Sự 'bất thường' trong ca thứ 2 nhiễm biến chủng Omicron ở Trung Quốc

Ca thứ hai nhiễm biến chủng Omicron ở Trung Quốc có thời gian ủ bệnh lâu 'bất thường'.

Ca thứ hai nhiễm biến chủng Omicron được công bố tại Trung Quốc vào ngày 14/12 là một người đàn ông đi từ nước ngoài. Người này đã hoàn thành 2 tuần cách ly tập trung và sau đó 3 ngày mới phát hiện nhiễm biến chủng Omicron. 

Ca bệnh hiện được xem là thách thức đối với chiến lược “không ca mắc Covid-19” mà chính phủ Trung Quốc thi hành kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020.

Trước đó, vào ngày 13/12, tờ Tianjin Daily đưa tin Trung Quốc có ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên là một du khách đến từ nước ngoài ở thành phố cảng Thiên Tân. Theo đó, du khách này có mặt ở thành phố Thiên Tân vào ngày 9/12 và đang được điều trị cách ly trong bệnh viện.

 

Sau khi tới Quảng Châu, người đàn ông tiếp tục cách ly tại nhà. Ông này được lấy mẫu xét nghiệm lại vào ngày 12/12, nghĩa là 15 ngày kể từ ngày khi có mặt tại Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả công bố vào sáng ngày 13/12 cho thấy bệnh nhân có kết quả dương tính. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc xác nhận nam bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron.Liên quan tới ca nhiễm Omicron thứ 2, nam bệnh nhân 67 tuổi có mặt ở thành phố Thượng Hải hôm 27/11 và  thực hiện 2 tuần cách ly tập trung. 

Trong thời gian cách ly, người này liên tiếp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona. Người đàn ông sau đó bay từ Thượng Hải tới thành phố Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông trên chuyến bay CA1837 của hãng hàng không AirChina. Nhân viên của AirChina xác nhận chuyến bay gần như không còn chỗ trống, khi toàn bộ khoang hạng phổ thông có khách ngồi và chỉ còn 6 ghế ở hạng thương gia.

Không giống như ca bệnh ở thành phố Thiên Tân, nam bệnh nhân 67 tuổi đã phát triệu chứng. Ông hiện được điều trị cách ly tại bệnh viện. 10.544 người từng tiếp xúc với nam bệnh nhân cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm và toàn bộ đều có kết quả âm tính.

Hiện cơ quan chức năng Trung Quốc không tiết lộ thông tin về thời gian, địa điểm và bằng cách nào nam bệnh nhân nhiễm Omicron. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính trung bình, người nhiễm biến chủng Omicron mất từ 5 – 6 ngày để phát triệu chứng, nhưng cũng có trường hợp mất tới 14 ngày.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về mức độ lây lan nhanh của biến chủng Omicron, cũng như thời gian ủ bệnh. Do Omicron chứa nhiều đột biến, các chuyên gia lo ngại khả năng biến chủng này có tốc độ lây lan nhanh hơn những biến chủng trước của virus corona bao gồm Delta, và có khả năng né tránh các loại vắc xin Covid-19 đang được sử dụng.

Hồi tháng 11, 2 du khách trở về Hong Kong được xác định nhiễm biến chủng Omicron, dù họ ở khác phòng nhưng cùng tầng trong một trung tâm cách ly tập trung. Chuyện này khiến các nhà khoa học tin rằng khả năng Omicron đã lây truyền qua đường không khí ở lối hành lang.

Ông Jin Dongyan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong chia sẻ với CNN rằng, “có vài khả năng xảy ra” liên quan tới ca nhiễm Omicron ở thành phố Quảng Châu bao gồm khả năng người này nhiễm virus khi có mặt trên lãnh thổ Trung Quốc.

“Nhiều ca bệnh đã xuất hiện khi đang thực hiện cách ly tập trung”, ông Jin cho hay, virus corona có thể có thời gian ủ bệnh là 14 ngày, nhưng chuyện này là “bất thường”.

“Khả năng phương pháp xét nghiệm Covid-19 chưa đủ nhạy để phát hiện biến chủng Omicron. Điều rất quan trọng là tìm hiểu liệu ca bệnh từng thực hiện cách ly tập trung ở thành phố Thượng Hải có phải bị nhiễm Omicron trước thời điểm về Trung Quốc, hay bị nhiễm khi đang cách ly tập trung. Truy vết nguồn nhiễm bệnh là quan trọng hơn”, ông Jin nói thêm.

Trước đó, truyền thông và các quan chức y tế Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ tự tin chính sách xét nghiệm đại trà sẽ nhanh chóng phát hiện các ca nhiễm virus, và chiến lược “không ca mắc Covid-19” vẫn sẽ phát huy hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh lây lan bao gồm cả với biến chủng Omicron.

Theo quy định của Trung Quốc, toàn bộ người đi từ nước ngoài đều phải làm xét nghiệm Covid-19 trước khi rời khỏi sân bay và sau đó thực hiện cách ly tập trung 2 tuần đồng thời tiếp tục cách ly tại nhà. Quá trình này nhằm ngăn chặn người từ nước ngoài về tiếp xúc với cộng đồng dân cư, cho tới khi họ hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc.

Trong bối cảnh Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh sắp diễn ra vào tháng 2/2022, chính quyền Trung Quốc càng đẩy mạnh công tác ngăn chặn các đợt bùng phát dịch ở địa phương. Bởi trên thực tế, trong vòng 8 tuần gần đây, Trung Quốc liên tiếp báo cáo có các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở nhiều khu vực tỉnh thành.

Như hôm 14/12, tỉnh Chiết Giang, trung tâm xuất khẩu và sản xuất quy mô lớn của Trung Quốc, xác nhận có 44 ca mới mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh trong vòng 1 tuần ở tỉnh này lên con số hơn 200.

Chính quyền tại những khu vực xác định có các ca bệnh cũng nhanh chóng cho phong tỏa khu vực dân sinh, dừng hoạt động kinh doanh, tổ chức sự kiện, hội họp, hàng không, cầu cảng và dịch vụ xe buýt.

Giới hạn đi lại ở các khu vực có nguy cơ từ trung bình tới cao mắc Covid-19 sẽ được thi hành cho tới ngày 15/3/2022, tức sau khi Thế vận hội mùa Đông kết thúc.

Việc đảm bảo dịch Covid-19 không bùng phát ở thủ đô Bắc Kinh hiện là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc. Toàn bộ các chuyến bay từ thành phố Ninh Ba của tỉnh Chiết Giang tới Bắc Kinh đều bị hủy bỏ. Trong khi đó, máy bay từ thành phố Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang tới Bắc Kinh cũng chỉ được phép 1 chuyến/ngày.

Ở nhiều khu vực khác trên lãnh thổ Trung Quốc, các ca mới mắc Covid-19 cũng được báo cáo. Như ở phía bắc, khu tự trụ Nội Mông có 5 ca phát triệu chứng và 4 ca không phát triệu chứng vào ngày 14/12. Các tỉnh khác như Hắc Long Giang và Thiểm Tây báo cáo mỗi địa phương có 1 ca bệnh, theo Uỷ ban Y tế Trung Quốc.

Còn tại tỉnh Quảng Đông, 2 người ở trung tâm sản xuất Đông Hoản đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona hôm 13/12, khiến địa phương buộc phải phong tỏa để chặn dịch.

 

Link gốc: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/su-bat-thuong-trong-ca-thu-2-nhiem-bien-chung-omicron-o-trung-quoc-400430.html

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU