Suýt thay đổi luật vì không có người kế vị nhưng đến khi hoàng tử chào đời, Hoàng gia Nhật lại dạy dỗ con "lạ lùng" như thế này

40 năm mới có hoàng tử, cứ ngỡ Hoàng gia Nhật sẽ vô cùng yêu chiều, bao bọc cậu bé. Nhưng thực tế lại không như vậy.

Hoàng tử Hisahito sinh ngày 6/9/2006, là người con thứ ba và là con trai duy nhất của Thân vương Fumihito và Thân vương phi Kiko. Cậu bé cũng là Hoàng tử duy nhất được sinh ra trong hơn 4 thập kỷ qua của Hoàng gia Nhật .

Do Tân Nhật hoàng Naruhito không có con trai nên sau khi ông lên ngôi, danh sách người thừa kế ngai vàng đã bị thu hẹp lại chỉ còn 2 người đó là Thái tử Akishino (tức Thân vương Fumihito) và Hoàng tử bé Hisahito. 

Như vậy trong tương lai, Hoàng tử bé sẽ gánh trọng trách kế thừa Hoàng gia Nhật.

Hoàng tử Hisahito ngày nhỏ.

Trước đó, khi cả Nhật hoàng Naruhito và Thân vương Fumihito đều chưa có con trai, Koizomi Junichiro, Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ đã phát biểu trong một hội nghị năm 2006 rằng ông có ý định trình một dự luật ra quốc hội. 

Dự luật nhằm mở đường cho việc thay đổi luật Hoàng thất, trong đó cho phép hoàng nữ được kế vị. Tuy nhiên dự luật này đã được hủy bỏ sau khi Hoàng tử bé Hisahito chào đời.

40 năm mới có Hoàng tử, cứ ngỡ Hoàng gia Nhật sẽ vô cùng yêu chiều, bao bọc cậu bé. Nhưng thực tế lại không như vậy. 

Dù mang địa vị tôn quý hơn người nhưng Hoàng tử bé lại không được nhận nhiều biệt đãi. Cậu trải qua tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác, không chỉ vậy còn học tập tại trường bình dân.

Bức ảnh chụp hoàng tử năm ngoái nhân dịp sinh nhật tuổi 13.

Không nhập học ở trường Hoàng gia

Theo truyền thống của Hoàng gia Nhật, các công chúa hoàng tử sẽ theo học trường tiểu học Gakushuin - một ngôi trường dành riêng cho các thành viên hoàng gia. 

 

Tuy nhiên Thân vương Fumihito và Thân vương phi Kiko lại quyết định cho con học tại một trường tiểu học bình dân. 

Điều này khiến dân chúng vô cùng ngạc nhiên. Được biết, vợ chồng Thân vương muốn con được tiếp nhận nền giáo dục bình thường, không có sự đối xử đặc biệt nào cả.

Theo họ, điều này sẽ rất có ích cho việc kế vị sau này của hoàng tử bé. Những trải nghiệm quý báu khi học tập với những người bạn, những đứa trẻ có hoàn cảnh, nguồn gốc khác nhau sẽ giúp hoàng tử hiểu được cảm xúc, cuộc sống của dân thường. 

Cơ quan điều hành hoàng gia sau đó cũng phát biểu về việc này như sau: "Đó rõ ràng là một quyết định tự nhiên. Nó đánh giá cao mối quan hệ bạn bè và môi trường bình dân".

Bên cạnh đó, hoàng tử bé cũng không nhận được bất kỳ đặc quyền gì ở trường học. Cậu bé được mọi người gọi tên thật, xưng hô như bình thường mà không kèm theo chức vị. 

Trong ngày lễ khai giảng, Hoàng tử bé đã "Vâng" dõng dạc khi được giáo viên gọi tên Akishinonomiya Hisahito trước toàn trường. Khoảnh khắc này khiến tất cả mọi người vô cùng xúc động và ấn tượng.

 

Tuổi thơ vui vẻ, hồn nhiên như bao đứa trẻ thường dân

Hoàng gia Nhật vốn rất coi trọng hình ảnh và có nhiều quy tắc. 

Các hoàng tử và công chúa luôn phải cư xử theo đúng tác phong, giữ gìn lễ nghi. Tuy nhiên Hoàng tử Hisahito thì không. Cậu bé được tự do vui đùa, sống với đúng lứa tuổi của mình.

Có thông tin cho rằng, hoàng tử bé không chơi điện thoại, thay vào đó sẽ ra ngoài vườn vui chơi, nô đùa cùng các chị gái. Cậu thích bắt côn trùng, thích đạp xe có 2 bánh thăng bằng mà các chị đã dùng trước đó. 

Hoàng tử bé cũng không bị bắt buộc phải suốt ngày ở hoàng cung mà được phép đi ra ngoài phám phá thiên nhiên, cỏ cây, được phép vui đùa, nhảy nhót và làm điều mình thích.

Hoàng tử được vui chơi như bao đứa trẻ bình thường khác.

Không chỉ vậy, Hoàng tử Hisahito còn được học nhiều kỹ năng sống như kỹ năng cuốc đất làm vườn. 

Kể từ mùa thu 2015, Thân vương Fumihito đã cho làm một cánh đồng nhỏ trong hoàng cung, tạo điều kiện cho các con tham gia trồng lúa, rau củ. 

 

Ngay từ khi còn nhỏ, hoàng tử bé và các chị gái đã được tham gia vào công việc đồng áng. Đây là cách mà Thân vương Fumihito giúp các con hiểu được giá trị lao động và sự vất vả của người nông dân.

Được dạy về nguồn cội, những giá trị đạo đức

Hoàng tử bé Hisahito thường được bố mẹ đưa tới thăm lăng mộ của Hoàng đế Jinmu - Hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản ở tỉnh Nara và lăng mộ của Hoàng đế Showa, Hoàng hậu Kojun ở Tokyo cũng như đài tưởng niệm Ise Grand Shrines ở tỉnh Mie.

Hoàng tử Hisahito cũng thường xuyên tới thăm ông bà nội, gần đây nhất là tại Cung điện hoàng gia vào cuối tuần. Những hành động này nhằm giúp hoàng tử bé luôn nhớ đến cội nguồn và gốc gác, dân tộc cũng như sứ mệnh của mình.

Link báo gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/suyt-thay-doi-luat-vi-khong-co-nguoi-ke-vi-nhung-den-khi-hoang-tu-chao-doi-hoang-gia-nhat-lai-day-do-con-la-lung-nhu-nay-2220202467629587.htm

Theo Trí Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU