Latuka (còn gọi là Otuho hay Lotuko) là một bộ lạc thuộc các bộ tộc bản địa Châu Phi, sống trong bang Equatoria, Nam Sudan (quốc gia ở Bắc Phi).
Truyền thống cưới hỏi đặc biệt nhất thế giới
Hiện tại, dân số Latuka dao động trong khoảng 500.000-700.000 người. Tất cả sống rải rác trong các vùng cao của Equatoria, phía Nam Sudan.
Bất chấp nền văn minh hiện đại đã đến từ lâu, người Latuka kiên trì giữ nếp sống bán du mục cũ. Họ dựa vào hoạt động nông nghiệp tự cung tự cấp, bao gồm chăn nuôi (cừu và dê), trồng trọt (cao lương, lạc, ngô, vừng…) và săn bắt cá hoang.
Các thành viên trong bộ lạc Latuka không tư hữu mà theo lối sống "của chung". Mọi người chia sẻ nhau đất đai và thực phẩm. Trong mỗi nhóm cũng không có tộc trưởng. Thay vào đó là các bô lão giàu kinh nghiệm sống đứng ra dẫn dắt mọi người.
Đặc biệt, Latuka sở hữu văn hóa cưới hỏi lạ lùng nhất trần đời. Trong khi đa phần thế giới đều theo một trong hai hình thức cưới hỏi: tự tìm hiểu và quyết định hoặc "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", nam nữ Latuka trải nghiệm một "quy trình" hoàn toàn khác biệt: Đó là bắt cóc trước, xin cưới sau.
Phụ nữ Latuka bị bắt cóc trước khi được hỏi cưới
Nếu một người đàn ông Latuka ưng mắt thiếu nữ nào đó, anh ta sẽ bắt cóc cô nàng về trước. Sau đó mới cùng người lớn trong gia đình đến nhà cô gái, xin phép cha cô cho được thành hôn.
Nếu cha cô gái đồng ý, ông sẽ thể hiện bằng việc cho anh chàng nọ... một trận no đòn. Còn nếu không tác thành, thì chỉ trả lời "Không".
Trong trường hợp bị cha cô gái từ chối, nam giới Latuka có 2 lựa chọn: cứ cưới, hoặc trả "nàng" về với cha.
Nam giới sẽ phải chịu đòn để được vợ
Không quá tàn nhẫn như phương Tây phê phán
Suốt nhiều năm, văn hóa phương Tây tỏ ra bất bình với tục lệ "cướp trước, hỏi sau" này của người Latuka. Họ phân tích rằng phụ nữ Latuka hoàn toàn bị động, và văn hóa cưới xin ấy là quá gia trưởng và độc đoán. Phụ nữ Latuka không có bất cứ quyền gì trong "hôn nhân đại sự". Vì thế, hủ tục này cần phải được xóa bỏ hoặc thay đổi.
Tuy nhiên nếu đi sâu tìm hiểu, bạn sẽ thấy đằng sau biểu hiện bên ngoài gây sốc này là một tập quán thú vị cực kỳ.
Trông vậy mà không phải vậy
Không có bất cứ tài liệu nào khẳng định rằng, Latuka cấm nam nữ đơn thân hẹn hò. Mặc dù bắt cóc cô dâu tương lai là hành động ép buộc, nhưng nó cũng chỉ "thuận buồm xuôi gió" trong trường hợp nàng cũng ngầm đồng ý.
Nếu đối chiếu với văn hóa hẹn hò ở phương Tây, nó hao hao sống thử (hoặc sống chung) trước khi nên vợ thành chồng hợp pháp. Không ít các cặp đôi trên thế giới đã hẹn hò và sống chung nhiều năm rồi mới đăng ký kết hôn, làm đám cưới.
Nam thanh thiên Latuka cũng không toàn quyền "thích làm gì thì làm", mà phải dưới sự cho phép của cha mẹ đôi bên. Tuy anh ta phải chịu đòn để được phép rước "con gái bố", nhưng vụ đánh đập cũng nhẹ nhàng thôi. Cha cô dâu thường chỉ đánh lấy hình thức, cho đúng với tập tục, chứ không nặng tay "đập" đến sống dở chết dở giống lời đồn đãi.
Sự lãng mạn tuyệt vời
Vả lại, ngay cả khi "bố vợ tương lai" thật sự đánh anh chàng dám "đụng vào con gái cưng" đến sống dở chết dở, đó cũng chỉ là biểu hiện của sự thương yêu vô hạn với con gái. Hãy cứ giả sử "con gái rượu" của mình bị gã nào đó dắt đi qua đêm mà xem, bạn sẽ đối xử với anh ta như thế nào?
Chưa hết, anh chàng bắt cóc còn quay lại nhận lỗi và chịu trách nhiệm hoàn toàn. Bất kể bị cha cô gái đánh đập cỡ nào, anh ta cũng chịu đựng hết.
Bộ tộc hòa bình, vui vẻ chứ không có chuyện tàn nhẫn như lời đồn
Nói cách khác, mọi chàng trai Latuka đều ý thức được phải trả giá ra sao cho hành động "cướp con gái của nhà người ta". Trừ khi hết lòng yêu thương và muốn chung sống với nhau trọn kiếp, liệu có người đàn ông nào lại sẵn sàng đánh đổi đến mức ấy?
Cuối cùng, dù có bị "cha nàng" từ chối, nam giới Latuka vẫn có thể chọn không buông tay người mình yêu. Giả sử cô gái cũng có tình cảm với chàng trai, liệu còn niềm hạnh phúc nào to lớn hơn thế?
Mọi vấn đề đều có mặt sáng và mặt tối. Văn hóa cưới hỏi Latuka không phải man rợ hay đáng sợ, mà chỉ đơn giản là độc đáo và khác biệt. Cứ nhìn vào sự hòa bình, thân ái trong bộ lạc Latuka là thấy được ngay. Hạnh phúc không bắt nguồn từ sự cưỡng ép hay chịu đựng. Nó chỉ tồn tại khi đôi bên thật dạ yêu thương và muốn cùng nhau "chia ngọt sẻ bùi" trọn đời.
Tham khảo: Face Africa
Theo Theo Tri thức trẻ