Bé qua đời vì virus Adeno
Mới đây, mạng xã hội facebook đang xôn xao truyền tay nhau dòng chia sẻ của một cô gái về trường hợp của cháu ruột mình đã qua đời vì nhiễm virus Adeno.
Theo đó, chủ tài khoản T.N.L (Hà Nội) cho biết, khi đọc được câu chuyện em bé bị viêm phổi kéo dài sau 3 tuần do nhiễm virus Adeno, cô đau lòng nhớ đến trường hợp thương tâm của cháu mình. Cháu của L cũng đã từng nhiễm loại virus đáng sợ này nhưng cháu cô không được may mắn cứu sống vì phát hiện quá muộn, tử vong khi mới 10 tháng tuổi.
Chia sẻ trên facebook cá nhân, T.N.L viết: "Cháu ruột mình mới 10 tháng cũng mắc phải con virus Adeno như bé này, bé đã nằm viện hơn 2 tháng và đã mất cách đây mấy tuần.
Con virus này thực sự rất nguy hiểm khi trên thế giới không hề có thuốc chữa trị, không có vắc-xin mà nó phụ thuộc toàn bộ vào sức để kháng của bé. Bé sẽ phải tự chống chọi với virus, bé có thể thắng và cũng có bé sẽ không vượt qua.
Cháu mình bị sốt gần 2 tháng trời, cả nhà phát điên lên vì làm xét nghiệm các kiểu mà không tìm được nguyên nhân. Cháu bị sốt liên miên 39 – 40 độ, người lớn sốt 39 – 40 độ mấy ngày còn đuối, chứ đừng nói tới em bé phải chịu sốt liên miên hơn 2 tháng.
Càng xét nghiệm thì thấy cháu càng bị nhiều bệnh. Nào thì viêm ruột, viêm tiết niệu, dịch sản, trướng bụng, phù nề, nhiễm trùng máu… Nhưng khi xét nghiệm ra các bệnh đó, bác sĩ bảo vẫn không phải nguyên nhân gây sốt và tiếp tục làm các xét nghiệm khác.
Sau khi biết về virus, đọc các bệnh virus gây ra thì cháu mình bị đủ hết các bệnh nó gây ra, cuối cùng là viêm phổi, hoại tử rồi tử vong…
Cháu bé thực sự rất đáng thương khi bị các loại kim, cắm các loại máy vào người, ven vỡ hết vì phải tiêm truyền trong thời gian dài. Khi quá mệt, bé nằm đó và chảy nước mắt, ánh mắt cầu cứu mà không ai hiểu bị làm sao".
Chia sẻ về cái chết của người cô ruột
Chia sẻ này nhanh chóng được cả nghìn lượt quan tâm và chia sẻ. Điều đặc biệt, mọi người đều lo lắng về căn bệnh do virus này.
Chia sẻ này được chủ tài khoản gửi đi với mong muốn tuyệt đối không thể chủ quan trước các biểu hiện sức khỏe của con. Bởi nếu mắc bệnh thì diễn biến rất nhanh, phải cho con vào viện từ sớm để điều trị kịp thời. Khi con ốm cần ghi lại diễn biến bệnh của con từng ngày để có thể cung cấp cho bác sĩ trong trường hợp con cần nhập viện.
Virus Adeno là gì?
Trước đó, tại Trung tâm Sản nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ các bác sĩ cũng cấp cứu một trường hợp bệnh nhi bị sốt từng đợt các bác sĩ đã phát hiện trẻ nhiễm virus Adeno.
Theo BSCKI Bùi Thị Đến – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Adeno là một dạng virus, gây ra các bệnh cấp tính với triệu chứng bệnh đa dạng.
Loại virus này chủ yếu lây lan qua đường hô hấp và gây ra các bệnh ở đường hô hấp trên như viêm mũi và đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, từ đó gây ra tình trạng sốt, ho…
Viêm phổi do adeno virus gây ra có tỉ lệ tử vong lên đến 8% - 10%. Virus adeno cũng có thể gây ra các bệnh như viêm kết mạc, viêm dạ dày và ruột cấp tính hay viêm bang quang chảy máu ở trẻ em.
Bệnh do adeno virus rất dễ lây truyền cả trực tiếp và gián tiếp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), virus Adeno là một nhóm virus phổ biến có thể gây ra đau bụng, viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt và viêm bàng quang hoặc nhiễm trùng.
Đa số mọi người mắc virus này có thể tự khỏi nhưng ở một số trường hợp người bệnh sức đề kháng kém, mang các bệnh mãn tính khác hoặc gặp phải chủng có độc lực cao thì có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn như: suy hô hấp, viêm phổi hoặc tổn thương thần kinh.
Virus này thường lây qua tiếp xúc gần gũi giữa các cá nhân như chạm vào nhau, ho, hắt hơi hoặc bắt tay, hoặc chạm vào bề mặt bị ô nhiễm, sau đó chạm vào miệng, mũi, mắt của một người khác.
Để phòng bệnh này, bác sĩ Đến lưu ý nên duy trì chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, tăng cường các loại vitamin để tăng sức để kháng cho cơ thể, hạn chế tụ tập nơi đông người, nên sử dụng khẩu trang khi đi ngoài đường và giữ ấm cơ thể. Với trẻ nhỏ, cần hạn chế người lớn thơm, hôn để tránh lấy bệnh đường hô hấp.
Theo Trí thức trẻ