Thông thường, khi thiết kế ra một phông chữ mới, ngoài yếu tố thẩm mỹ cao, yếu tố rõ ràng, dễ đọc và thu hút người nhìn luôn là những ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp của “Sans Forgetica” mọi chuyện lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại, bởi cha đẻ của nó – các nhà nghiên cứu tại trường đại học RMIT (Úc) – lại cố tình khiến nó trở nên thật sự “khó hiểu”!
Loại phông chữ mới. |
Sans Forgetica được thiết kế với hai rào cản lớn để ngăn mọi người có thể dễ dàng nhận diện mặt chữ. Đầu tiên, các ký tự được viết ở dạng nghiêng qua bên trái (trong khi đại đa số các phông chữ khác đều đặt thẳng hoặc nghiêng bên phải). Điều thứ hai đó là mỗi chữ cái đều bị khuyết mất một đoạn nét, so với các các ký tự thông thường.
Để có thể cho ra đời Sans Forgetica, các nhà nghiên cứu Úc đã phải thực hiện một nghiên cứu dựa trên nền tảng “tâm lý học nhận thức”.
Theo lý giải của các nhà sáng tạo, việc các chữ cái khó đọc sẽ khiến bộ não phải tư duy nhiều hơn để tự hoàn thiện, tăng tính tò mò và cố gắng tìm hiểu xem những ký tự mình đang thấy là gì. Hệ quả là dù tốc độ đọc có chậm lại nhưng trung ương thần kinh lại được kích thích để ghi nhớ các con chữ, câu từ lâu hơn.
Kỹ thuật này được giới khoa học gọi là Desirable difficulty - sự khó khăn mong muốn.
Hiệu quả của “Sans Forgetica” cũng đã được chứng minh trong một nghiên cứu được thực hiện với gần 400 học sinh. Cụ thể, 57 % các nội dung được viết bằng phông chữ này đã được ghi nhớ. Trong khi đó, với phông chữ “Arial” truyền thống, con số đó chỉ là 50%.
Hiện tại, mọi người có thể truy cập vào đường link sansforgetica.rmit để trải nghiệm phông chữ mới mẻ này.
Theo sohuutritue.net.vn