Chị Chiêu có 4 đứa con, đứa đầu đi lạc mới tìm về được 2 tháng, đứa út vừa sinh chưa tròn tuần. Không ai trong căn nhà đó biết đến Tết thiếu nhi khi tiền ăn cũng đã hết.
Nhóm phóng viên di chuyển sâu vào con hẻm trên đường số 8 (phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM) gặp lại gia đình chị Chiêu có bé Phương Linh (bé Muội, 8 tuổi) bị mất tích hồi tháng 2 và tìm thấy sau gần 2 tháng trời ròng rã.
Theo như thông tin trước đó, khoảng 4h chiều 11/2, bé Muội tự bắt xe bus từ làng đại học (Đại học Quốc gia TP.HCM) xuống trung tâm Sài Gòn thì ngủ quên đến cuối trạm Công viên 23/9, thay vì dừng lại ở trạm gần phố đi bộ Nguyễn Huệ để tìm mẹ.
Không nhớ rõ đường về, Muội lang thang trên đường, từng bị đánh đập rồi may mắn được một bác bảo vệ tốt bụng đưa về Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Chị Chiêu cùng chồng ôm theo hai đứa con nhỏ và cái bụng bầu đi khắp nơi tìm kiếm. Nằm mơ thấy bé Muội ở đâu, sáng hôm sau gia đình lại chạy đến với hy vọng tìm thấy con. Số tiền để dành cho sinh nở của chị Chiêu cũng cạn sạch. Tưởng như vô vọng, cuối cùng sau gần 2 tháng tìm kiếm, bé Muội cũng trở về trong vòng tay cha mẹ.
Lối đi vào nhà vợ chồng chị Chiêu treo đầy quần áo của 4 đứa con. |
Đón chúng tôi là hai đứa con giữa của chị Chiêu: Bình An (3 tuổi) và Bảo Xuyến (2 tuổi). Nụ cười ngây thơ trên gương mặt hai đứa trẻ không hề biết rằng nhà mình vừa trải qua biến cố lớn, gia đình lại lâm vào cảnh "thiếu trước hụt sau".
Thời điểm Zing.vn tìm đến, bé Muội đã cùng bà ngoại về quê ở Huế làm giấy tờ để sắp sửa nhập học. Nhà chỉ còn 4 mẹ con, vì chồng chị Chiêu đi làm chưa về.
Con đường dẫn vào căn phòng nhỏ xập xệ chưa đầy 15 m2 treo đầy quần áo trẻ em. Nằm ở góc nhà là một em bé đang ngủ. Đứa bé vừa sinh được mấy ngày, vẫn chưa có tên. 15 m2 ấy là chỗ ăn, ngủ của tổng cộng 6 người, trong đó có đến 4 đứa trẻ đang ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".
Chị Chiêu mở đầu câu chuyện về sự hiện diện của đứa con út, thi thoảng quay sang mắng hai đứa nhỏ kia vì quậy quá. Túng quẫn, đói khổ, nheo nhóc - những tính từ có người cảm thông, người thì ái ngại khi nhìn về gia đình này - nhưng chị Chiêu chỉ cười, giống như ở trong cái khổ mãi người ta cũng đã quen rồi.
Đứa con út nằm trong bụng mẹ rong ruổi khắp nơi
Sau khi sinh bé Bảo Xuyến (con thứ 3), chị Chiêu nghĩ sẽ dừng việc sinh nở để tập trung buôn bán, cùng chồng chạy ăn từng bữa nuôi 3 đứa con, nhưng rồi "vỡ kế hoạch".
Đứa bé có lẽ cũng chẳng nghĩ được rằng từ lúc chưa lọt lòng đã cùng gia đình đi qua nhiều khó khăn, biến cố đến thế.
|
Đứa con út mới chào đời mấy ngày, còn chưa được đặt tên. |
Khi còn chưa chào đời, bé đã rong ruổi cùng mẹ hàng ngày trên quãng đường cả đi lẫn về hơn 30 km, lang thang khắp khu phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) bán hàng rong.
Những lúc gặp công an hay bảo vệ, chị Chiêu chỉ biết mang bụng bầu, xách nôi chở hai đứa bé chạy nhanh nhất có thể. Khi ấy, chị thường rơi nước mắt, phần vì buồn tủi, phần vì lo lắng cho các con, sợ chúng bị ai bắt mất.
Nhìn bộ quần áo cũ kỹ, lau vội dòng nước mũi chảy ra vương vãi trên gương mặt lem luốc của đứa thứ 2, chị tâm sự: "Tôi chưa đặt tên cho bé út vì đang suy nghĩ cái tên thật hay, gắn liền với số phận và những gì nó phải trải qua".
Đứa út lúc chưa chào đời cũng đã cùng vợ chồng chị Chiêu "ăn bờ ở bụi" quanh Công viên 23/9, lúc bé Muội mất tích. Bụng ngày một lớn, con gái vẫn chưa tìm ra, chị Chiêu từng khóc cạn nước mắt trong bế tắc.
Bé Bảo Xuyến (2 tuổi, trái) và Bình An (3 tuổi). Thời điểm phóng viên đến nhà, bé Muội (8 tuổi) đã theo bà ngoại về quê. |
'Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển đơn côi một mình'
Đến khi tìm được bé Muội, chị Chiêu phải nghỉ bán ở nhà chờ sinh nở. Những ngày vượt cạn lại tiếp tục là chuỗi kinh hoàng...
"Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển đơn côi một mình" - xin mượn câu ca dao này để nói về hoàn cảnh chị Chiêu trong giây phút đáng lẽ cảm thấy thiêng liêng của người phụ nữ. Ngược lại, chị phải sinh con trong nỗi buồn và tuyệt vọng.
"Ngủ đi con, sữa nè uống rồi ngủ ngoan con nha", chị bế đứa con trên tay, đưa đến miệng bé những giọt sữa mà bà con lối xóm thương tình gửi cho rồi kể tiếp: "Hôm đó, tôi nghỉ bán vì bụng bầu đã to, chồng lại đi làm nên nằm ở nhà một mình. Nhớ lại lúc đó khoảng 9h sáng, bụng tôi đột nhiên đau dữ dội, đau đến mức bật khóc. Gọi điện cho chồng nhưng không liên lạc được, tôi hụt hẫng rất nhiều".
"Tôi phải 'lết thân' ra cửa, nhờ người gọi xe ôm đi bệnh viện", chị nghẹn ngào. Từ nhà lên bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), chị tưởng chừng như đi một vòng thế giới.
Ngày sinh bé út, từ nhà lên bệnh viện Từ Dũ, chị Chiêu tưởng chừng như đi một vòng thế giới. |
Đến bệnh viện, chị đau bụng chịu không nổi, lại khó sinh. Bác sĩ quyết định mổ nhưng yêu cầu người nhà đến. Chị Chiêu muốn ngất lịm đi vì quá đau đớn.
Thấy chị kiệt sức, bác sĩ đưa lên bàn mổ, may mắn đứa bé đã ra đời mạnh khoẻ. Chị Chiêu không giấu được niềm hạnh phúc khi nhìn con an yên nằm trong tay mình.
Ngày vượt cạn, chồng không ở bên cạnh, chị càng buồn hơn khi số tiền viện phí 5 triệu đồng phải đóng lúc nhập viện quá lớn.
Sinh gần một tuần nhưng viện phí vẫn còn nợ. Chị Chiêu cứ chẹp miệng mãi: "Giá mà sinh thường, hết có triệu mấy à, thì đâu đến mức nợ mười mấy triệu đâu".
Đêm đó, hai đứa con của chị Chiêu - đứa thì gửi nhà hàng xóm, đứa theo cha mượn xe máy, vượt mưa đến viện. Chẳng rõ hai đứa nhỏ có hiểu nhà mình vừa có thêm thành viên mới hay không.
15 m2 vắng tiền bạc nhưng đầy tình thương
Tiếng chiếc quạt máy duy nhất trong nhà đều đều theo giọng kể chị Chiêu. Căn phòng mướn chật chội những vật dụng sinh hoạt. Chỗ thì xoong nồi chén bát, chỗ là đống áo quần với ít sữa đi xin về cho đứa con út, trừ lại đúng một góc để cả nhà cùng ngủ.
|
Mấy đứa con của chị Chiêu thương nhau lắm! |
Cuộc sống của chị Chiêu bộn bề và bận rộn. Người ta ở cữ có người này chăm, người kia đỡ, chị cứ một thân một mình vật lộn với ba đứa con, dù mới mổ được mấy ngày.
Mà chẳng mình chị thì còn ai, chồng phải đi kiếm tiền, không thì lấy gì cho mấy cái miệng ăn? Tiền hết, sữa cho con hết, chị chẳng dám nghĩ tuần sau sẽ sống như thế nào.
Bảo Xuyến thích hôn em kể cả lúc em đang ngủ. |
Trạc tuổi chị chắc nhiều người còn chưa kết hôn, chị thì đã tay bồng tay bế tới 4 đứa. Gương mặt hằn lên nhiều lo toan và vất vả, đôi lông mày nhạt, khuôn miệng chắc chưa từng một lần đánh son, nhưng chị chỉ cười.
Mấy đứa bé con chị Chiêu có đôi mắt sáng trưng, chắc chúng hiểu phần nào hoàn cảnh của gia đình mình nên nhanh nhẹn và biết thương nhau lắm.
Những nụ cười hạnh phúc trong căn nhà từng có đứa con mất tích. |
Xếp mấy chiếc khăn sữa, chị Chiêu lại nựng mặt đứa trẻ còn đỏ hỏn nằm trên nền đất. Thấy mẹ như vậy, Bình An, Bảo Xuyến lao lại "hôn lấy hôn để" em. Chị Chiêu kể: "Tụi nó cưng em lắm, hôn hoài à".
Chắc trong căn nhà này chẳng ai nghĩ sắp đến Tết thiếu nhi. Cũng đúng thôi, tiền ăn còn chạy mỗi ngày, thời gian đâu mà nghĩ về những điều xa xôi khác.
Dẫu vậy, căn nhà 15 m2 này vẫn đầy những âm thanh hạnh phúc. Là tiếng o e vặn mình của đứa con út vừa sinh, tiếng cười của bà mẹ tìm được con sau 2 tháng trời khóc cạn nước mắt... Và cuối cùng có lẽ là thanh âm với nhiều cảm xúc nhất: Tiếng nói, tiếng cười của mấy đứa nhỏ chưa hiểu chuyện đời, cũng chưa phải màng đến những vất vả cha mẹ chúng đã, đang, rồi sẽ trải qua.
Theo zing.vn