất vả vì cuộc sống mưu sinh, nhưng có một điều khác biệt đó là, trái tim họ luôn cảm thấy ấm áp, trên môi có nụ cười, trong ánh mắt có niềm vui.

Một ngôi nhà trống vắng, cho dù có sang trọng đến đâu, nó cũng chỉ là một nơi để ngủ.

Được ngồi quây quần bên gia đình, cùng vui cùng cười, căn nhà dù nhỏ bé tồi tàn nhưng sự ấm áp và hạnh phúc vẫn len lỏi trong tim.

Cái gọi là "nhà" không nằm ở việc ngôi nhà sang trọng hay cuộc sống ổn định ra sao, mà là "mọi người luôn ở bên nhau".

02

Ở tuổi trung niên, có một mái ấm để về là một điều may mắn, tuy nhiên, có nhiều người có một mái ấm nhưng lại không muốn về.

Câu chuyện của một blogger có nickname Chuthapbat đã nói lên hết nỗi đau của vô số người trung niên.

Anh Chu và vợ kết hôn đã nhiều năm, thu nhập của cả hai không tồi, cũng được xem là gia đình khá giả.

Nhưng có một vấn đề là anh Chu mỗi ngày tan làm đều không muốn về nhà, nguyên nhân là bởi vợ luôn xem tiền là trên hết, điều này khiến anh cảm thấy bất lực và chán nản.

Có một năm Tết đến, anh thương bà nội hàng ngày phải trông cháu cho hai vợ chồng vất vả nên muốn mua tặng tặng bà một bộ quần áo đắt tiền một chút.

Bà nội xót nói rằng không cần phải mua đồ đắt như vậy, vợ ngồi cạnh cũng thêm mắm thêm muối vào: "Quần áo ngoài chợ rẻ hơn nhiều".

Còn một lần, anh cho em họ vay tiền, nhưng vì chưa có tiền trả nên cậu em họ tạm thời chưa thể trả lại được ngay, vợ thấy vậy suốt ngày nhắc lại chuyện này, đồng thời tỏ ra khó chịu ra mặt.

Ngay cả khi bố ở dưới quê bị bệnh phải nằm viện, anh muốn về thăm thì vợ cũng phản đối nói: "Về cũng có giúp được gì đâu, tốn tiền đi lại".

Những chuyện tương tự như vậy vẫn còn rất nhiều, mỗi lần nhớ lại, anh Chu lại cảm thấy vô cùng xót xa, bất lực.

Vợ lúc nào cũng chỉ muốn tiết kiệm tiền, không quan tâm tới mọi thứ xung quanh, điều này vô tình trở thành nguyên nhân "đẩy" anh ra khỏi nhà, không muốn về nhà mỗi khi tan làm.

Rất nhiều lúc, khi bị áp lực cuộc sống đè nặng, chúng ta luôn cho rằng tiền là quan trọng nhất, nó có thể giải quyết mọi đau khổ trong đời.

Nhưng càng về sau càng phát hiện ra rằng:

Rất nhiều khi, cuộc sống có tốt không, gia đình có ấm áp không, không phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu tiền, mà nằm ở chỗ ngôi nhà ấy chứa đựng bao nhiêu tình yêu thương.

Tôi từng đọc được một câu chuyện về một anh shipper như này:

Một ngày nọ, anh cùng vợ mình đi siêu thị, vợ nhìn thấy quả anh đào ngon nên rất muốn mua, nhưng cầm một hộp lên xem giá, thấy nó quá đắt nên đã bỏ lại xuống.

Anh shipper biết vợ thích ăn, nhưng kể từ sau khi khi có con, cô không dám tiêu tiền cho những thứ đắt đỏ nữa.

Lúc thanh toán, anh shipper âm thầm bỏ hộp anh đào vào trong xe đựng đồ.

Người vợ nhìn thấy, miệng tuy nói "đắt lắm, lãng phí anh ạ!", nhưng khuôn mặt lại rạng rỡ như hoa.

Đúng vậy, tiền tiêu hết rồi có thể kiếm lại được, nhưng tim khi đã nguội lạnh rồi thì rất khó để ấm áp trở lại.

Goethe từng nói: "Dù là vua hay nông dân, gia đình hòa thuận là hạnh phúc nhất".

Có tiền mà không có cái "tình", chẳng thể sưởi ấm được trái tim; hòa thuận yêu thương mới có thể nuôi dưỡng hạnh phúc.

Nếu mái ấm không đong đầy hạnh phúc, "tâm" biết phải đi về đâu?

Ý nghĩa thực sự của một chữ "nhà", đó là nơi chứa đựng tình yêu thương, sự bao dung và thấu hiểu mà thế giới bên ngoài không thể ban tặng được.

Người nhà với nhau, bớt một phần so đo, thêm mười phần đùm bọc, để "nhà" có thể thực sự là nơi giúp ta tránh mưa tránh bão!

03

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn".

Còn nhớ khi mới đi làm, vì lỗi của đồng nghiệp mà tôi bị sếp mắng, khi ấy cảm thấy vô cùng tủi thân.

Buổi tối tan làm về không buồn ăn cơm, đúng lúc đấy mẹ gọi video tới, vừa kể cho tôi chuyện ở nhà vừa dặn dò tôi đủ thứ.

Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của mẹ, và cả căn phòng thân thuộc phía sau lưng, tôi bỗng chốc cảm thấy như mình đang được về nhà.

Mọi buồn bực tủi thân đều tan biến, tất cả được thay thế bằng sự mong mỏi ngày được về nhà, nhớ bữa cơm mẹ nấu, nhớ câu chuyện mẹ kể.

Nói chuyện với mẹ xong, tôi đi nấu cơm ăn, hôm sau lấy lại tinh thần tiếp tục chiến đấu.

Nhà là cõi thanh tịnh trong lòng những kẻ lang thang, và cũng là nơi tốt nhất để chữa lành.

Nhà là vòng tay ấm áp của người mẹ, cũng là nỗi nhớ da diết nhất của những người con xa quê.

Mỗi khi buồn, nhớ đến căn nhà phương xa, trong lòng như có chút an ủi.

Sự nghiệp gặp trắc trở, nghĩ tới việc ở nhà có người chờ đợi, dũng khí lại được tiếp thêm.

Chuyện tình cảm trắc trở, nhận được quan tâm từ cha mẹ, trong lòng cảm thấy ấm áp hơn.

Những áp lực khác nhau của cuộc sống không thể xóa nhòa nỗi nhớ quê hương; gió và tuyết bạn đã trải qua cũng sẽ bị tan chảy bởi sự dịu dàng của một chữ "nhà".

Sự hiện hữu của hai chữ "gia đình" chính là quê hương của tâm hồn.

Trong suốt quãng đời còn lại, hãy yêu thương nhiều hơn, đừng để những người yêu thương mình cảm thấy lạnh lẽo, rảnh rỗi thì thường xuyên về nhà, ở bên cạnh những người yêu thương bạn nhất trên thế gian này.

Có một thứ hạnh phúc thiết thực nhất trên đời, đó là: ngồi ngoài sân nhà, nheo mắt ngắm hoàng hôn.

 

Theo Trí Thức Trẻ

 

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU