Bệnh nhân bị đái tháo đường và vẫn đi khám đều đặn. Tuy nhiên, các thuốc bác sĩ cho bệnh nhân không dùng mà dùng loại thuốc theo mách bảo của các bạn già trong nhóm đi chùa: Thuốc đông y viên hoàn hạ đường huyết. Sau 3 tháng, bệnh nhân sụt 8 cân, một ngày bệnh nhân thấy mệt, thở nhanh vào cấp cứu.
Bác sĩ nghi ngờ toan máu, làm ngay khí máu tại cấp cứu, pH: 6,7 - PGS Hải cho biết đây mức hiếm khi thấy người còn sống; ngộ độc Phenformin. Bệnh nhân nhanh chóng được lọc máu cấp, đến nay đã tỉnh táo, có thể nói chuyện được.
PGS Hải cảnh báo các thuốc đái tháo đường cũ, là cái chết của bao người thiếu hiểu biết.
Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, BVĐK Hà Đông cấp cứu cho ông N.V.P. 67 tuổi. Bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng suy đa tạng. Bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và chẩn đoán sơ bộ: Nhiễm toan chuyển hóa nặng - suy đa tạng do ngộ độc thuốc nam, đái tháo đường type 2.
Đến nay các chỉ số của bệnh nhân đã ổn định.
Ông P. có tiền sử bệnh đái tháo đường và đang sử dụng một loại thuốc điều trị đái tháo đường không rõ nguồn gốc xuất xứ, dạng viên màu vàng không có nhãn mác, không rõ thành phần, không có hàm lượng và nơi sản xuất, được người nhà mua theo quảng cáo truyền miệng.
Bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài các bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa kết hợp với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý.
Đến nay, thế giới chưa có loại thuốc nào giúp chữa dứt điểm bệnh tiểu đường chỉ sau một vài đợt điều trị. Do vậy hiện nay có nhiều gian thương lợi dụng sự lo lắng, thiếu kiên trì của bệnh nhân để quảng cáo về những phương thuốc bí truyền có thể chữa khỏi bệnh này.
Để tránh tiền mất tật mang có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, các bác sĩ cảnh báo người bệnh không nên mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đặc biệt là viên thuốc dạng viên hoàn, bài thuốc bí truyền chưa được kiểm định để tự điều trị tiểu đường.
https://soha.vn/hai-hung-benh-nhan-suyt-chet-vi-bo-thuoc-bac-si-ke-uong-theo-ban-gia-mach-20220427074326465.htm
Theo soha.vn