Có lẽ mỗi người đều sẽ suy ngẫm và tự rút ra cho mình một thông điệp sau khi xem bộ phim tài liệu “Ranh giới” của VTV. Trong những khung hình, những thước phim chắp nối, ta thấy ở đó những con người đang quay cuồng giành giật sự sống với cái chết, ta thấy những cuộc giằng co khốc liệt giữa lằn ranh sinh tử, ta thấy những nhân dạng, những nỗi đau, sự tuyệt vọng và cả niềm hy vọng.
Không một lời dẫn chuyện, chỉ đơn giản là những hình ảnh cứ thế hiện lên, trực tiếp đẩy ta vào giữa tâm bão. Ngồi xuống với chúng tôi trong một cuộc trò chuyện qua Facetime vào buổi tối, sau cái ngày bộ phim lên sóng, đạo diễn của “Ranh giới”, anh Tạ Quỳnh Tư chia sẻ, thậm chí anh còn chưa lên mạng xã hội để xem mọi người nói gì về bộ phim của mình, dù những phản hồi đều đã được bạn bè chia sẻ lại.
Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện về những gì anh đã trải qua trong suốt 21 ngày tại bệnh viện Hùng Vương, những gì anh đã chứng kiến, và cả những tranh luận xung quanh bộ phim.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư
Khi biết anh vào tâm dịch sản xuất, điều đầu tiên mà gia đình nói với anh là gì?
Được cái, vợ tôi cũng làm trong ngành truyền hình nên rất hiểu công việc của nhau. Khi tôi nói chuyện sẽ vào TP.HCM tác nghiệp, mọi người chỉ động viên là phải cẩn thận, làm nhanh về sớm. Gia đình không bất ngờ, bởi ai cũng hiểu trên tinh thần là mình đã theo nghề báo thì xác định luôn khi cần sẽ như một phóng viên chiến trường thôi. Có công việc cần tuyên truyền thì phải đi.
Tạ Quỳnh Tư và "Ranh Giới": Nếu những bệnh nhân tôi quay mà người ta phản đối thì gia đình họ đã gọi phản ánh rồi, khán giả lại đi lo hộ người ta
Khó mà nói rằng không có một nỗi sợ nào xuất hiện trong chuyến công tác này. Vậy nếu có, thì nỗi sợ của anh là gì?
Đúng là tâm trạng của tôi không hề có chút sợ hãi. Tôi thậm chí còn xác định luôn là mình vẫn có thể lây nhiễm trong quá trình tác nghiệp, nhưng vì tiêm 2 mũi vaccine rồi nên nghĩ nếu có nhiễm cũng sẽ… nhẹ thôi. Chính vì thế mà quá trình vào tác nghiệp, chúng tôi xác định làm thế nào nhanh nhất có thể, để nếu có chẳng may nhiễm Covid thì cũng đã hoàn thành công việc.
Khó khăn lớn nhất khi anh tác nghiệp?
Khó khăn lớn nhất nằm ở giai đoạn trước khi đi, đó là lúc chúng tôi phải xác định mình sẽ làm gì. Sau khi chọn được đề tài về các thai phụ mắc Covid thì mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn. Quá trình tiến hành ghi hình có nhiều khó khăn về điều kiện tác nghiệp, đồ bảo hộ rất nóng, rồi trang thiết bị, tiếng thu thế nào? Khử khuẩn ra sao? Khó khăn lớn nhất là khi đã vào tận nơi, đối mặt với những ca cấp cứu, với những tình huống bệnh nhân lên cơn khó thở, họ thèm được thở và những giây phút y bác sĩ quên mình giành giật sự sống. Khi đó, khó khăn lớn nhất mà mình bị đặt vào là làm thế nào để có thể ghi lại được những hình ảnh đắt giá nhưng cũng phải nhân văn và truyền tải hết những thông tin mà mình mong muốn.
Và còn những người đồng đội, anh có thể chia sẻ một chút về họ. Sau mỗi trải nghiệm lớn của cuộc đời, chúng ta thường có sự thay đổi. Trước khi bắt đầu chuyến công tác và sau khi trở về nhà, anh có nhận thấy trong mình có sự thay đổi?
Có. Chuyến đi này đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm bổ ích. Tôi đã hoàn thành công việc, đã thực hiện một bộ phim, cũng đã gửi gắm được rất nhiều những điều mình mong muốn đến người xem. Còn với cá nhân tôi, tôi rút ra được 1 điều quý báu cho riêng mình. Khi chứng kiến những thai phụ F0 đang thèm khát hơi thở, nhìn lại mình đang được thở bình thường, tôi thấy mình quá may mắn. Ranh giới giữa sự sống và cái chết quá đỗi mong manh, chỉ trong tích tắc có thể không còn nữa. Điều đó khiến cuộc sống này thật ngắn ngủi và mình trân quý những gì đang có. Và, hãy dành thời gian để yêu thương nhau nhiều hơn. Đó là những gì tôi cảm nhận được.
Anh nhận ra sự thay đổi đó sau mỗi ngày hay nó cứ âm thầm diễn ra rồi anh chiêm nghiệm lại?
Thực ra, nó cho tôi những nhìn nhận qua từng ngày, cứ thế tích lũy dần và tôi đúc kết lại. Hãy cảm ơn cuộc đời ta đang có, ta đang được tận hưởng, được sống trong một môi trường ngày ngày bình yên. Đâu đó, đang có những người phải giành giật từng hơi thở. Và cả những người đang tham gia công tác chống dịch nơi tuyến đầu, họ vất vả đến nhường nào!
Có trải nghiệm nào trong quá trình ghi hình khiến anh ghi dấu nó mãi mãi?
Tôi ghi nhận rất nhiều trải nghiệm trong chuyến đi lần này. Đặc biệt với những thước phim chúng tôi có mặt trực tiếp. Những nhân vật mà chúng tôi được quen biết, chào hỏi, ghi hình. Chỉ hôm nay thôi nhưng ngày mai đã không qua được cơn bạo bệnh. Rồi cả những cuộc điện thoại gấp gáp mà những F0 gọi về cho gia đình, tiếng bíp bíp mỗi khi bác sĩ phải nhấn tim để cứu bệnh nhân. Và hình ảnh một bệnh nhân muốn nhìn thấy con mình lần cuối mà không thể. Một mong muốn rất nhỏ nhoi nhưng lại không thể thực hiện. Đó đều là những giúp ta mường tượng được sự khắc nghiệt của COVID.
Đây là một sự kiện có tính lịch sử với cuộc đời làm nghề của phóng viên. Chúng tôi được vào tâm của tâm dịch, được tận mắt ghi hình và chứng kiến, chia sẻ những câu chuyện của các bệnh nhân. Bản thân đó đã là một trải nghiệm khó quên rồi. Trong hành trình làm nghề ấy, trong nơi tiếp xúc với bệnh nhân ấy, thậm chí có những lúc chúng tôi phải buông máy để hỗ trợ bác sĩ trong việc di chuyển bệnh nhân. Có những lúc, tôi phải dừng lại không thể bấm máy vì chứng kiến sự đau đớn của người bệnh. Còn rất nhiều những sự chứng kiến nữa cứ thế đan xen lẫn lộn, tạo cho tôi cảm giác đây chính là chuyến công tác có 1-0-2 trong cuộc đời mình. Tôi nghĩ là vậy.
Một nhân vật ý nghĩa nhất với anh trong quá trình làm phim? Họ đã thay đổi điều gì trong anh?
Mỗi nhân vật lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tôi nhớ lần đầu tiên khi đặt chân tới bệnh viện, tôi chứng kiến một người bệnh không thể thở được, ngay cả khi các y bác sĩ đeo ống thở oxy to hơn thì bạn vẫn không chịu nổi. Rồi ở góc khác, một bệnh nhân khác lại kêu lên: Bác sĩ ơi cứu tôi!.
Với các y bác sĩ, nhìn họ làm việc với một cường độ lớn như vậy cũng cho tôi một động lực để tiếp tục. Tôi nhớ câu chuyện của một điều dưỡng, khi tôi bắt đầu ghi hình cũng là lúc bạn mới làm việc được 3 ngày. Sau 18 ngày, bạn nhiễm Covid. Mãi đến khi đến thăm bạn ở bệnh viện thu dung, chúng tôi mới biết con trai bạn cũng là F0. Và điều đó không làm bạn nhụt chí, điều bạn mong mỏi nhất khi đó là muốn làm sao có thể nhanh khỏi bệnh để trở về và tiếp tục công việc. Chỉ một câu chuyện đó thôi nhưng cũng cho tôi thấy cuộc sống này chắc chắn vẫn sẽ có những khó khăn và ranh giới, nhưng đâu đó, nếu có nghị lực và niềm tin thì ta sẽ vượt qua được ranh giới ấy.
Tôi cũng thấy rất nhiều người đã lay động trước mong muốn "sớm hết bệnh để quay lại làm việc" của người điều dưỡng ở cuối phim. Chỉ một câu nói nhưng cho ta thấy thật nhiều niềm tin và sự an ủi…
Tôi đã đặt bạn ấy làm đường dây dẫn dắt câu chuyện phim. Mở đầu phim, bạn ấy nói: Đã có những lúc, bạn tưởng chừng như chạm tới ranh giới của sự chịu đựng. Đến giữa phim, bạn lại nói: Ranh giới sống chết khiến ta phải sống tử tế và mạnh mẽ hơn. Chính cái mạnh mẽ hơn là sự khích lệ đội ngũ y bác sĩ vượt qua những lần người ta cảm thấy bất lực không cứu sống được bệnh nhân. Cuối cùng, chính bạn và con trai lại nhiễm Covid. Điều đó để lại ấn tượng rất lớn trong tôi. Từ đó, tôi có mượn ý của nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm Mùa lạc: Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình những hy sinh gian khổ. Ở đời này, không chỉ có những con đường cùng, mà còn có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy. Và chính đội ngũ y tế của bệnh viện Hùng Vương nói riêng và cả nước nói chung, đã có đủ sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn và rào cản, cứu chữa cho bệnh nhân.
Trong quá trình ghi hình, đã bao giờ anh rơi nước mắt?
Rất nhiều lần, khi chúng tôi chứng kiến sự khốc liệt giữa tâm bão. Sao ta có thể cầm lòng? Và cả những giọt nước mắt cảm phục nữa. Trong ngày thứ 2, tôi thấy một bác sĩ rất nhỏ, như một sinh viên thôi, nhưng đã làm việc với một cường độ khủng khiếp, chạy rất nhanh và lao động hết mình để chăm sóc bệnh nhân. Bạn ấy đã cho tôi một động lực rất lớn để tiếp tục công việc của mình.
Vậy còn những gì diễn ra trước mắt mà anh chưa kịp kể lại?
Còn thì rất nhiều, nhưng trong phim tôi cố chắt lọc, đưa hình ảnh 1 người bác sĩ động viên chăm sóc bệnh nhân. Tôi lấy một chi tiết rất đắt mà bác sĩ Khánh Phương có nói với đồng nghiệp: Bệnh nhân vào khu K1 này rất đặc biệt, họ không có người thân, người nhà đi cùng. Họ lại nhiễm Covid nữa nên mình làm được gì cho người ta thì làm. Rồi hình ảnh bác sĩ Quân, rất bình tĩnh xử lý những trường hợp ngưng tim, những khoảnh khắc mà mình nhìn thấy cái họ đã quên đi khả năng lây nhiễm để nhấn tim cho bệnh nhân. Đặc biệt là những trường hợp cấp cứu, huy động tổng lực đội ngũ y tế bác sĩ, các khoa chạy về để cùng cứu 1 con người. Và, cả những tình huống buộc họ phải lựa chọn: Mẹ hoặc con...
Những gì diễn ra bên trong các bệnh viện có khiến anh bị shock vì thực tại tàn khốc hơn rất nhiều?
Đúng. Trước khi đi, bản thân tôi cũng không hiểu hết về Covid. Tất cả những gì từng xem trên các phương tiện truyền thông trước đây cũng là hình ảnh người bệnh nằm trên giường và cắm ống thở thôi. Nhưng chỉ khi vào đấy chứng kiến, có đi, có thấm và hiểu thấu, ta mới tường tận những lúc đối diện với sự thèm khát hơi thở khủng khiếp thế nào. Mọi thứ trước kia chỉ là những khoảnh khắc bất động, còn khi thấy họ vật vã, tìm đủ mọi tư thế ngồi sao cho thoải mái nhất, để được thở, vừa dứt lời chào động viên, ngoảnh lại đã thấy cấp cứu - đó đều là những khoảnh khắc để lại rất nhiều ám ảnh.
Để nói về một khoảnh khắc trong phim đáng nhớ nhất với anh, đó sẽ là khoảnh khắc nào?
Nếu được chọn, tôi sẽ chọn khoảnh khắc 20 y bác sĩ và điều dưỡng tập trung cứu chữa một thai phụ. Dù họ không cứu được bệnh nhân, nhưng khoảnh khắc ấy toát lên một tinh thần hết mình vì người bệnh. Một sự đoàn kết khi tất cả cùng dồn sức lực, trí tuệ đề giành giật sự sống. Trong nỗi đau và sự bất lực ấy lại hiện lên một niềm tươi mới. Và trong cuộc chiến này, Covid sẽ không thắng được sức mạnh tập thể, sự cống hiến và hy sinh của các y bác sĩ đang tham gia cứu chữa bệnh nhân.
Nhiều người cho rằng những hình ảnh trong Ranh giới quá khốc liệt với khán giả đại chúng, và không nên được ghi lại. Đây là một tranh luận kinh điển từ suốt bao năm nay cho những người làm báo. Ghi lại nỗi đau thì quá tàn nhẫn, nhưng nếu không thì vĩnh viễn chúng ta không bao giờ biết điều gì đang thực sự xảy ra: Vậy khi thực hiện những thước phim này, trong anh có bao giờ có sự giằng xé?
Thực ra trước lúc làm phim cho đến khi tiến hành hậu kỳ, chúng tôi đã tính toán rất kỹ xem những khuôn hình nào là nhạy cảm. Nhưng ta phải nhìn rộng hơn: Mình đang làm cái gì? Mình đóng vai trò gì ở đây? Với một phóng viên đài truyền hình Quốc gia tham gia công tác vào tâm dịch, với nhiệm vụ cốt yếu là tuyên truyền sự khốc liệt, tàn phá của Covid-19, để người dân xem và hiểu được trong hoàn cảnh dịch là như thế nào. Trong phim, nó hiện rõ 3 yếu tố:
Yếu tố thứ nhất: Chúng tôi muốn tuyên truyền về sự kinh khủng của Covid để người xem thấy mà sợ, sợ để từ đấy trân quý cuộc sống mình đang có, lo và bảo vệ cho bản thân mình, cho gia đình và người thân của mình. Từ đó, xã hội và cả đất nước sẽ tránh thêm người bệnh.
Yếu tố thứ 2: Sự cống hiến hết mình của đội ngũ y bác sĩ đang hy sinh để cứu chữa các thai phụ là bệnh nhân Covid.
Yếu tố thứ 3: Qua 2 yếu tố đấy thể hiện được một mối tương quan, một ranh giới mà không có giới hạn và khoảng cách. Ở đó, giới hạn của tình người trỗi dậy, xóa đi khoảng cách giữa người bệnh và bác sĩ. Sự lây nhiễm không chiến thắng được tình thương ở nơi này, và đó là điều được bộc lộ rõ nhất.
Phim cũng nhận về những ý kiến trái chiều, nói rằng tại sao không che mặt? Phim chà đạp lên nỗi đau của người khác để lấy dư luận. Đấy là ý kiến của người xem, mình không có quyền cấm. Cá nhân tôi, có mấy ý kiến thế này: Chúng tôi làm phim và đã xin phép các bệnh nhân đồng ý chia sẻ câu chuyện của họ. Ở đầu phim cũng có khoảng 4 hình ảnh người thai phụ F0 đã chia sẻ mà tôi không che mặt. Với những người không có khả năng trò chuyện, bạn có thể để ý tôi hầu như không có hình ảnh nào rõ mặt họ cả bởi tôi không xin phép họ được.
Một chi tiết nữa là khi người bố muốn gặp con gái lần cuối, thì như tôi chia sẻ ban đầu, ngay cả một điều nhỏ nhoi như vậy còn không thành hiện thực, người ta lại gặp người thân qua bức ảnh - và chi tiết đó thể hiện được tình người, một chút kỷ niệm rất quý giá với người thân. Trong phim của mình, tôi để mặt, nó bộc lộ tất cả những yếu tố dấy. Nếu những bệnh nhân tôi quay mà người ta phản đối thì gia đình họ đã gọi phản ánh rồi, chứ tôi nghĩ khán giả lại đi lo hộ người ta.
Trong khi, mục đích chính của phim là tôi muốn nó gây ảnh hưởng đến xã hội, tác động tích cực đến công tác phòng chống dịch. Chính vì thế, mình phải đặt yếu tố về phòng chống và lợi ích xã hội lớn hơn. Qua đây, có thể hiểu, nếu như ai cũng vì cái tôi cái nhân, ai cũng vì bảo vệ, giữ gìn cá nhân, tôn trọng cá nhân, nhưng trong thời điểm cam go của Covid này, nếu như ai cũng nghĩ đến cá nhân thì liệu có những tập thể, y bác sĩ, những tình nguyện viên rồi bao nhiêu người từ Bắc và Nam dồn dập như thế để tham gia công tác phòng chống dịch không?
Đó chỉ là một câu hỏi tôi đặt ra để mọi người có ý kiến trái chiều và tự suy nghĩ lại. Tôi nghĩ, nếu các bạn chỉ ngồi, nhìn và phán xét thì các bạn sẽ có một cái nhìn không thể khách quan. Còn chúng tôi là những người trực tiếp vào, nhìn nhận câu chuyện, gặp gỡ những người bị bệnh, những người cứu chữa, chúng tôi phải hiểu được câu chuyện hơn ai hết. Và tôi không ghi hình người ta trong 5-10’ hay buổi sáng. Tôi đã ở đó nửa tháng, tôi gần gũi, ghi hình người ta, mỗi người có khi đến cả tuần. Nhưng những gì tôi đưa lên phim chỉ là những chắt lọc rất ngắn gọn.
Các bạn từ đây đủ hiểu là nhân vật với tôi không xa rời, không có một khoảng cách như mọi người đang suy đoán. Tôi cũng gặp những ý kiến nói rằng tôi cường điệu hóa cái bệnh này lên, tôi sắp đặt khuôn hình, sắp đặt câu chuyện để đưa vào phim. Tôi cũng không dám nói là họ có hiểu biết hay không hiểu. Truyền thông thì luôn có những ý kiến trái chiều, có tích cực, bên cạnh đấy luôn đi cùng những ý kiến mà tôi không nói là tiêu cực, nhưng nó thể hiện sự thiếu hiểu biết. Bởi đơn giản là, bạn xem phim, bạn sẽ hiểu, trong cường độ con người ta thèm thở, thèm được cứu sống, bác sĩ lao động khủng khiếp như thế, vậy ai là người dành thời gian để tôi đạo diễn? Đến tên bác sĩ tôi còn không kịp lưu, thì tôi không hiểu là như thế nào? Đến cái tên mà tôi đưa vào phim là sau khi hậu kỳ tôi mới xin lại từ một phòng ban quản lý nhân sự.
Và thường thì bên nào sẽ chiến thắng sau những cuộc giằng xé ấy? Có một lúc nào đó anh ngưng lại, vì quyết định rằng chỉ nên đến vậy là đủ rồi…
Khi cấp cứu những người bệnh mất ý thức, tôi không dừng lại. Tôi buộc phải ghi lại cảnh các y bác sĩ đã hết mình cứu chữa bệnh nhân như thế nào. Họ tính toán ra sao? Lao động thế nào để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Chỉ có duy nhất một lần tôi phải dừng máy quay. Đó là tiếng hét của một thai phụ quá đau đớn. Và tôi thấy cần phải dừng máy quay vì đối diện trước tiếng hét ấy, tôi không thể bấm máy tiếp được. Rồi khi thai phụ hết oxy cần phải thay, nếu không có y bác sĩ ở đó, tôi cũng dừng máy ra để gọi. Lần khác, khi đang quay hình, các y bác sĩ khiêng bệnh nhân từ giường này sang giường khác, bệnh nhân thì nặng, y bác sĩ lại ít, các bạn ấy gọi mình thì mình cũng sẵn sàng buông máy để hỗ trợ. Những cái đó là những khoảnh khắc không mang tính quyết định, không ảnh hưởng đến thước phim của mình. Có thể mình quay được, đưa vào sẽ hấp dẫn và hay hơn. Nhưng mình cũng xác định được cái gì cần và không cần ở thời điểm đấy.
Vậy có khi nào những cảm xúc nặng nề và đau đớn dồn nén trong anh, và anh vẫn quyết định là mình phải tiếp tục?
Thực ra, khoảnh khắc nằm trong yếu tố về tính kết cấu của một bộ phim, một kịch bản. Đối với một bộ phim tài liệu, đặc biệt là phim dài 50’, thì mình phải tính toán truyền tải tới người xem đủ mọi cao trào. Làm sao để cái sức truyền tải nó mạnh nhất. Đặc biệt, mục đích của mình là muốn tuyên truyền và khích lệ tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng của công tác chống dịch. Chính vì thế, trong phim, tôi quay rất nhiều, lựa chọn và chắt lọc, sắp xếp bộ phim làm sao đi theo một tiến trình từ A-C, từ thấp đến cao độ. Trong phim, bạn xem cũng biết là tôi bắt đầu từ câu chuyện bệnh viện phải sửa chữa, thay đổi để cấp một hệ thống oxy lỏng, họ tính lượng bệnh nhân quá lớn cần phải sử dụng oxy và rất nhiều bệnh nhân phải chuyển qua một viện khác. Từ đấy, tôi cứ dồn dần lên, bệnh nhân ngày 1 nhiều, đội ngũ y tế thì thiếu đủ thứ. Nhưng trong cái thiếu đấy, mình lại đẩy cao hơn, nổi bật hơn là đội ngũ y tế đã vượt khó để tiếp tục làm việc thế nào, ngay cả bệnh nhân cũng vậy. Những người bác sĩ đóng vai người nhà để động viên bệnh nhân, sau đó cứu chữa bệnh nhân, rồi cấp cứu bệnh nhân, và cuối cùng lại là chia sẻ nỗi đau với gia đình bệnh nhân. Sau nỗi đau ấy, người ta lại tiếp tục một hành trình mới và không dừng lại. Những lúc đó, chỉ có động lực và niềm tin mới có thể giúp ta vượt qua những bí bách và nỗi đau ấy.
Rất nhiều những khoảnh khắc ám ảnh xuất hiện trong Ranh giới, vậy đó đã là tất cả những gì khủng khiếp nhất hay chưa? Anh còn giữ lại điều gì để tránh sự nặng nề quá mức cho người xem?
Đúng. Khi làm hậu kỳ phim, tôi cũng tính toán rất kĩ. Đã có rất nhiều dữ liệu tôi để lại, bởi tôi muốn để người xem cảm nhận câu chuyện một cách từ từ, không bị ngợp. Tôi làm "Ranh giới" khá hồi hộp, có những đoạn bí bách, tạo cảm giác như đưa người xem đứng ở trong đấy và chứng kiến tất cả. Mục đích là làm sao cho người xem cảm thấy sợ, để lo cho mình, nghĩ đến mình. Nhưng sợ thế nào chỉ vừa phải và đúng độ thôi, nếu quá, sẽ có những người sợ mà… tắt đi không xem nữa. Chính vì thế, những điều đó được chúng tôi cân nhắc khá kĩ khi làm hậu kì. Quan trọng nhất, mình đóng góp được 1 sản phẩm đưa nó vào công cuộc tuyên truyền để chống sự tàn phá của Covid-19.
Quan trọng hơn nữa hẳn là ghi lại một phần nhỏ trong giai đoạn lịch sử này?
Đúng vậy, cá nhân tôi nghĩ rằng đây là một bộ phim mà nó sẽ ghi lại những hình ảnh lịch sử của một thời kỳ có 1-0-2 trong lịch sử. Covid đã đi qua khắp các nước trên thế giới và Việt Nam ta đang phải đối mặt chịu đựng với sự khắc nghiệt ấy.
Ảnh: VTV
Lúc xem lại, anh có biết rằng đây là một bộ phim có thể gây được sức ảnh hưởng không?
Có chứ, ngay từ đầu khi bắt tay vào làm phim, tôi đã xác định với đề tài/ khu vực/ nơi mình chọn, mình sẽ phải làm bộ phim này để gây sức ảnh hưởng tới người xem. Ảnh hưởng ở đây không phải là mình cần sự nổi tiếng từ bản thân hay nhiều người biết đến mình hơn. Mà ảnh hưởng ở đây là mình muốn có một sự tuyên truyền, hiểu biết về Covid, sợ Covid. Sau khi làm hậu kỳ xong, tôi lại càng có niềm tin hơn vào công việc này.
Nếu thay vì một bộ phim mà là một bức tranh để miêu tả về những gì đang diễn ra trong tâm bão, anh sẽ đặt lên đó những gam màu gì? Tại sao?
Trong bộ phim bạn xem, bạn có thể thấy một sức sống, một tinh thần và nghị lực rất dồi dào tính văn học - thông qua hình ảnh bạn điều dưỡng và con trai. Từ hình ảnh đấy, cho chúng ta thấy một sức sống và nghị lực mới của những con người đang nối tiếp nhau chống dịch. Trong đó, những hy vọng được mở ra, những đứa trẻ sinh ra từ tâm dịch xuất hiện rất xinh xắn và đáng yêu.
Bức tranh của tôi vẽ sẽ có một chiều sâu, đưa người xem cảm nhận tiền cảnh, hậu cảnh. Trong tiền cảnh, ta nhìn rất rõ sự khắc nghiệt của bệnh tật, ý chí chiến đấu quên mình của các y bác sĩ. Và sự khốc liệt ấy sẽ được tăng tiến, đưa người ta đến những cung bậc cảm xúc khác nhau: Sự hụt hẫng, niềm vui và nỗi buồn. Nhưng đằng sau tất cả sẽ là niềm hy vọng và một tương lai tươi sáng thể hiện qua ý chí của các nhân vật, đặc biệt là hình ảnh những em bé được sinh trong tâm dịch.
Vậy có lẽ bức tranh của anh sẽ mang gam màu xanh hy vọng chăng?
Đúng, nhưng cũng có thể là không. Tôi nghĩ, đó sẽ là mọt gam màu trầm buồn. Nhưng mấu chốt, tia sáng duy nhất trong bức tranh, như một tia nắng mặt trời buổi hoàng hôn. Dù chỉ là một đốm sáng nhỏ tròn của hoàng hôn trên bóng đen rất lớn, nhưng đó sẽ là điểm sáng nhất. Và là điểm nhân của toàn bộ bức tranh.
Sau trải nghiệm của mình, anh có thể rời chiến trường và trở về nhà, nhưng có nỗi đau nào nặng nề vẫn ở lại trong anh không?
Còn rất nhiều. Đến tận bây giờ, những giấc ngủ của tôi vẫn còn sự ám ảnh. Trong giấc ngủ, vẫn còn những khuôn hình, những tiếng thét, những bước chạy gấp gáp, những hơi thở và tiếng bíp. Từ hôm tôi về nhà, chưa hôm nào tôi ngủ ngon. Không phải tôi dằn vặt, mà mọi thứ cứ trôi về. Và ngay cả cái phim tôi đang dựng tiếp theo, nó cũng đòi hỏi mình phải vận động, phải suy nghĩ, làm thế nào để không lặp phim trước, làm thế nào để đan xen truyền tải tới khán giả một cái nhìn mới, một sức sống và niềm tin mới.
Và còn những bác sĩ, họ kiệt sức và đau khổ, nhưng ngày hôm sau vẫn phải tiếp tục đứng lên và cố gắng. Họ bám trụi và đối mặt với những gánh nặng khủng khiếp cả về thể chất lẫn tinh thần, phải không?
Cuộc chiến này còn khá là dài, khá là khốc liệt. Chính vì thế, đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chính là niềm tin và hy vọng của chúng ta. Trong phim tôi có nói đến chi tiết những F0 sẵn sàng ở lại cống hiến và lao động để giúp các F0 khác. Ở đó, đã thể hiện một tinh thần vượt khó, tương thân tương ái. Một sự đoàn kết hy sinh quên mình rất lớn của nhiều người, cùng hướng đến một mục tiêu chung là đoàn kết đánh đuổi Covid.
Đứng ở phía anh, một người đã ở giữa tâm cuộc chiến khốc liệt nhất, thì anh thấy sự mất mát của chúng ta là gì? Và của họ - những người đang chiến đấu, là gì?
Cuộc sống chúng ta đang bị co mình vào để chống chọi. Mọi hoạt động bị xáo trộn, tất cả đều dồn vào mục tiêu chúng là đánh đuổi giặc Covid. Trong cái mất mát đấy, không chỉ chúng ta mà ngay cả những người nơi tuyến đầu chồng dịch, Bộ ban ngành, y tế, tình nguyện viên, họ còn mất mát nhiều hơn. Nhưng cái mất mát lớn nhất sẽ là khi chính họ rơi vào trạng thái mất niềm tin, mất hy vọng. Trong cuộc chiến này, chúng ta không thấy điều đấy. Nên tôi rất tin tưởng rằng cuộc chiến này sẽ thành công. Việt Nam ta nghìn năm xa xưa chống giặc, trong gian khó, đau khổ thì cái tình người và sự đoàn kết, sức mạnh tinh thần được trỗi dậy rất lớn. Hãy nhìn xung quanh, đâu đâu cũng đều hướng về vùng có dịch.
Theo anh, điều gì tạo nên sức mạnh khi ta đứng giữa những ranh giới?
Bộ phim muốn lột tả rõ hơn là cái ranh giới sinh tử mong manh đến mức ta muốn sống cũng không được. Có 1 bác sĩ chia sẻ thế này: Nếu như ngày xưa, với 1 bệnh nhân, ta có thể dùng phác đồ điều trị A B C D, ta có thể tự tin cứu được. Nhưng với bệnh nhân mắc Covid bây giờ, bác sĩ cũng không tin là có thể đảm bảo sự sống cho họ, nếu như cả bác sĩ lẫn bệnh nhân không cùng nhau quyết tâm. Tại sao tôi lại chọn câu kết của nhà văn Nguyễn Khải? Là bởi có thể có rất nhiều mất mát, có nỗi đau, nhưng sau đau buồn ấy nếu người ta buông xuôi và chán nản thì ai sẽ tiếp bước? Khi bạn điều dưỡng nói: Ranh giới sống chết mong manh quá, đòi hỏi người ta sống tử tế và mạnh mẽ hơn. Tức là bản thân người ta đã tự ý thức được, đâu đó trong mỗi người có quyết tâm và sức mạnh để vượt qua tất cả.
Cảm ơn anh về những chia sẻ và chúc anh tiếp tục thành công trong thời gian tới.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/ta-quynh-tu-va-ranh-gioi-neu-nhung-benh-nhan-toi-quay-ma-nguoi-ta-phan-doi-thi-gia-dinh-ho-da-goi-phan-anh-roi-khan-gia-lai-di-lo-ho-nguoi-ta-161211109070029740.htm
Theo ttvn.vn