Mỗi sáng thức dậy, chị V.T.Hòa được nhân viên y tế đo huyết áp, kiểm tra thân nhiệt lúc 6h. Bữa sáng gọn nhẹ, đơn giản được chuẩn bị ngay sau đó. Dụng cụ, thiết bị vệ sinh, quần áo được gấp một góc. Căn phòng có 7 giường, 2 cửa sổ chính, 2 cửa phụ phía sau, luôn trong tình trạng sạch sẽ, thoáng mát, có cả tivi lẫn wifi.
Nếu không nói, chắc không ai nghĩ chị Hòa cùng đồng nghiệp hiện đang được cách ly y tế tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, sau chuyến bay có một hành khách người Nhật dương tính COVID-19.
1h19 ngày 4/3, chuyến bay VN340 cất cánh từ TPHCM đi Nagoya, Nhật Bản. Khi đáp xuống, hành khách ngồi ghế 2C có biểu hiện sốt, được đội y tế Nhật bản tiến hành kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu bệnh phẩm. Kết quả cho thấy hành khách trên dương tính với COVID-19.
Tổ tiếp viên trên chuyến bay VN340 sau khi đưa khách tới Nhật Bản đã quay về Việt Nam trên chuyến bay VN341, hạ cánh tại Tân Sơn Nhất lúc 13h55 trong ngày 4/3. Trên máy bay tổng cộng có 73 khách và 12 thành viên phi hành đoàn gồm phi công và tiếp viên.
51 khách nhập cảnh vào Việt Nam (trong đó có một trẻ em), 7 nhân viên an ninh, nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay và tổ bay tuy được trang bị khẩu trang, găng tay, nhưng để đảm bảo an toàn đều tự giác cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe 14 ngày.
Chị Hòa là một trong 12 thành viên của tổ bay hôm đó.
Những bữa cơm tập thể trong phòng cách ly của đoàn tiếp viên tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Chị em nhận hoa chúc mừng 8/3 từ đoàn bay.
Những nữ tiếp viên hàng không với điệu nhảy "đẩy lùi Corona" trong phòng cách ly. Nguồn: Vietnam Airlines.
Ở trong khu cách ly, chị Hòa cảm nhận như một "chuyến bay nghỉ dưỡng", được cung cấp đầy đủ từ đồ ăn, quần áo, đến đồ dùng cá nhân, không sợ thiếu thốn bất cứ thứ gì. Hàng ngày, nhân viên vệ sinh tới dọn dẹp 2 lần, khử trùng phòng ốc sạch sẽ.
Căn phòng của chị ở tầng 2, có ban công, nên mỗi chiều chị có thể ra ngoài hóng gió, ngắm nhìn xung quanh. Chị nhận ra, cuộc sống trôi chậm lại một nhịp cũng rất thú vị.
"Mọi người không nên hoang mang, lo lắng, điều kiện cách ly ở Việt Nam rất tốt, nên mình cảm thấy rất yên tâm. Đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng", chị nói.
Mỗi ngày, nữ tiếp viên thường gọi điện tâm sự với chồng và người thân. Chị dặn họ yên tâm, không nên quá lo lắng. Sức khỏe chị ổn định, nếu không có gì thay đổi, một tuần nữa sẽ được về nhà, quay lại công việc.
Những lúc sinh hoạt chung, chị cùng các tiếp viên khác được yêu cầu luôn đeo khẩu trang, không đi từ phòng này sang phòng khác, không tiếp xúc quá gần để tránh lây nhiễm chéo. Các chị mở ngay một "spa mini" với các dịch vụ đắp mặt nạ, chải tóc,... Đôi lúc, để nâng cao sức khỏe, căn phòng cách ly bỗng biến thành "trung tâm yoga" bất đắc dĩ.
"Công ty hỏi thăm mỗi ngày, còn gửi quà, đồ ăn "tiếp tế" cho bọn mình", chị cười.
Các cô gái của Vietnam Airlines nhảy điệu rửa tay theo bài hát "Ghen Cô Vy".
Các hoạt động khác trong khu cách ly giúp các chị hiểu nhau hơn.
Đoàn tiếp viên tạm biệt anh chị đồng nghiệp "tiếp tế" và mang đồ tới.
Hoạt động yêu thích nhất trong khu cách ly, đối với chị Hòa, là cùng các đồng nghiệp tập luyện điệu nhảy "rửa tay" chuyên nghiệp theo bài hát "Ghen Cô vy". Công ty còn gửi thêm các bài tập khác, để chị em cùng rèn luyện trong vòng 14 ngày.
6 cô gái trong "bộ đồ bệnh nhân", chân đi dép tổ ong, tóc búi cao và không quên đeo khẩu trang, đã cho ra đời "vũ điệu rửa tay" phiên bản "các bóng hồng tiếp viên hàng không" đầy sức sống.
Tất cả đều chưa một lần nhảy múa, nhưng luôn "cháy" với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Họ vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nỗ lực hết mình để biến những khó khăn thành thuận lợi.
"Bọn mình ban đầu chỉ tập cho vui, nhưng sau gửi về cho đội truyền thông của đoàn đã nhận được sự khích lệ. Tuy còn hơi vụng về, nhưng bọn mình mong đây là món quà gửi đến các chị em nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3", chị nói.
Chị em đọc những dòng chia sẻ, động viên và chúc mừng của đồng nghiệp viết tặng.
Tối tối, chị em ra ban công hóng gió, kể chuyện cho nhau nghe.
Đã 2 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, những chuyến bay bắt đầu gắn liền với khẩu trang, găng tay. Dù mệt mỏi, đau đầu vì thiếu oxy, hai vành tai đau nhức đỏ tấy khi phải đeo khẩu trang suốt mười mấy tiếng đồng hồ, nhưng những tiếp viên như chị Hòa, họ không cho phép bản thân mình kêu ca. Họ chọn cách im lặng, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, sẵn sàng bay vào những vùng dịch trên thế giới đón đồng bào, rồi sau đó tạm xa con nhỏ, xa giađình để tự cách ly.
Xin mượn lời của một độc giả, gửi tới chị Hòa cùng 11 thành viên của tổ bay. "Mong các bạn chóng khỏe để tiếp tục hành trình và những chuyến bay. Liều thuốc tinh thần sẽ chiến thắng tất cả. Cuộc sống luôn biến động chúng ta mong chờ những điều tốt nhưng cũng chuẩn bị cho những tình huống ngoài dự kiến. Việt Nam đang hành động quyết liệt trên từng cây số và tôi cũng tin chúng ta sẽ vượt qua đợt dịch này. Chúc các bạn luôn bình an!".